Tình nguyện giữa tâm dịch: Khi Tổ quốc gọi tên mình…

GD&TĐ - Dịch Covid-19 bùng phát, thay vì chọn giải pháp an toàn ở nhà chờ hết giãn cách xã hội, nhiều sinh viên, giáo viên tại TPHCM đã tình nguyện tham gia hỗ trợ các lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Nhóm tình nguyện của anh Phạm Duy Phương (phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM) đang làm nhiệm vụ.
Nhóm tình nguyện của anh Phạm Duy Phương (phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM) đang làm nhiệm vụ.

Với họ, đây là những ngày tình nguyện đáng nhớ.

Không chỉ là một tình nguyện viên

Sau gần 2 tháng tham gia với tư cách tình nguyện viên tổng đài 1022 nhánh 4, Trần Khánh Linh - sinh viên năm 4 Trường ĐH Quốc tế (IU) - ĐHQG TPHCM, cho biết đã nhiều lần nhận những cuộc gọi cấp cứu, hoặc những trường hợp vô gia cư vì không còn tiền để trả cho chủ trọ, hay những trường hợp cả gia đình không còn đồ ăn, phải ăn mì tôm liên tục nhiều ngày.

Khi mới bắt đầu trực tổng đài, Khánh Linh cảm thấy khá nặng nề vì có quá nhiều trường hợp khó khăn mà bản thân lại không thể trực tiếp giúp đỡ, chỉ có thể lưu lại thông tin để chuyển đến những cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ.

“Không chỉ là tình nguyện viên ghi nhận thông tin mà còn là chiếc phao cứu sinh của người dân, là nơi để người dân chia sẻ những khó khăn của gia đình, bản thân họ, chúng tôi trực tiếp trò chuyện với người dân để phần nào động viên họ cố gắng vượt qua khoảng thời gian đặc biệt này.

Và sau những cố gắng đó, những câu chúc sức khỏe, những cuộc điện thoại cảm ơn từ người dân khiến tôi thêm tự hào về việc mình đã làm…”,  Khánh Linh chia sẻ.

Hoàng Ngọc Thảo - sinh viên khoa Kinh tế - Tài chính, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM (HUFLIT) đã có 110 ngày tình nguyện ý nghĩa. “Là những ngày vùng đỏ, áo xanh cùng đồng đội chiến đấu chẳng màng hiểm nguy.

Là những ngày quá đuối, miệng nói nghỉ một hôm, nhưng tay thì vẫn đăng ký đi mãi không ngơi. Ngay lúc này đây, khi thành phố đang “bình thường mới” cũng là khi mình cùng đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ “nhận mệnh lệnh từ trái tim”. Mình đã có được một tuổi 22 trọn vẹn…”, hoa khôi Nét đẹp sinh viên HUFLIT chia sẻ.

Nói về những công việc đã trải qua trong thời gian tham gia tuyến đầu chống dịch, Thảo cho biết cá nhân bắt đầu tham gia đội Tình nguyện viên nghệ sĩ do ca sĩ - MC Quỳnh Hoa phụ trách thuộc Nhà Văn hóa Thanh niên của Thành đoàn TPHCM vào đầu tháng 7.

Khoảng thời gian này cũng chính là đợt dịch cao điểm bùng phát dịch tại TPHCM, khi mà thông tin xung quanh chúng ta lên đến mấy nghìn ca một ngày. Đó cũng chính là lúc thành phố cần lực lượng thanh niên tình nguyện nhất vì có nhiều công việc cần hỗ trợ.

“Tôi cùng nhóm Tình nguyện viên nghệ sĩ thực hiện các công tác hỗ trợ điều phối lấy mẫu xét nghiệm, đi chợ giúp người dân, hỗ trợ điều phối các điểm tiêm vắc-xin… Thời gian cuối, nhóm được bác sĩ hướng dẫn kỹ lưỡng để tham gia lấy mẫu xét nghiệm ở các điểm cam, đỏ và luôn cả khu vực đang bị phong tỏa”, Hoàng Ngọc Thảo chia sẻ. 

Nhóm tình nguyện của sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM.
Nhóm tình nguyện của sinh viên Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM.

Những tháng ngày đáng nhớ của tuổi trẻ

“Bên cạnh bức tranh rất tàn khốc của đại dịch Covid-19, trong cuộc sống vẫn luôn tồn tại những sắc màu của tình người. Đã không còn ranh giới giữa người già và người trẻ, giữa người tri thức và người lao động tay chân, giữa quân và dân trong cuộc chiến chống lại giặc Covid-19 này.

