Tình thế lùng bùng

GD&TĐ - Các nhà đàm phán quốc tế lại đang dồn sức cho 'nỗ lực cuối cùng' để đạt thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Cuộc xung đột ở Dải Gaza giữa Israel và Hamas từng tiến sát cơ hội ngừng bắn thì xảy ra vụ ám sát Thủ lĩnh Hamas tại Iran khiến cuộc chiến tại đây đang rơi vào thế chưa có lối thoát.

Đến ngày 15/8, các nhà đàm phán quốc tế lại đang dồn sức cho “nỗ lực cuối cùng” để đạt thỏa thuận ngừng bắn giữa Hamas và Israel. Giới phân tích đánh giá đây là cơ hội cuối vì cả Trung Đông vẫn đang thấp thỏm chờ đợi đòn tấn công trả đũa Israel của Iran sau vụ ám sát ở Tehran. Nếu sự kiện này xảy ra thì nguy cơ xung đột không chỉ còn gói gọn ở Dải Gaza mà có thể lan ra nhiều khu vực khác ở Trung Đông.

Tại cuộc đàm phán then chốt lần này ở Doha (Qatar) chỉ có sự tham gia của nước chủ nhà cùng với bên trung gian là Ai Cập và Mỹ mà không có sự tham dự trực tiếp của Israel cũng như Hamas. Các nhà đàm phán bàn thảo về kế hoạch thực hiện thỏa thuận ngừng bắn kết hợp trao đổi con tin để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài từ cuối năm ngoái ở Dải Gaza.

Trọng tâm trong các điều khoản đàm phán tại Doha vẫn liên quan đến đề xuất ngừng bắn qua 3 giai đoạn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra hồi tháng 5 vừa qua. Đây cũng chính là nội dung được Israel đệ trình với Mỹ, trong đó đề xuất việc Hamas thả các con tin để đổi lấy ngừng bắn và tự do cho các tù nhân Palestine đang bị giam tại Israel.

Trong đó giai đoạn đầu tiên kéo dài 6 tuần với việc ngừng bắn tạm thời, quân đội Israel rút khỏi các khu vực đông dân cư ở Dải Gaza, Hamas thả một số con tin là phụ nữ, người già còn Israel thả hàng trăm tù nhân Palestine. Sang giai đoạn hai Hamas thả tất cả các con tin Israel còn sống và chấm dứt chiến sự vĩnh viễn. Giai đoạn ba là khởi động kế hoạch tái thiết cho Gaza và Hamas trao trả thi thể những con tin Israel thiệt mạng.

Ban đầu đề xuất qua ba giai đoạn nói trên nhận được sự hưởng ứng của cả Israel và Hamas, chỉ còn vướng mắc các chi tiết trong việc thực thi các giai đoạn mà thôi. Nhưng tình hình dần xấu đi khi các thành viên cực hữu trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu lên tiếng phản đối thỏa thuận ngừng bắn với Hamas và đe dọa lật đổ chính phủ bất chấp sự phản đối từ Mỹ và gia đình những con tin Israel đang bị Hamas giam giữ.

Thủ tướng Netanyahu sau đó bị cáo buộc đã đưa ra các yêu cầu bổ sung vào kế hoạch ngừng bắn như cơ chế ngăn chặn các tay súng Hamas ở phía Nam Dải Gaza quay lại khu vực phía Bắc và Israel phải được kiểm soát dải lãnh thổ nằm giữa Gaza và Ai Cập. Tuy nhiên, văn phòng thủ tướng Israel bác bỏ cáo buộc này và cho rằng cuộc đàm phán ngừng bắn bị đình trệ là do chính Hamas đưa thêm các yêu cầu không thực tế.

Giữa lúc đàm phán đang lâm vào bế tắc thì xảy ra vụ ám sát thủ lĩnh chính trị của Hamas là Ismail Haniyeh ở Tehran, Iran hồi cuối tháng 7 vừa qua. Cả khu vực Trung Đông sau đó nín thở chờ đợi đòn trả thù Israel mà giới chức Iran tuyên bố sẽ thực hiện, đẩy nguy cơ xung đột tại Dải Gaza có thể lan rộng.

Vụ ám sát còn có khả năng khiến đàm phán ngừng bắn chệch hướng vì thủ lĩnh mới của Hamas là ông Yahya Sinwar vốn có quan điểm cứng rắn hơn nhiều so với ông Haniyeh.

Tuy nhiên, các nhà đàm phán trung gian quốc tế vẫn nỗ lực không ngừng nghỉ để cuộc đàm phán có thể tổ chức tại Doha từ ngày 15/8. Dù vậy nỗ lực cuối cùng để Dải Gaza tiến tới ngừng bắn này hiện vẫn chưa có gì đảm bảo để có thể thành công, trong khi đó một đòn tấn công trả đũa của Iran với Israel vẫn đang bị “treo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