Cô giáo Võ Thị Thùy Dương, sinh năm 1971, quê quán ở xã An Dũng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện đang dạy học tại trường THCS Lộc Nga (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Cuộc thi “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường mến yêu năm 2022” do Bộ GD&ĐT phát động, Báo GD&TĐ tổ chức, cô giáo Võ Thị Thùy Dương đã dự thi với tác phẩm “Cậu học trò và tôi”.
Cô Dương chia sẻ: Nói đến kỉ niệm về thầy cô và mái trường khá nhiều, nhất là với giáo viên đã có 30 năm thâm niên công tác. Nhưng lý do chọn kỉ niệm để đưa vào tác phẩm dự thi lại không phải là sự lựa chọn ngẫu nhiên hay tình cờ, đó là sự lựa chọn toàn tâm, toàn ý.
Theo cô Dương, đây là kỉ niệm đã để lại nhiều xúc cảm nhất. Những cảm xúc ấy không thoáng qua hay nhất thời, nó lắng đọng sâu sắc và bền bỉ trong cô. Đặc biệt hơn, đây còn là kỉ niệm đã tác động tích cực tới tâm hồn, nhận thức. Vì vậy, “Tôi hi vọng những cảm xúc tích cực, những giá trị nhân văn không chỉ dừng lại trong tôi mà còn đến với tất cả bạn đọc và toàn xã hội…”, cô Dương trao đổi.
Mặt khác, cô Dương cho rằng kỉ niệm đưa vào tác phẩm dự thi sẽ chạm đến trái tim, khơi gợi những cảm xúc của tình yêu thương, sự thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ nơi bạn đọc, khi đứng trước một hoàn cảnh bất hạnh, đáng thương của cậu học trò nhưng đang gặp phải sự vô tình của cô giáo (như trong tác phẩm).
Một kỉ niệm mang nhiều ý nghĩa nhân văn đó là nhờ học sinh mà giúp cô giáo kịp nhận ra mình đang ở đâu, đang ở chỗ nào và cần phải làm gì để tự điều chỉnh mình, tự thay đổi bản thân để hoàn thiện hơn trong cuộc sống và sự nghiệp “trồng người”.
Cô Võ Thị Thùy Dương đang công tác tại Trường THCS Lộc Nga (thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng). |
Một kỉ niệm đến với cô Dương tuy muộn nhưng vẫn kịp mở ra một khung trời đầy ánh sáng, còn cơ hội để kịp bù đắp, chuộc lỗi, có hướng đi phù hợp và thích ứng giúp học trò khôn lớn, trưởng thành - dù trong hoàn cảnh đáng thương tâm; và đó cũng là cơ hội cho cô được trút bỏ bớt sự day dứt trong lòng.
Đối với cô Dương, kỉ niệm trong tác phẩm dự thi là sự trải nghiệm hữu ích, bài học quý giá với bản thân. Nhờ đó cô có được những thế hệ học sinh thành đạt sau này, khi chúng luôn nhận được tình yêu thương, sự thấu hiểu, đồng cảm, quan tâm và chia sẻ từ cô giáo. Kỉ niệm của cá nhân trong tác phẩm nhưng ý nghĩa nhân văn không dừng lại ở riêng cô, nó đi sâu và lan toả rộng khắp đến bạn đọc, đến xã hội và đặc biệt các thế hệ học sinh - chủ nhân tương lai của đất nước sau này.
Cô giáo Võ Thị Thùy Dương còn cho biết thêm, đến với cuộc thi từ lúc đầu cho đến bây giờ trong cô diễn ra những cung bậc cảm xúc khác nhau. Lúc đầu ngần ngại dù đôi lúc nhận thấy mình ít nhiều có chút sở trường về văn học. Rồi lo sợ “ở nhà nhất mẹ nhì con…” nên không đủ tự tin. Nhưng khi được nhà trường phân công nhiệm vụ cô Dương đã cố gắng hết mình để “mang chuông đi đánh xứ người…”.
Cô Dương khẳng định tất cả các yếu tố từ cuộc thi đã thực sự tác động và ảnh hưởng tích cực đối với bản thân, giúp cô thêm yêu nghề, tăng động lực, niềm tin và sự hi vọng hơn trong sự nghiệp "trồng người”.
Và điều đặc biệt, cuộc thi đã làm thay đổi dòng suy nghĩ trong cô. Từ chỗ cho rằng tác phẩm dự thi chỉ để thực hiện nhiệm vụ được phân công đến chỗ đang nghĩ rằng “Biết đâu tác phẩm dự thi lại là tác phẩm mở đầu cho một sự nghiệp sáng tác của riêng mình thì sao…!”.