Tình người giữa chông chênh nước mắt

GD&TĐ - “Vợ nhặt” là thiên truyện xuất sắc vang danh tên tuổi nhà văn Kim Lân.

“Vợ nhặt”- áng văn về cái đói, mà lấp lánh niền tin hi vọng hướng đến tương lai.
“Vợ nhặt”- áng văn về cái đói, mà lấp lánh niền tin hi vọng hướng đến tương lai.

Câu chuyện viết về bóng tối u sầu của chết chóc, tang thương bỗng vút lên bản hòa ca về tình người cao đẹp, từ đó nhắn gửi nhân gian nhiều bài học quý giá, phát sáng tài năng truyện ngắn của một cây bút bậc thầy.

Giữa chông chênh nước mắt

Truyện ngắn “Vợ nhặt” được Kim Lân viết sau ngày hòa bình lập lại ở miền Bắc năm 1954. Tiền thân của truyện là cuốn tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, được nhà văn viết ngay sau cách mạng tháng Tám, nhưng dang dở thất lạc bản thảo.

Đọc đi, ngẫm lại nhiều lần câu chuyện, ám ảnh xót đau nhất với tôi về trang văn, cũng là những trang đời hiển hiện qua ngòi bút hiện thực Kim Lân là cái đói và cái chết. Cảnh tượng tang thương “chìm trong chết chóc” vì nạn đói năm Ất Dậu 1945 đặt những phận người giữa chông chênh nước mắt.

Sự sống đối diện cùng cái chết, sống dật dờ, lay lắt như ngọn đèn trước gió: “Cái đói đã tràn đến xóm này tự lúc nào. Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế, dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ. Không buổi sáng nào người trong làng đi chợ, đi làm đồng không gặp ba bốn cái thây nằm còng queo bên đường. Không khí vẩn lên mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người”.

Thác lũ của cái đói làm xác xơ xóm ngụ cư tồi tàn với mặt người ủ rủ; cuốn phăng những cuộc đời: tha hương, biệt tích thậm chí vùi thân nơi viễn xứ bôn ba. Người sống mà như kẻ chết: Xanh xám, ngổn ngang, còng queo. Ghê sợ và khủng khiếp, ngòi bút Kim Lân đã chạm đến khoảnh khắc thương đau nhất trong lịch sử dân tộc về một thời đã xa. Đậm đặc chất hiện thực, tròng mắt cay cay, ẩn sau câu chữ là nỗi lòng người cầm bút, ngậm ngùi, căm giận, xót thương cho hoàn cảnh bi ai.

Giữa quắt quay của đói khổ, chết chóc, sự kiện gã trai khù khờ bỗng nhiên nhặt được vợ quả thật oái oăm, mừng ít mà lo nhiều. Trong ngày vui của con trẻ, bà mẹ già nua có vẻ “tỉnh táo” hơn anh con trai đắc ý “tủm tỉm cười một mình”. Cũng phải, mấy mươi năm cuộc đời, bà lão hiểu thấu cái nguy nan của hoàn cảnh trước mắt.

Một chút ngạc nhiên trôi qua, niềm vui chưa kịp nhen lên thì nỗi lo ập tới: “Bà lão đăm đăm nhìn ra ngoài. Bóng tối trùm lấy hai con mắt. Ngoài xa dòng sông sáng trắng uốn khúc trong cánh đồng tối. Mùi đốt đống rấm ở những nhà có người chết theo gió thoảng vào khét lẹt. Bà lão thở nhẹ ra một hơi dài. Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không? Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá... Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”.

Không gian bao trùm bóng tối, mùi vị của cái chết vẫn theo “gió thoảng đưa vào”, bà mẹ tội nghiệp sau lời “thương” đau nhói thì “nước mắt chảy xuống ròng ròng”, thương cũng vì lo, mà càng lo lại càng thương. “Năm nay thì đói to”, thảm cảnh đang rình rập, thần chết luôn đe dọa, niềm vui hạnh phúc của con trẻ quá đỗi gieo neo.

