Nhớ bóng đá lá chuối...

GD&TĐ - Vào khoảng thập niên 60 của thế kỉ trước, đám trẻ con chúng tôi dễ gì có những quả bóng bằng da hay bằng nhựa như bây giờ.

Mỗi lần nhìn các cháu thiếu niên vô tư chơi đá bóng ven đường tôi lại nhớ về 'tuổi thơ tôi đá trên đồng'. Ảnh: Tiên Sa.
Mỗi lần nhìn các cháu thiếu niên vô tư chơi đá bóng ven đường tôi lại nhớ về 'tuổi thơ tôi đá trên đồng'. Ảnh: Tiên Sa.

Thời đó, có một quả bóng bằng quả bòng (bưởi) rụng hay quả bóng quấn bằng mảnh vải áo, quần rách để chơi cũng là “hạnh phúc” lắm rồi.

Song, ngày ấy áo quần rách và bao nilon cũng hiếm, lũ trẻ chúng tôi thường lấy lá chuối khô bện thành quả bóng để đá cho đỡ cơn ghiền và vui đáo để. Ấy vậy mà cũng có nhiều cầu thủ “chân quê” chơi bóng lá chuối được tuyển lên cấp huyện, cấp tỉnh, mới oai chứ!

Muốn làm một quả bóng (quê tôi miền Trung thường gọi là trái banh) như ý bằng lá chuối khô cũng khá cầu kì mà không phải đứa trẻ nào cũng làm được.

Đầu tiên là chuẩn bị nguyên liệu gồm lá chuối khô, dây buộc được tước ra từ bẹ chuối tươi rồi phơi gần khô, một số bao nilon chống nước, trấu hay lúa lép khô (độn trong ruột để bóng nhẹ và có độ đàn hồi). Cuối cùng, rủ thêm vài thằng bạn “nối khố” để cùng chung tay góp sức tiến hành “chế tạo”.

“Quy trình” được bắt đầu bằng việc đào cái lỗ trên nền đất có hình cái “om đất” để làm khuôn và sắp sẵn dây chuối khô trong “cái khuôn” đó. Tiếp đến, bao nilon (hay vải áo quần cũ, vỏ bao xi măng…) lót trên lớp dây và cho nhiều lớp lá chuối khô (hay lá chuối tươi phơi héo) và ép, nén cho chặt lại.

Lúc này, hai thằng bạn nắm hai đầu dây riết và buộc theo dạng đường “kinh tuyến” của quả bóng. Sau khi đã buộc hết số dây thì quả bóng có “định dạng” hơi méo mó nên chúng tôi dùng tay bóp, nén cho tròn và đan thêm dây (như đan lưới) ở các đường “vĩ tuyến” trên quả bóng. Quả bóng loại này tương đối nặng bởi “đặc ruột” và ít đàn hồi, đá không sướng bằng loại ruột xốp hoặc rỗng.

Việc thiết kế quả bóng đàn hồi bằng lá chuối kì công hơn và trái bóng sẽ to hơn. Khi gia công, chúng tôi chèn một bọc trấu khô hay bọc lúa lép khô vào bao ni-lon rồi cho vào giữa trái bóng, chung quanh túi ni-lon vẫn là lá chuối khô nén chặt. Quả bóng hoàn thành phải đạt yêu cầu: Tròn trịa, nhẹ, có độ đàn hồi cao; lớp lá chuối và dây buộc bên ngoài vỏ quả bóng đều, chắc, nhìn khá đẹp…

Ngoài ra, trong dịp Tết, khi các nhà mổ heo thì lũ trẻ chúng tôi xin những bong bóng heo thổi căng phồng lên (buộc chặt miệng) rồi chèn vào giữa trái bóng thay cho gói trấu. Loại bóng này khá nhẹ và có độ đàn hồi cao nên các cầu thủ nhí đá rất thích.

Ngày ấy, mỗi chiều, khi ánh nắng vẫn còn hắt trên ngọn rặng tre ven làng, chẳng ai bảo ai lũ trẻ chúng tôi lại mang bóng lá chuối đến “sân” đất ruộng lô nhô gốc rạ mới gặt ở ven đồng và chia làm 2 đội để đá.

Những hôm trời mưa, cái sân đất ruộng trở thành một đám bùn lầy chẳng ai ngó ngàng. Vào những tháng cuối năm, khi cái lạnh “heo may” kéo về cũng là dịp lí tưởng cho chúng tôi đá bóng lá chuối ở một “sân bóng” gần đó có nền cao hơn.

Trên “sân”, khi đã gần đủ “cầu thủ”, đại diện xóm trên, xóm dưới chọn người và cùng bầu trọng tài. Song, các cầu thủ thích đá hơn là cầm còi nên trong hiệp đấu thường thay trọng tài nhiều lần. Sau khi bắt thăm sân, mỗi đội dùng áo, dép, mũ… làm ranh giới khung thành và chỉ định người giữ cầu môn.

Sau mấy hồi tu huýt của “trọng tài” vang lên, hai đội thi nhau đá hăng say. Khi bóng đá vào cầu môn, khán giả nhí và vài người lớn mê bóng đá đến xem cổ vũ, reo hò náo nhiệt. Phần thưởng là đội nào thắng thì được các cầu thủ đội thua cõng trên lưng đi một vòng sân ruộng. Kiểu treo giải này giúp các “cầu thủ” có thêm sức dẻo dai khi đá những trận kế tiếp.

Trung bình, một quả bóng lá chuối nếu gia công cẩn thận, nguyên liệu tốt thì có thể dùng để đá khoảng 4 - 5 trận. Trong một xóm, cứ 3 cầu thủ gần nhà thì hợp tác làm một quả bóng lá chuối để thay đổi khi bóng bị hỏng giữa chừng. Dĩ nhiên là những cầu thủ có bóng vẫn được ưu tiên đá chính trên “sân ruộng” quê nhà.

Nhưng, đang đá hăng say mà gặp trời mưa thì các cầu thủ “thi nhau” té ngã và trái bóng cũng tả tơi theo từng cú sút. “Tác giả” của trái bóng sẽ rất tiếc cho công sức “chế tác” của mình bị thành mây khói!

Ngày nay, mái tóc tôi đã lên màu sương khói, lưu lạc ở một góc trời xa, nhưng mỗi lần nhìn các cháu thiếu niên vô tư chơi đá bóng ven đường hay sau mỗi lần xem đội nhà đá bóng trên tivi, tôi lại nằm mơ về quê hương yêu dấu với những ký ức không bao giờ quên.

Có đêm, trong giấc mơ chập chờn hiện về cảnh tôi và chúng bạn “chăn trâu cắt cỏ” ngày xưa cùng đá bóng lá chuối trên cánh đồng làng. Văng vẳng đâu đây, âm vang những tiếng reo hò sôi nổi trên cánh đồng làng mỗi lần bóng lá chuối được sút vào cầu môn.

Giờ đây, ai cũng có thể mua được quả bóng bằng da, bằng nhựa hay chất liệu khác khá bền và đẹp. Thế nhưng, có người muốn tìm lại tuổi thơ của mình bằng cách “bện” những quả bóng lá chuối cho bọn trẻ đá chơi, trước là mua vui, sau là nhớ về những kỉ niệm một thời đá bóng lá chuối say mê...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