Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu xử lý dứt điểm trang trại lợn gây ô nhiễm

GD&TĐ - Người dân ở xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh, bức xúc vì mùi hôi thối phát ra từ trang trại lợn của Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri-Vina.

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất của Công ty Agri-Vina tại xã Tân Phúc (Lang Chánh, Thanh Hóa).
Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất của Công ty Agri-Vina tại xã Tân Phúc (Lang Chánh, Thanh Hóa).

Trang trại lợn của Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri-Vina (đóng trên địa bàn xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh) gây ô nhiễm môi trường, khiến người dân bức xúc. Trước tình hình đó, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc kiểm tra, yêu cầu xử lý dứt điểm.

Người dân khốn khổ vì ô nhiễm

Nhiều tháng qua, người dân ở xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh bức xúc vì mùi hôi thối phát ra từ trang trại lợn của Công ty cổ phần đầu tư nông nghiệp Agri-Vina (gọi tắt là Công ty Agri-Vina).

Người dân ở khu phố Oi (thị trấn Lang Chánh) phản ánh, mùi hôi thối tại trang trại lợn của Công ty Agri-Vina xảy ra từ nhiều tháng nay. Dân đã đề nghị lên cấp chính quyền nhiều lần, nhưng vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Theo nhiều người dân ở thôn Tân Thủy, Tân Lập, xã Tân Phúc và thị trấn Lang Chánh thì việc gây mùi hôi thối từ trang trại lợn nêu trên thường xuyên xảy ra vào khung giờ 23 giờ đến 7 giờ.

Bà Phạm Thị Vân, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu phố Oi (thị trấn Lang Chánh) nói rằng, mùi phân lợn bốc lên trong không khí khiến không thể chịu nổi. Đặc biệt, sau những ngày nắng nóng, trời mưa xuống, mùi hôi thối lại bốc lên nồng nặc. Đó là nguyên nhân khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn.

“Những hộ dân ở nhà sàn, cửa không kín, mỗi khi gió lùa vào thì mùi hôi thối nồng nặc, vô cùng khó chịu. Vấn đề này diễn ra suốt nhiều tháng trời, nhưng không được xử lý dứt điểm”, bà Vân chia sẻ.

Ông Lê Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Tân Phúc xác nhận, thời gian qua thường xảy ra tình trạng mùi hôi thối từ trang trại nuôi lợn của Công ty Agri-Vina. Khu vực bị ảnh hưởng nhiều là thôn Tân Lập, Tân Thủy (xã Tân Phúc)….

Cũng theo ông Phú, trang trại trên đang nuôi khoảng 30.000 con lợn với 18 chuồng. Công ty này cũng đã đầu tư xây dựng 39 dãy chuồng lợn, công trình hệ thống xử lý nước thải tập trung, công suất 650 m³/ngày đêm. Họ cũng xây dựng buồng xử lý mùi hôi sau các dãy chuồng nuôi; bố trí phun nước dạng sương. Tổng lượng nước thải về hệ thống xử lý khoảng 300 – 400 m³/ngày đêm.

Ông Hoàng Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho rằng, những phản ánh của người dân về tình trạng ô nhiễm môi trường do trang trại lợn của Công ty Agri-Vina gây ra là đúng sự thật. UBND huyện nhiều lần kiến nghị lên các ngành chức năng cấp trên cùng vào cuộc kiểm tra, xử phạt.

“Chúng tôi rất thấu hiểu ý kiến của người dân. Họ phải hứng chịu ô nhiễm môi trường từ trại lợn của Công ty Agri-Vina gây ra. Để tình trạng này không còn kéo dài, gây bức xúc dư luận, chúng tôi đề nghị công ty đến ngày 5/8 phải giải quyết dứt điểm, giảm bớt mùi, bán hết đàn lợn trong trang trại hoặc di chuyển đi nơi khác”, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh thông tin.

trai lon gay o nhiem o thanh hoa chinh quyen vao cuoc (1).jpg
Ông Lê Đức Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa (thứ 2 bên trái) thị sát tình hình ô nhiễm tại trang trại lợn của Công ty Agri-Vina.

Không dung túng, bao che sai phạm

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ trang trại lợn của Công ty Agri-Vina, chiều ngày 2/7, ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã đi kiểm tra, giải quyết kiến nghị của người dân.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa lắng nghe nhiều ý kiến của người dân các xã Tam Văn, Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh và đại diện chính quyền địa phương, các sở, ngành.

Cũng tại buổi làm việc này, đại diện Công ty Agri-Vina thừa nhận, quá trình vận hành nuôi lợn đã để xảy ra sự cố bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xã Tân Phúc, thị trấn Lang Chánh... Công ty này hứa sớm khắc phục, xử lý tình trạng gây ô nhiễm môi trường nêu trên.

“Chúng tôi chân thành xin lỗi người dân, chính quyền địa phương. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tập trung xuất bán toàn bộ đàn lợn đang có trong trang trại. Đồng thời, sẽ thay đổi hệ thống xử lý môi trường, tránh gây ra tình trạng ô nhiễm như thời gian vừa qua. Chúng tôi cam kết, đến 5/8/2024, đơn vị sẽ xuất bán hết số lợn có trong trang trại”, đại diện Công ty Agri-Vina nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, ông Lê Đức Giang khẳng định, UBND tỉnh Thanh Hóa sẽ có quyết định đình chỉ hoạt động của Công ty Agri-Vina, từ ngày 30/7 tới đây.

Lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu Công ty Agri-Vina, trong thời gian đình chỉ phải khắc phục, tìm nguyên nhân để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuyệt đối không nhập lợn mới, mà phải tổ chức di dời, xuất bán hết số lợn cũ trong trang trại, có phương án hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng.

“Địa phương đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhưng phải đảm bảo lợi ích cho người dân. Tuyệt đối không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, không dung túng hay bao che cho các sai phạm của doanh nghiệp”, ông Giang khẳng định.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa phối hợp với công ty, các ngành liên quan sớm xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Chỉ được cho doanh nghiệp hoạt động trở lại, khi đảm bảo đủ điều kiện, quy định.

Dự án Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất của Công ty Agri-Vina được UBND tỉnh Thanh Hóa quyết định cho thuê đất từ tháng 7/2022, tổng diện tích là hơn 37ha đất. Trong đó, gần 18ha đất để xây dựng các hạng mục công trình nuôi lợn, quy mô 60.000 con lợn thịt/năm, hơn 19ha đất còn lại để trồng rừng sản xuất. Trang trại có quy mô gồm: Nhà nuôi lợn thịt (32 nhà, diện tích hơn 44.000m2); nhà nuôi lợn con sau cai sữa (7 nhà, diện tích gần 8.000m2); quy mô rừng sản xuất (15ha); công suất trang trại 60.000 lợn thịt/năm. Trang trại hoàn thành và bắt đầu nuôi lợn từ đầu năm 2024, với số lượng 30.000 con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tùy nghi quyết định

GD&TĐ - Xung đột Nga - Ukraine đang leo thang, NATO đã có câu trả lời với đề xuất của Kiev cho phép họ sử dụng vũ khí tầm xa được viện trợ để tấn công Nga.