Bà cụ hiểu và chỉ mong “may ra mà qua khỏi được cái tao đoạn này”, con sẽ yên bề hạnh phúc. Song tất cả chỉ là hi vọng, bởi tiếng quạ thê thiết vẫn gào, tiếng người nỉ non trong gia đình có người chết vẫn luôn ai oán, lưng cháo loãng, bát cám chát xít buổi mai “khao” nàng dâu của bà cụ vẫn vẹn nguyên dư vị đói nghèo.

“Viết văn là quá trình đấu tranh để nói ra sự thật” (Tô Hoài), với truyện ngắn “Vợ nhặt”, Kim Lân đã xuất sắc hoàn thành sứ mệnh người cầm bút. Bức tranh hiện thực thảm khốc nạn đói thuở nào trong trang văn của ông sẽ khắc tạc đâm sâu trong tâm trí người đời. Bóng tối, cái chết khiến phận người chông chênh nước mắt và cũng là cơ hội nhen lên ngọn lửa tình người, niềm tin và hi vọng.  

Tác phẩm “Vợ nhặt”.
Tác phẩm “Vợ nhặt”.

Tình người nhen lên

Trong một tác phẩm của mình, Nam Cao chia sẻ: “Hạnh phúc là một tấm chăn hẹp, người này kéo thì người kia sẽ hở”. Triết lí ấy đúng trong nhiều hoàn cảnh bởi lẽ đời khi người ta ep hẹp thì được mấy ai hào phóng sẻ chia. Nghĩ vậy, người ta mới trân quý tấm lòng thơm thảo của anh cu Tràng trong câu chuyện của Kim Lân.

Tôi nghĩ, mối lương duyên với người đàn bà đói rách không tên của gã đàn ông đẩy xe bò chở thóc thuê này khơi nguồn từ lòng tốt, đành rằng cũng nhờ cơ may nạn đói, nhưng thiếu tấm lòng “nghĩa hiệp” kia, nghĩa tình chồng vợ sao nên duyên cho được. Câu hò tầm phơ tầm phào của Tràng lúc “gò lưng kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh”: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò này”, thực chất chỉ là bông đùa, nhưng thẳm sâu vẫn phảng phất hương vị tình người. Thời buổi ấy, đẩy xe bò giúp mà được đáp đến “cơm trắng, giò” thì sang lắm chứ. Song, cái buổi đầu cợt nhả đó lại mở lối cho lần thứ hai “nên vợ nên chồng”.

Trước một cô ả đanh đá, bốp chát chỉ là người dưng qua đường, Tràng vẫn đon đả chào mời: “Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hẵng ngồi xuống ăn miếng giầu”, nghèo mà lễ nghĩa, hơn vậy Tràng còn sẵn có trong mình lòng thương, cô ả đòi ăn, anh mời thật, mời chân thành chứ đâu phải xã giao: “Đây, muốn ăn gì thì ăn”, sau lời mời là hành động  vỗ vỗ vào túi chứng thực lòng thành và khả năng chi trả.

Đáng quý biết bao một tấm lòng, thấy người đói sẵn lòng cho ăn, đó là nghĩa cử đẹp, tấm lòng đẹp, thương người như thể thương thân. Và rồi, đỉnh điểm của lòng tốt là khi người ta muốn theo về tìm chỗ bấu víu thì đánh liều: “Chặc, kệ!”. Hình như, tình người lòng tốt tiếp thêm cho Tràng vượt qua nỗi lo về hoàn cảnh, mở rộng vòng tay để giúp đỡ cưu mang, không rẻ rúng coi khinh. Quả thật, giữa tháng ngày đói khổ, bóng tối, chết chóc bủa vây, lòng thương người của gã trai nghèo xóm ngụ cư vẫn nhen lên, từ đó thắp sáng niềm tin, thổi bùng hi vọng.

