Hấp dẫn bài dạy tác phẩm “Vợ nhặt“

GD&TĐ - Cô Nguyễn Thị Hà - giáo viên Trung tâm GDTX Thiệu Hóa (Thanh Hóa) - làm hấp dẫn bài giảng văn tác phẩm "Vợ nhặt" của nhà văn Kim Lân với những câu hỏi nêu vấn đề lý thú.

Hấp dẫn bài dạy tác phẩm “Vợ nhặt“

Khơi gợi từ nhan đề tác phẩm

- Tại sao nhà văn Kim Lân không đặt nhan đề tác phẩm này là “Nhặt vợ” mà lại đặt là “Vợ nhặt”? Cách đặt nhan đề đó có ý nghĩa gì?

Giáo viên gợi ý: Nếu đặt nhan đề tác phẩm là “Nhặt vợ” có nghĩa là anh cu Tràng - đang ế vợ - là người chủ động lợi dụng lúc miếng ăn bằng cả sinh mệnh con người mà lấy được vợ một cách dễ dàng và như thế thì sự khinh thường người “vợ nhặt” đó không những có ngay trong lòng anh cu Tràng mà còn có ở bản thân người đọc khi bắt đầu đọc truyện.

Nhan đề “Vợ nhặt” vừa có ý nghĩa hiện thực vừa có ý nghĩa nhân đạo rất lớn. Chữ "nhặt" trong “Vợ nhặt” không phải là danh từ như chúng ta có thể lầm tưởng nếu chỉ đọc nhan đề mà chưa tiếp cận với nội dung tác phẩm. Đây là một kết hợp từ rất đặc biệt.

Nói như Kim Lân “Nhặt tức là nhặt nhạnh, nhặt vu vơ. Trong cảnh đói năm 1945 người lao động dường như khó ai thoát khỏi cái chết. Bóng tối của nó phủ xuống mọi xóm làng.

Trong hoàn cảnh ấy, giá trị một con người thật vô cùng rẻ rúng, người ta có thể có vợ theo chỉ nhờ mấy bát bánh đúc ngoài chợ - đúng là nhặt được vợ như tôi nói trong truyện”.

Như vây, "nhặt" trong "Vợ nhặt "là động từ. Một kết hợp từ đặc biệt chỉ có trong bối cảnh năm 1945 kinh hoàng ấy. Cái đói đã đẩy đến những cảnh bi hài kịch: mạng người trở nên rẻ rúng có thể “nhặt” được như người ta nhặt cái rơm, cái rác ngoài đường, ngoài chợ.

Phải đặt vào truyền thống của dân tộc coi “người ta là hoa đất”, coi việc dựng vợ gả chồng là đại sự: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn - Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông”, mới thấy hết chuyện vợ nhặt theo không như thế này mới thật éo le! Hoàn cảnh đói khát cần duy trì sự sống làm cho người ta quên đi lễ nghĩa đã đành, còn phải bước qua thể diện để theo không về làm vợ người.

Mới hiểu vì sao chị vợ nhặt tủi hổ như thế trước những ánh mắt nhìn ngó, soi xét trên đường theo Tràng về nhà. Nhan đề đã gói trọn tình huống truyện. Đặt trong hoàn cảnh gia đình anh cu Tràng, nhan đề “Vợ nhặt” còn cho chúng ta thấy vẻ đẹp của tình người.

Người ta nhặt nhau về và về với nhau không phải chỉ vì muốn có miếng ăn, có một chốn nương thân. Thẳm sâu của chuyện nhặt vợ ấy là khát khao về mái ấm gia đình, là tình yêu thương, đùm bọc “một miếng khi đói bằng một gói khi no” của người dân lao động.

Đằng sau nhan đề ấy, Kim Lân muốn gửi gắm một thông điệp khác: “khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng ở tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra con người”.

Khai thác vấn đề về nhân vật Tràng

- Nếu em là Tràng, em có đưa người “vợ nhặt” đó về nhà mình không? Hành động đó của Tràng cho thấy vẻ đẹp nào trong tâm hồn và nhân cách của nhân vật?

