1. Cuối tháng 7/1965, chàng trai Trần Văn Thân lúc đó 23 tuổi chính thức ở trong đội hình 601 nam thanh niên được tuyển chọn từ 40 đại đội TNXP Nghệ An đi thẳng vào Trường Sơn, phục vụ cho cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước.
Đoàn TNXP Nghệ An được chia thành 3 đại đội: vận tải thủy, vận tải bộ và vận tải cơ giới (xe đạp thồ). Sau 3 tháng thi đua thực hiện nhiệm vụ mới, đoàn TNXP Nghệ An đã “xác lập” được nhiều kỉ lục về khối lượng vận tải, thậm chí có người gùi số hàng hóa gấp đôi trọng lượng cơ thể như đồng chí Nguyễn Văn Khoái, Nguyễn Duy Khương (105 kg).
Thời gian sau đó, gần 1/3 quân số chuyển sang bộ đội chủ lực, đoàn TNXP Nghệ An chỉ còn hai đại đội 166 và 168. Cả hai đại đội này cùng với lực lượng TNXP Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hà Nam, Ninh Bình được điều động thực hiện nhiệm vụ mở đường 20 Quyết Thắng giữa đại ngàn Trường Sơn.
2. Năm 1965, tại Ninh Bình, cô gái trẻ Vũ Thị Liên mới 17 tuổi cũng đăng ký đi thanh niên xung phong, khi cuộc chiến tranh lan rộng và trở nên ác liệt ở miền Bắc.
Sau hơn 1 tháng hành quân qua các địa phương khu IV, qua Ka Tang, khe Vẹ - đường 12, các TNXP chạm đến biên giới Việt – Lào.
Tháng 8/1966, sau khi mở đường 128 thành công, đơn vị Liên được điều chuyển về Đông Trường Sơn, tại đường 20 Quyết Thắng.
Đường 20 là một con đường mòn dài 124km chạy từ Cửa Rừng (xã Sơn Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) đến Ngã ba Đông Dương. Yêu cầu của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương là phải khẩn trương hoàn thành con đường này trong thời gian sớm nhất.
TNXP Nghệ An được phân công cùng với TNXP các tỉnh Ninh Bình, Hà Nam thực hiện công việc mở đường từ Cửa Rừng qua dốc Đồng Tiền, vượt qua ngầm Trạ Ang, dốc Ba Thang – những địa điểm khó khăn về địa hình và là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch.
Chỉ trong vòng 100 ngày, các TNXP đã bạt núi, mở đường 20 Quyết Thắng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Từ đây, thêm một con đương chi viện lương thực, vũ khí cho chiến trường miền đã được mở ra, phá thế vận tải độc đạo của đường Trường Sơn…
Hoàn thành nhiệm vụ, công trường 20 giải thể. Lúc này, Vũ Thị Liên được phân công trực tổng đài của Đội 25. Một ngày cuối năm 1968, sau loạt bom của máy bay Mỹ đánh vào tổng đài thông tin của đội, Liên lao đi nối đường dây. Không ngờ, ngay sau đó, đợt bom tọa độ tiếp theo dội xuống…
Vợ chồng ông Trần Văn Thân và bà Vũ Thị Liên hiện nay |
3. “Tỉnh lại, người đầu tiên tôi thấy một thanh niên đang ngồi bên cạnh mình, vui mừng gọi tên với chất giọng miền Trung ấm áp.
Khi đó, tôi mới biết mình nằm trong trạm xá binh hơn 1 đêm. Tôi cũng nhận ra người thanh niên đó là Trần Văn Thân, thuộc quân số của TNXP Nghệ An, anh kể đã cứu tôi khi bị ngất đi…” - Vũ Thị Liên nhớ lại.
Dù không nói, nhưng trong lòng cô gái trẻ trào lên niềm xúc động, biết ơn và một chút rung cảm mơ hồ: “Gái sông Vân, núi Thúy gặp trai Hồng Lĩnh sông Lam chăng”? Nhưng không dám nói. Chiến tranh còn ác liệt, đâu thể biết trước điều gì.
Một năm sau, Đội 23 và 25 nhập vào làm một, hai người mới được gặp nhau thường xuyên hơn, tình yêu nảy nở dần dần, tự nhiên và chân thành.
Chuyện tình cảm giữa đôi thanh niên thông tin và làm đường cả 2 đội đều biết, trở thành đề tài chung cho những câu chuyện vui. Nhưng thời đó chỉ huy nghiêm túc và nghiêm khắc lắm. Tình yêu không chỉ thử thách bởi chiến tranh, đạn lửa, mà để đến được với nhau còn phải được sự đồng ý của cả đơn vị, cấp trên. Phải qua 2 nhiệm kỳ phấn đấu, rèn luyện, không bao giờ để việc riêng để ảnh hưởng đến việc chung của đơn vị, lập nhiều thành tích tốt, đơn vị mới tổ chức đám cưới cho Vũ Thị Liên và Trần Văn Thân.
4. Đó là một đám cưới giữa rừng Trường Sơn, vào năm 1971!
“Không có gì vui, hạnh phúc và đáng trân trọng đến thế. Các anh chị em hái hoa rừng trang trí. Nấu một nồi nước chè vối. Kẹo bánh cất dành xin phép được mang ra, lại còn có thuốc lá Trường Sơn nữa, như vậy là sang lắm rồi. Cô dâu và chú rể thì vẫn mặc nguyên bộ quần áo lính màu xanh. Có lẽ, đám cưới của chúng tôi là đám cưới đầu tiên trên tuyến đường 20 Quyết Thắng”, bà Liên xúc động.
Tổ chức đám cưới xong, Vũ Thị Liên được cử đi học ngành nấu ăn. Năm 1973, thì được phân công về làm cửa hàng ăn Bến Thủy, hai vợ chồng đưa nhau về Tp Vinh (Nghệ An) sinh sống.
Bà Liên thành thật: “Đến lúc ấy, tôi vẫn không nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ sang trang như thế. Chiến tranh kết thúc, hòa bình đã lập lại như mong mỏi của chúng tôi. Nhưng sau đó, tôi đã không về quê hương cũ của mình như bao bạn bè khác, mà về xứ Nghệ, về với dòng sông Lam. Tôi cũng chưa từng nghĩ mình sẽ gắn bó suốt cuộc đời còn lại của mình ở mảnh đất miền Trung bỏng rát này. Bản thân tôi không chịu được gió Lào, cứ từng đợt gió Lào ập đến là lại lăn ra ốm. Thế nhưng, tôi đã bị chàng trai xứ Nghệ hiền lành, mộc mạc, chân chất và yêu văn thơ ấy hút hồn”.
“Nghỉ hưu, bà ấy đi nấu cơm thuê cho các đám hiếu hỉ hội hè. Cuộc sống thời đó khổ cực lắm nhưng bà ấy chưa một lần kêu ca, phàn nàn. Vẫn lẳng lặng tần tảo nuôi các con ăn học thành tài, ủng hộ, động viên chồng” – ông Thân không giấu vẻ tự hào về vợ. Cho đến bây giờ, cả 2 người vẫn giữ được niềm tin, ánh mắt trìu mến khi kể về nhau, về tình yêu nảy sinh từ một thời hoa lửa.