Tình trạng mất việc gia tăng, giải pháp nào bước qua khủng hoảng?

GD&TĐ - Trước tình trạng hàng loạt người lao động (NLĐ) bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, cơ quan quản lý đã đưa ra một số giải pháp như:

NLĐ tham gia phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.
NLĐ tham gia phiên giao dịch việc làm trực tiếp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội.

Trước tình trạng hàng loạt người lao động (NLĐ) bị mất việc, thôi việc, giảm giờ làm, cơ quan quản lý đã đưa ra một số giải pháp như: Thúc đẩy tạo việc làm bền vững, dự báo cung cầu lao động, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ

Trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, nhiều DN thiếu đơn hàng buộc phải cắt giảm nhân sự, giảm giờ làm, không tăng ca... Trước thực trạng trên, các sở, ngành, địa phương đang triển khai thực hiện các giải pháp kết nối cung - cầu lao động, hỗ trợ DN từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chế độ, chính sách và tạo việc làm mới cho NLĐ.

Nhận định từ các chuyên gia, tình trạng lao động mất việc làm, giảm thu nhập tăng cao là một thực trạng đáng lo ngại ở nhiều tỉnh, thành. Thực trạng này gây ảnh hưởng lớn không chỉ đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như bảo hiểm xã hội.

Song song đó, những tháng đầu năm 2023, số lượt rút bảo hiểm xã hội một lần tiếp tục gia tăng. Hơn nữa, trong số những người mất việc làm, giảm thu nhập phần đông trong độ tuổi thanh niên, là trụ cột gia đình. Tình trạng này kéo dài sẽ là gánh nặng lớn về mặt an sinh, dễ dẫn đến gia tăng tệ nạn xã hội.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chỉ rõ nguyên nhân của việc cắt giảm lao động hiện nay là do các DN thiếu đơn hàng bởi kinh tế các nước gặp khó khăn, lạm phát cao, chính sách tiền tệ thắt chặt nên sức mua sụt giảm… Những điều đó khiến nhiều DN trong nước gặp tình trạng hàng tồn kho không xuất được, không có đơn hàng mới.

Bên cạnh đó, chi phí sản xuất tăng cao khiến nhiều DN Việt không thể cạnh tranh. Một số thị trường lớn của Việt Nam đặt ra yêu cầu mới về tiêu chuẩn hàng hóa và có sự thay đổi quan điểm thị hiếu của người tiêu dùng nên các DN khó khăn trong sắp xếp lại hoạt động sản xuất. Trong khi, sau đại dịch Covid-19 nguồn lực tài chính của các DN không còn đủ để thực hiện tái cấu trúc.

Từ thực tế trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tạo việc làm cho NLĐ hiện nay. Đó là tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để phát triển đồng bộ các yếu tố của thị trường lao động, nâng cao hiệu quả hoạt động của các định chế trung gian của thị trường, phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động.

Cùng với đó là thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.

Bộ LĐ-TB&XH triển khai các giải pháp đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu sử dụng lao động, nhu cầu đào tạo nghề nghiệp của DN về số lượng, chất lượng, cơ cấu ngành nghề, trình độ của lao động.

Đồng thời, thực hiện các giải pháp để thu hút đầu tư, hỗ trợ DN phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, các giải pháp cần tập trung vào hỗ trợ DN tiếp cận thị trường, tìm kiếm đơn hàng mới, giảm chi phí sản xuất, kinh doanh thông qua việc giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ giảm thuế, giảm các khoản phí, lệ phí phải đóng... Thực hiện các giải pháp để hỗ trợ tạo việc làm, kết nối cung - cầu lao động và đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Tại Hà Nội, thông tin về việc giải bài toán lao động phổ thông cho các DN, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh cho biết, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội có cơ sở dữ liệu của những NLĐ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Vì thế, trung tâm sẽ lọc ra từng người có trình độ chuyên môn gì, nhu cầu làm công việc nào, ở đâu... Từ đó liên hệ với NLĐ qua email, Zalo để kết nối cung cầu lao động.

Trung tâm đã phối hợp với các DN để họ xuống tận phường, xã tuyên truyền nhu cầu tuyển dụng người làm. Bên cạnh đó, trung tâm còn kết nối với những trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh (Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên) để giới thiệu DN đến tuyển dụng lao động phổ thông.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

NLĐ cần chủ động…cứu mình

Theo các chuyên gia kinh tế, để bảo đảm thị trường lao động, việc làm luôn giữ vững tính ổn định và phát triển, các cơ quan quản lý cần cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm, đồng thời giúp các đơn vị DN tuyển dụng được lao động.

Mặt khác, cần hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ về lao động và chuyên gia, hỗ trợ phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm thông qua các nhóm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường tuyên truyền nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống sàn giao dịch việc làm chuyên đề, tăng cường hoạt động xuất khẩu lao động, kết hợp đẩy mạnh nghiên cứu, dự báo thị trường lao động nhằm tìm ra chính sách phù hợp bảo đảm việc làm cho NLĐ.

Theo ông Lê Quang Trung, nguyên Phó Cục trưởng phụ trách Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), thông tin thì việc các DN bị giảm đơn hàng, nhiều NLĐ mất việc, đây là điều cả hai bên đều không mong muốn.

Do đó, ông Trung cho rằng, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, DN cần chủ động hơn nữa trong việc tìm kiếm nguồn hàng để bố trí việc làm đều đặn cho NLĐ. Đồng thời tăng cường đào tạo nghề dự phòng nhằm giữ chân NLĐ. Cùng với đó, các đơn vị cần lên kế hoạch chuẩn bị, sắp xếp, bố trí nhân sự sau khi tiếp nhận các đơn hàng trong tương lai.

Trong trường hợp DN không thể giải quyết được vấn đề việc làm, cần phải thực hiện quy trình cắt giảm việc làm, lao động theo đúng quy định của pháp luật. Sở LĐ-TB&XH, tổ chức công đoàn tại địa phương cần có hướng dẫn giải quyết chính sách hỗ trợ cho NLĐ mất việc, đặc biệt về tiền lương, phúc lợi xã hội, chế độ bảo hiểm thất nghiệp.

Với NLĐ, ông Trung nhấn mạnh, bên cạnh việc chia sẻ với DN trong bối cảnh bị giảm đơn hàng, bản thân họ cần nhận thức đầy đủ, biết rõ quyền, trách nhiệm của mình, trong đó đặc biệt về chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian này, NLĐ nên tranh thủ học nghề, trang bị kiến thức, đồng thời cần chủ động tới các trung tâm dịch vụ việc làm để được tư vấn, giới thiệu công việc phù hợp.

Theo ông Trung, các trung tâm dịch vụ việc làm địa phương cần tăng cường thông tin về thị trường lao động, hỗ trợ giới thiệu việc làm cho lao động mất việc và tư vấn cho DN giải quyết chính sách cho NLĐ. Đơn vị này cũng cần nắm thông tin thị trường lao động cung ứng lao động các đơn vị giải quyết việc làm ngắn nhất, phù hợp nhất với NLĐ lúc khó khăn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