Tình yêu nghề của các cô gái đá bóng

GD&TĐ - Nếu có một cuộc bình chọn: Công việc nào cần có tình yêu nghề mãnh liệt nhất, tôi sẽ không ngần ngại chọn nghề vận động viên.

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam làm rạng danh cho bóng đá nước nhà. Ảnh: Vietnam+
Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam làm rạng danh cho bóng đá nước nhà. Ảnh: Vietnam+

Hay nói cụ thể hơn, là nghề của các cô gái đá bóng. Tại sao vậy? Bởi vì, thách thức theo nghề của các cô gái đá bóng là quá lớn, quá khắc nghiệt, mà nếu không có tình yêu với trái bóng tròn thì không đủ nghị lực để vượt qua.

Trong xã hội, mỗi người đều có một nghề để kiếm sống. Hạnh phúc với người chọn được nghề mà mình yêu thích, lại có tương lai rộng mở, thu nhập tốt; nhưng cũng có trường hợp nghề chọn người. Song dù chọn nghề hay nghề chọn, thì trong mỗi chúng ta đều có sự toan tính về nghề nghiệp của mình. Với các cô gái đá bóng thì khác! Họ đến với trái bóng tròn từ khi mới chín, mười tuổi. Ở cái tuổi đó, các em đến với bóng đá bằng tất cả sự hồn nhiên và chắc chắn chỉ vì niềm đam mê.

Thách thức đầu tiên mà các em cần vượt qua chính từ gia đình. Ít có ông bố, bà mẹ nào lại muốn cho con theo nghiệp “quần đùi áo số”, nhất là với con gái. Bởi tương lai ở phía trước rất mù mịt.

Bóng đá là một nghề đòi hỏi có sức khỏe và năng khiếu, các em có thể bị loại bất cứ lúc nào nếu không đạt yêu cầu về chuyên môn. Thế mới có chuyện xôn xao cộng đồng mạng hiện nay xung quanh bản cam kết với gia đình cách đây 8 năm của Đào Thị Kiều Oanh, thủ môn trẻ Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia Việt Nam.

Trong bản cam kết đó, Kiều Oanh hứa với bố mẹ trong thời gian một năm, nếu việc học văn hóa đi xuống thì “bố mẹ sẽ chuyển con về”. Kiều Oanh còn hứa sẽ chăm chỉ, không đi chơi, ngoài giờ tập để chuyên tâm học văn hóa, phấn đấu trở thành học sinh giỏi, học sinh tiên tiến... Vì tình yêu bóng đá, Kiều Oanh cũng như nhiều bạn trẻ khác đã phải vượt qua rào cản gia đình bằng sự quyết tâm và lòng đam mê của mình.

Thách thức thứ hai đến từ chính các em. Các em đã phải hy sinh rất nhiều để theo đuổi đam mê bóng đá. Trong lúc các bạn nữ khác cùng trang lứa đang ở tuổi biết làm duyên suốt ngày áo, váy, son phấn, giữ da làm đỏm thì các em lao vào tập luyện với cường độ cao, bất kể thời tiết nắng gắt hay mưa lạnh.

Có em phải hy sinh mái tóc dài nữ tính cho đỡ vướng víu khi tập luyện và thi đấu. Làn da cháy nắng, chân tay xước xát, bầm tím, chấn thương để lại những vết sẹo to đùng trên cơ thể...

Từ bé, nhiều em đã chịu cảnh thiếu thốn tình cảm gia đình do ăn ở tập trung xa nhà. Tuổi dậy thì mộng mơ tươi đẹp, sự rung cảm đầu đời, tất cả phải nhường chỗ cho trái bóng tròn! Để đến khi qua giai đoạn đỉnh cao của sự nghiệp, ngoảnh đầu nhìn lại, thanh xuân cũng đã lăn cùng trái bóng, tình duyên dang dở.

Có thể điểm tên một vài trường hợp lỡ làng như: Huấn luyện viên, cựu tuyển thủ quốc gia K.C; tiền đạo đội tuyển bóng đá nữ H.Y, ngôi sao H.N... ngay cả cầu thủ trẻ được ví là “cơn lốc đường biên” của đội tuyển cũng lận đận và để tuột mất tình yêu của mình vì thời gian đều đã dồn hết cho bóng đá.

Niềm vui của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam khi được dự World Cup 2023. Ảnh: AFC.

Niềm vui của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam khi được dự World Cup 2023. Ảnh: AFC.

Khi các em chọn con đường bóng đá chuyên nghiệp, các em không có sự toan tính thiệt hơn. Nếu toan tính mà nhìn vào mặt bằng thu nhập của các cầu thủ nữ ở Việt Nam thì chắc chắn các em sẽ nản chí. Tôi được biết trước đây, một câu lạc bộ nữ ở phía Bắc, kinh phí chỉ đủ trả lương 3 đến 4 triệu đồng một tháng cho cầu thủ, cuối cùng câu lạc bộ này vẫn phải giải thể.

Ở các câu lạc bộ khác, thu nhập cũng không khá hơn là mấy, bằng một phần rất nhỏ so với thu nhập của cầu thủ nam. Để theo đuổi đam mê của mình, có em ngoài giờ tập phải kiếm việc làm thêm, một số cầu thủ có tên tuổi thì chọn cách bán hàng trên mạng. Đành rằng, các em đến với bóng đá bằng tình yêu, nhưng để nuôi dưỡng tình yêu ấy, không thể không có thu nhập tương xứng đảm bảo cuộc sống.

Tại World Cup bóng đá nữ mà đội tuyển nữ nước nhà vinh dự được góp mặt, chúng ta đều có chung niềm vui, niềm tự hào và hãnh diện quá lớn đối với các cô gái Việt Nam. Nhất là khi biết, để có thành công hôm nay, các cô gái của chúng ta đã vượt qua bao nhiêu thách thức để theo nghề.

“Mang chuông đi đấm xứ người

Chẳng kêu cũng đấm một hồi lấy danh”

Chúng ta đừng quá coi trọng kết quả thi đấu của đội tuyển tại World Cup bóng đá nữ lần này, khi đây là lần đầu tiên các em có mặt tại sân chơi đẳng cấp thế giới. Dù thắng hay thua thì các em đã là người chiến thắng trong lòng người hâm mộ nước nhà. Các em đã làm rạng danh cho thể thao nước nhà, đã cho thế giới biết đến bóng đá Việt Nam, biết đến bản lĩnh của phụ nữ Việt Nam qua các cô gái bé nhỏ nhưng có nghị lực phi thường.

Từ thành công hôm nay, chắc chắn bóng đá nữ sẽ được quan tâm nhiều hơn, khán giả sẽ đến sân đông hơn, sẽ có nhiều nhà tài trợ hơn, thu nhập của các em sẽ cao hơn. Nhưng cái được lớn nhất là các “cô gái kim cương” hôm nay sẽ truyền cảm hứng đặc biệt, góp phần tạo ra một thế hệ kim cương mới từ lớp đàn em kế cận, giúp các vận động viên trẻ có thêm động lực theo đuổi niềm đam mê với trái bóng, theo đuổi tình yêu với nghề nghiệp mà các em đã lựa chọn.

Qua câu chuyện của các cô gái đá bóng, thấy rằng: Nếu yêu nghề, nghề sẽ không phụ lại. Không có lòng yêu nghề, thì đừng bao giờ đòi hỏi nghề mang lại cho ta bất cứ điều gì. Đó cũng là lẽ công bằng của cuộc sống!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.