Sau 5 năm thực hiện, các chuyên gia cho rằng, việc triển khai Đề án 89 về nâng cao năng lực giảng viên vẫn còn khó khăn nên hiệu quả chưa được như mong muốn. Vì vậy, cần có giải pháp tháo gỡ nhằm phát huy giá trị của Đề án này.
Phát triển chất và lượng
Ngày 18/1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 89/QĐ-TTg “Phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030” (Đề án 89).
Nhấn mạnh sự cần thiết, TS Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, để thực hiện Đề án này, chúng ta phải đạt mục tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên đại học, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu; trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước.
Đề án 89 cũng đặt ra mục tiêu thu hút ít nhất 1.500 nhà khoa học, người có trình độ tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc trong nước đến làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Đến năm 2030, phấn đấu 100% cán bộ quản lý và giảng viên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trong đó chú trọng các năng lực của giảng viên về phát triển chương trình đào tạo, giảng dạy theo phương pháp hiện đại, nghiên cứu khoa học, ngoại ngữ và công nghệ thông tin.
Từ khi được ban hành, việc triển khai Đề án 89 bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nên gặp không ít khó khăn. PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội nhìn nhận, sau đại dịch, tình hình xã hội ổn định trở lại, Đề án 89 mới được áp dụng đối với đội ngũ giảng viên đi học tiến sĩ. Đề án 89 tiếp tục hướng tới phát triển chất lượng đội ngũ giảng viên là việc rất đáng làm và nên làm.
Thời gian đầu thực hiện có thể chưa thực sự tạo ra sức hút quá lớn. Tuy nhiên, khi xây dựng được quỹ kinh phí làm giải pháp cho các trường đại học trong đào tạo nguồn giảng viên chất lượng cao thì tình hình sẽ được cải thiện. Hiện, nhiều trường, viện nghiên cứu ở nước ngoài có học bổng nên không thu học phí đối với đào tạo tiến sĩ. Do đó, PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho rằng, việc phân bổ kinh phí hỗ trợ giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài như thế nào cần tính toán phù hợp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả như mong muốn.
Tạo đất dụng võ
Trao đổi tại tọa đàm về Đề án 89, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh nhìn nhận, đào tạo sau đại học, nhất là đào tạo tiến sĩ trong thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước cũng như yêu cầu về khoa học công nghệ.
Để trở thành đại học nghiên cứu tầm thế giới, ít nhất về số lượng đào tạo tiến sĩ phải ngang bằng đào tạo cử nhân. Nếu giữ quy mô đào tạo nghiên cứu sinh như hiện nay, chúng ta khó có thể vươn tầm thế giới. Nghiên cứu sinh mới là những người thực sự làm nghiên cứu trong các trường đại học, là “máy cái” sinh ra các công trình khoa học.
PGS.TS Vũ Hải Quân cho rằng, đột phá trước hết ở chương trình đào tạo phải tiên tiến; đồng thời cải cách mô hình tổ chức thực hiện. “Tại sao ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tham gia ít trong Đề án 89”, PGS.TS Vũ Hải Quân đặt vấn đề và yêu cầu Ban Đào tạo tham mưu Ban Giám đốc về cách thức tham gia sâu, rộng Đề án này. Đây là cơ hội rất lớn để phát triển và đào tạo tiến sĩ. Nếu không nắm bắt được cơ hội này, chúng ta chỉ có thể tự trách mình.
Khẳng định, Đề án 89 góp phần tăng cường, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý của cơ sở giáo dục đại học, tuy nhiên theo GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh, đến thời điểm này, việc thực hiện Đề án chưa đạt kết quả như mong muốn. “Công tác tuyển chọn của chúng ta đã đủ nghiêm ngặt chưa? Chúng ta tuyển chọn những ứng viên đào tạo các ngành có thực sự cần hay không?”, GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn nêu vấn đề.
Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần có định hướng trong việc chọn cử người đi học tập theo Đề án 89. Đó là những ngành, lĩnh vực mà xã hội, đất nước đang cần. Sau khi tốt nghiệp, họ cần có “đất dụng võ”.
Nghĩa là cần tạo môi trường làm việc để phát huy kiến thức, năng lực, nếu không họ sẵn sàng bồi hoàn chi phí đào tạo để tìm đến những nơi được trọng dụng. Vì thế, giải pháp căn cơ, quan trọng nhất là xây dựng môi trường làm việc thật sự thu hút, đem lại cơ hội làm việc thăng tiến và phát triển sự nghiệp.
Đề xuất, giao quỹ đầu tư cho các trường trọng điểm và chịu trách nhiệm trong vấn đề bồi dưỡng đội ngũ, GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn nhấn mạnh, cần tuyển nghiêm ngặt để chọn được những người thật sự có tiềm năng phát triển. Thông qua đó, có lộ trình đào tạo bồi dưỡng và phát triển nghề nghiệp với các ứng viên. “Bằng cách này, hy vọng chúng ta có thể triển khai Đề án 89 tốt hơn so với các dự án trước đây”, GS.TS.BS Trần Diệp Tuấn bày tỏ.
Theo GS.TSKH Đặng Ứng Vận - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Văn phòng Chính phủ, xây dựng chiến lược phát triển là chính sách quan trọng nhất. Qua đó, nhằm hiện thực hóa tầm nhìn và thực hiện sứ mệnh của nhà trường đối với xã hội; đồng thời thúc đẩy các giá trị văn hóa của cả tập thể và người học. Mặt khác, cũng đòi hỏi phải huy động nguồn lực và quản lý rủi ro.
Theo Thông tư số 25/2021/TT- BGDĐT của Bộ GD&ĐT, mốc thời gian trong quy trình và tổ chức thực hiện tuyển chọn và đi học tiến sĩ theo Đề án 89:
Trước 15/4 hằng năm: Cơ sở gửi kế hoạch tuyển chọn và cử giảng viên đi học của năm kế tiếp. Trước 15/6: Bộ GD&ĐT gửi Bộ Tài chính thẩm định tổng hợp kế hoạch cùng dự toán kinh phí của các cơ sở cử đi. Trước 15/1 hằng năm: Bộ GD&ĐT quyết định và thông báo cho cơ sở cử đi số lượng người học được nhận kinh phí hỗ trợ trên cơ sở tổng dự toán đã được thẩm định và phê duyệt. Trước 15/3 hằng năm: Cơ sở cử đi hoàn thành tuyển chọn giảng viên theo số lượng do Bộ GD&ĐT thông báo.