Mẹ hiền sinh con thảo, lòng tốt của Tràng, tôi nghĩ có sự bắt nguồn, nối tiếp từ ân tình của người mẹ, bà cụ Tứ. Đọc “Vợ nhặt”, người ta quý tấm lòng thương người của Tràng bao nhiêu, lại càng trọng trái tim nồng ấm yêu thương của người mẹ khổ bấy nhiêu.

Lòng thương của bà cụ thể hiện qua nhiều bình diện, nhưng đặc biệt nhất là sự cảm thông, thấu hiểu cho cảnh ngộ trớ trêu của người phụ nữ tả tơi, theo không con mình về làm vợ: “Bà lão khẽ thở dài đứng lên, đăm đăm nhìn người đàn bà. Thị cúi mặt xuống, tay vân vê tà áo đã rách bợt. Bà lão nhìn thị và bà nghĩ: Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được...”.

Có lẽ, cũng vì hiểu thấu nên bà rộng lòng đón nhận bằng tất cả yêu thương: “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...”. Hai tiếng “mừng lòng”, bộc bạch cả tâm can, đâu chỉ là chấp thuận một việc đã rồi, bà cụ mừng vui cho hạnh phúc đôi trẻ. Thế rồi, như bà tiên bước ra từ thế giới cổ tích, bà lão an ủi, khích lệ, truyền cho con mình niền tin hướng tới tương lai.

Nghịch cảnh thử thách bản tính người, khi cái đói tràn về, nuôi thân chưa nổi, mẹ con bà cụ Tứ vẫn rộng mở tấm lòng để giúp đỡ, cưu mang. Đáng quý lắm ân tình của những người nghèo khổ. Viết về họ, ngòi bút Kim Lân tìm được vẻ đẹp đáng quý bậc nhất của tâm hồn người dân lao động Việt Nam: Nhân hậu, thương người. Nguồn sáng thiên lương đó sẽ tỏa rạng để đẩy lùi bóng tối, ươm mầm hạnh phúc sinh sôi.

Hạnh phúc sinh sôi

Đọc truyện “Vợ nhặt”, nhiều khi tôi chợt nghĩ, giả sử gã trai nghèo (Tràng) không gặp cô gái khổ (thị), cuộc đời họ sẽ đi đâu về đâu. Chắc hẳn, Tràng vẫn lắt lay cầm cự trước cái đói vừa nuôi thân nuôi mẹ, cuối chiều vẫn ngật ngưỡng trở về túp lều rúm ró giữa bóng tối mênh mông. Thị vất vưởng, trôi dạt đó đây, chẳng chốn dung thân, khuôn mặt lưỡi cày xàm xịt mỗi ngày thêm hốc hác. Trong truyện, cái đói bỗng thành cơ may xe duyên cho hai người khổ gặp nhau, và từ đó tổ ấm dựng xây, hạnh phúc thành hình.

Trong truyện, nhà văn đôi lần miêu tả ngôi nhà hay đúng hơn là túp lều của mẹ con Tràng. Buổi chiều hôm trước, dấu hiệu sự sống rất xa vời: “Thị lẳng lặng theo hắn vào trong nhà, cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Tràng xăm xăm bước vào trong nhà, nhấc tấm phên rách sang một bên, thu dọn những niêu bát, xống áo vứt bừa bộn cả trên giường, dưới đất”.

Vậy mà sáng hôm sau đã ươm hình rõ nét: “Nhà cửa, sân vườn hôm nay đều được quét tước, thu dọn sạch sẽ gọn gàng. Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khươm mươi niên  ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung hoành ngay lối đi đã hót sạch”.