Một kỷ niệm vui khi tham gia trực chốt giao thông trên địa bàn Quận 8 là hầu như không bao giờ bị khát hay đói, vì cứ vài giờ đồng hồ lại có người dân gửi chốt nào là bánh, nước ngọt, cà phê, trái cây, hay thậm chí là cả một tô canh khổ qua to khổng lồ… Đó cũng là niềm an ủi của tổ công tác khi dầm nắng mưa, xa gia đình để cùng Thành phố bước qua đại dịch…” - Nguyễn Mạnh Khang - sinh viên năm 2 khoa Kỹ thuật Y Sinh, Trường ĐH Quốc tế - ĐHQG TPHCM.

Tham gia lực lượng tình nguyện khi sắp bước qua năm thứ 4 ngành Y Đa khoa của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Trương Nhật Minh tự hào khi khóa Y đầu tiên của trường tham gia tuyến đầu chống dịch.

Nhật Minh tham gia hỗ trợ các y bác sĩ tại quận Gò Vấp, Bình Tân, Quận 4 - 7 - 8, huyện Nhà Bè… trong việc nhập liệu thông tin người dân (những người phải lấy mẫu), hỗ trợ lấy mẫu, tiêm chủng vắc-xin cho người dân…

“Tuy biết việc tham gia chống dịch phải luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, nhưng khi thấy số F0 gia tăng cùng lượng người bị Covid cướp đi tính mạng tăng lên, tôi thấy trọng trách của một sinh viên ngành y nên không còn thấy sợ hãi và quyết định tham gia vào tuyến đầu chống dịch”, Minh Nhật chia sẻ.

Nói về những ấn tượng trong những ngày tình nguyện vừa qua, Nguyễn Thị Khánh Linh – sinh viên ngành Y học dự phòng, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, chia sẻ: “Trong thời gian tham gia chống dịch, tôi thấy được sự vất vả, làm việc không ngừng nghỉ của các bác sĩ/ anh/ chị/ em tham gia chống dịch.

Tôi nhớ khi thành phố có chỉ thị lấy mẫu toàn dân, các anh/ chị nhân viên y tế và bạn sinh viên tình nguyện phải làm việc liên tục với bộ đồ bảo hộ từ 8 giờ - 23 giờ. Khoảng thời gian này có lúc tôi về tới nhà đã 3 giờ sáng.

Vất vả là thế, nhưng mọi người đều vui vẻ, cùng động viên nhau làm việc để đẩy lùi dịch bệnh. Tôi nghĩ đây là “cuộc chiến của dân tộc”, nhất định phải thắng, phải làm sao để người dân được bình an, mọi thứ được quay về hoạt động bình thường…”.

Tham gia công tác phòng chống dịch từ đầu tháng 6 cho đến tháng 10, anh Huỳnh Trọng Nhân - công tác tại Trường THCS Lữ Gia (Quận 11, TPHCM) - ban đầu hỗ trợ điểm tiêm vắc-xin tại nơi mình công tác. Sau đó, anh tham gia thêm đội hình “ATM Oxy”, phát thuốc lưu động cho các hộ F0 của Quận đoàn Quận 6 (nơi địa phương anh sinh sống).

Rồi anh cũng tham gia đội hình lấy mẫu lưu động cho địa bàn dân cư Phường 15, Quận 11. Đến khi thành phố triển khai cho học sinh học trực tuyến, anh tham gia thêm đội hình giao sách giáo khoa, trao thiết bị điện tử cho các em có hoàn cảnh khó khăn.

“Đối với tôi, tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại cho nên khi tham gia hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch chỉ với suy nghĩ cống hiến hết mình. Còn dịch bệnh nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm cao thì ai mà chẳng sợ? Nhưng nếu sợ thì ai sẽ làm bây giờ? Ai sẽ bảo vệ thành phố? Nên mình làm được điều gì thì cứ làm…”, anh Nhân chia sẻ.

Từ trái qua phải: Anh Huỳnh Trọng Nhân (Trường THCS Lữ Gia, Quận 11, TPHCM) trao thiết bị học tập cho học sinh khu vực bị phong tỏa. Cô Nguyễn Thị Mỹ Trang (Trường Mầm non 9, Quận 4, TPHCM) chăm sóc em bé chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương. Hoàng Ngọc Thảo - sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.
Từ trái qua phải: Anh Huỳnh Trọng Nhân (Trường THCS Lữ Gia, Quận 11, TPHCM) trao thiết bị học tập cho học sinh khu vực bị phong tỏa. Cô Nguyễn Thị Mỹ Trang (Trường Mầm non 9, Quận 4, TPHCM) chăm sóc em bé chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương. Hoàng Ngọc Thảo - sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.