Mọi sự đổi thay, chỉ bắt đầu khi có bàn tay người đàn bà. Thành thử, việc Tràng nhặt vợ không phải là họa, mà là phúc, chẳng phải rủi mà là may. Người đàn ông nghèo khổ, xấu xí, thô kệch, lại là dân ngụ cư, chịu sự kinh miệt của người đời đã có một gia đình, hạnh phúc được ươm mần giữa đói khổ. Để rồi, anh trai ngờ nghệch vừa đi vừa “lảm nhảm than thở” thêm “thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”, phải có trách nhiệm gắn bó, chở che.

Người vợ nhặt, cô ả cong cớn, chanh chua, đánh mất sĩ diện vì miếng ăn, theo không người ta về làm vợ cũng thay đổi hoàn toàn nhờ ngọn lửa yêu thương. “Nén một tiếng thở dài”, tiếng thở dài thất vọng khi thấy rõ gia cảnh bạn đời, thị chung tay sửa sang, vun vén tổ ấm gia đình. Hành động thị “đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, điềm nhiên và vào miệng”, đó là sự chấp nhận hoàn cảnh thực tại, để rồi gắng gượng vươn lên.

Cuộc sống mai sau của gia đình Tràng, nhà văn không nói đến, nhưng tôi tin họ sẽ khác. Có lẽ, Tràng sẽ hòa theo đoàn người đi phá kho thóc, cùng lá cờ đỏ sao vàng phấp phới trên đê. Phần kết của câu chuyện đủ để người ta tin vào một cuộc đời mới, nạn đói sẽ qua đi, hạnh phúc chan hòa. Và như thế, cái đói quay quắt, hoàn cảnh khốn cùng chẳng thể nào ngăn được người dân lao động nghèo hi vọng, ước ao về cuộc sống tương lai. Câu chuyện viết về cái đói mà hướng người ta đến sự sống của nhà văn đất Kinh Bắc giá trị, hấp dẫn là vậy.

Truyện ngắn “Vợ nhặt” đánh dấu sự thăng hoa của cây bút tài danh. Sức hấp dẫn của truyện được tạo dựng xoay quanh một tình huống, vừa lạ, vừa oái oăm: Tràng nhặt được vợ giữa lúc chẳng mấy ai dám nghĩ chuyện lứa đôi. Từ khoảnh khắc ấy, diễn biến câu chuyện được kể lại thật cuốn hút, hấp dẫn. Ngôn ngữ đối thoại chân thực, sinh động, vẻ đẹp tính cách nhân vật được phát lộ: Tràng tốt bụng thương người, ước ao hạnh phúc; thị khát sống biết giữ lửa yêu thương; bà mẹ nghèo nhân hậu bao dung như bước ra từ thế giới cổ tích. Những nhân vật, những cuộc đời ấy cứ ám ảnh mãi trong tâm trí bạn đọc gần xa.

Sinh thời, khi được hỏi về dụng ý viết truyện “Vợ nhặt”, Kim Lân thổ lộ: “Khi viết về nạn đói người ta thường viết về sự khốn cùng và bi thảm. Tôi muốn viết một truyện ngắn với ý khác. Trong hoàn cảnh khốn cùng, dù cận kề bên cái chết nhưng những con người ấy không nghĩ đến cái chết mà vẫn hướng tới cuộc sống, vẫn hi vọng, tin tưởng vào tương lai. Họ vẫn muốn sống, “sống cho ra con người”.

Đọc truyện ngắn xuất sắc này, tôi nghĩ nhà văn quả thật cao tay khi thực hiện điều đó. Cái khốn cùng, bi thảm vẫn hiển hiện trong trang văn ông viết, nhưng tất cả chỉ là phông nền để nhà văn nâng con người lên trong tình nhân ái. Do vậy, áng văn về cái đói, mà lấp lánh niền tin hi vọng hướng đến tương lai. Giữa chông chênh nước mắt, tình người nhen lên, hạnh phúc sẽ sinh sôi để trường tồn bất tử. Những người đói đã “sống cho ra con người” cùng ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa tình người sưởi ấm giữa đêm đen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.