“Trải nghiệm không thể nào quên”

Khoảng thời gian tham gia phòng chống dịch, anh Nhân có nhiều ấn tượng và kỷ niệm. Nhưng có một sự việc mà anh nhớ nhất vào ngày 13/8, lúc 22 giờ 35 phút đội hình ATM Oxy của anh nhận được cuộc gọi từ gia đình bệnh nhân F0 đang trong tình trạng thiếu oxy. “Nhóm tôi tức tốc vận chuyện oxy đến nhà nhưng khi vừa đến nơi thì bệnh nhân không qua khỏi. Cả nhóm chỉ biết đứng lặng người. Lúc đó, tôi chỉ ước rằng nếu bọn tôi chạy nhanh hơn xíu, bệnh nhân đã được cứu sống…” - anh Nhân chia sẻ.

Nhận được thông báo cần tình nguyện viên chăm sóc các bé sơ sinh có ba, mẹ đi cách ly tại Bệnh viện Hùng Vương (Quận 5, TPHCM), cô Nguyễn Thị Mỹ Trang - giáo viên Trường Mầm non 9 (Quận 4, TPHCM) hăng hái đăng ký tham gia.

“Là giáo viên mầm non, tôi đã quen với việc chăm sóc các bé ở trường thế nhưng cũng không khỏi bỡ ngỡ và đôi lúc nản lòng với công việc đặc biệt này. Tôi biết chăm sóc các con có mẹ là F0 đồng nghĩa đối diện với việc mình có nguy cơ lây nhiễm.

Nhưng ánh mắt ngây thơ và nụ cười hồn nhiên của các bé chính là động lực lớn giúp tôi vượt qua cái nóng bức của bộ đồ bảo hộ, sự vất vả với cường độ làm việc 12 tiếng/ ngày…”, cô Nguyễn Thị Mỹ Trang chia sẻ.

22 ngày làm tình nguyện viên ở khoa Nhi, Bệnh viện Hùng Vương là trải nghiệm quý giá không thể nào quên của cô Nguyễn Thị Mỹ Trang. “Khi tôi đang thay đồ cho một bé thì biết tin mẹ em đã mất, lòng tôi thắt lại, nước mắt chực trào ra.

Dẫu biết rằng không thể nào tránh khỏi những việc như thế này nhưng thương quá bé con chưa biết mặt mẹ. Mỗi khi nghe tiếng còi báo động có sản phụ nguy kịch, tôi chỉ mong sao đừng một bé nào phải mất đi tình thương của mẹ…”, cô Nguyễn Thị Mỹ Trang bồi hồi nhớ lại.

Anh Phạm Duy Phương - chuyên viên Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT TPHCM là thành viên tích cực tại Trạm y tế lưu động Phường 10, Quận 11. Anh trải qua các công việc như tiếp nhận thông tin dịch bệnh từ người dân; cấp phát thuốc điều trị bệnh theo chỉ dẫn của bác sĩ; hỗ trợ cung cấp oxy cho người bệnh tại nhà; cập nhật tình hình ca bệnh, cách ly tại nhà, cách ly tại bệnh viện lên trang quản lý dịch bệnh của thành phố; xét nghiệm nhanh cho lực lượng giao hàng công nghệ, xét nghiệm – tầm soát định kỳ F0 trên địa bàn.

“Biết là tham gia công tác hỗ trợ địa phương chống dịch lần này rất nguy hiểm, nhưng khi tìm hiểu kỹ về các quy trình đảm bảo an toàn trong thực hiện công việc, tôi cũng không lo ngại lắm.

Chính vì thế, khi có phát động đăng ký tình nguyện tham gia công tác phòng chống dịch Covid-19 tại địa phương, mình đăng ký tham gia với mong muốn góp sức vào công cuộc chống dịch chung của Thành phố và sớm đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống, sinh hoạt trở lại bình thường…”, anh Phạm Duy Phương chia sẻ.

Còn với cô Lê Thị Hưng - giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh, TPHCM), sau ba tháng tham gia hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch trở về công việc thường nhật.

“Tôi thật sự vui vì Thành phố tạm thời kiểm soát được dịch bệnh, cuộc sống của mọi người đã dần ổn định. Đối với công việc, tôi vẫn tiếp tục duy trì tốt, thay đổi lịch học để phù hợp với thời gian của khối lớp. Điều tôi mong muốn lớn nhất là tất cả học sinh được cắp sách đến trường để giảm bớt sự vất vả khi học online cho các em và các phụ huynh”, cô Lê Thị Hưng chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.