Giáo viên chuẩn bị những tình huống mà học sinh có thể đưa ra sau câu hỏi này. Học sinh sẽ có nhiều phương án trả lời nhưng người giáo viên cần phải có sự định hướng cuối cùng để các em có những suy nghĩ tích cực, đúng đắn, từ đó thấy được hành vi cao đẹp của nhân vật văn học nhằm rèn luyện đạo đức, phát triển nhân cách của các em.

Trong hoàn cảnh miếng ăn bằng cả sinh mạng con người, thế nhưng một người kéo xe bò thuê, cuộc sống cũng vô cùng khổ cực như Tràng mà dám sẵn sàng bỏ tiền ra đãi một người không hề quen biết đã cho ta thấy anh là một người thật hào phóng.

Tràng đến với người đàn bà ấy, trước hết là sự chia sẻ của những người nghèo cùng trong cảnh hoạn nạn. Đưa thị về làm vợ, tức là thêm một gánh nặng nữa, một miếng ăn nữa vào cái gia đình vốn cũng đã vất vả của mình.

Cho nên, có lúc anh cảm thấy “chợn” khi nghĩ về tương lai. “Thóc cao gạo kém thế này, đến cái thân mình chưa chắc có nuôi nổi, lại còn đèo bòng” là một nỗi lo rất thực tế.

Song phía sau câu nói tưởng như là đùa vui bật ra từ người đàn ông nghèo khổ ấy - “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về” - là khát vọng cháy bỏng có thật về một mái nhà hạnh phúc, về tổ ấm gia đình.

Ở Tràng có vẻ đẹp của tình người. Trong hoàn cảnh đó, Tràng đã cưu mang người nghèo khổ có hoàn cảnh như mình, thậm chí còn nghèo khổ hơn mình.

Truyền thống nhân đạo của người Việt Nam có câu: “Lá lành đùm lá rách”. Câu tục ngữ ấy ở đây cần phải nói khác đi một chút để thấy rõ hơn hành động cao đẹp đó của Tràng, đó là: Lá rách nhiều đùm lá rách nhiều hơn. Đó là một con người nghèo tiền bạc nhưng lại rất hào phóng và giàu tình người.

Khai thác vấn đề về nhân vật người vợ

- Có người nói rằng nhân vật người vợ nhặt theo không chàng chỉ vì miếng ăn, vì muốn thoát khỏi cảnh chết đói nhưng có người lại nói, người đàn bà đó theo Tràng là đi theo tiếng gọi của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc? Em nghiêng về ý kiến nào hơn? Vì sao?

Giáo viên định hướng: Nếu nhìn ở hình thức bên ngoài của sự việc thì việc người đàn bà khốn khổ này đến với người đàn ông tội nghiệp kia là do cái đói, cái nghèo xui đẩy. Nhưng bản chất của sự việc là đi theo tiếng gọi của hạnh phúc gia đình.

Bởi nếu chỉ vì miếng ăn đơn thuần thì họ chỉ gặp nhau khi ăn bốn bát bánh đúc rồi chia tay nhau. Hoặc cùng lắm, nếu cần thiết để có thêm miếng ăn nữa thì người đàn bà đó sẽ đi theo Tràng về nhà nhưng chắc chắn chị ta sẽ dừng lại trước mái nhà xiêu vẹo, trống tuếnh trống toáng ấy của mẹ con Tràng.

Nhưng không, chị vẫn bước vào ngôi nhà ấy và bằng đôi bàn tay của mình để vun vén cho tổ ấm gia đình mà mình vừa có được. Rõ ràng, bản chất sâu xa của hành động ấy là đi theo tiếng gọi của khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc gia đình.

Việc đưa câu hỏi nêu vấn đề này vào quá trình phân tích người vợ nhặt sẽ giúp cho học sinh có cái nhìn đa chiều sự vật, sự việc, tránh việc nhìn nhận vấn đề một cách phiến diện, từ đó có sự cảm thông cũng như phát hiện ra những khía cạnh tốt đẹp trong phẩm chất của nhân vật này.

Khai thác vấn đề về nhân vật bà mẹ

Bà cụ Tứ là một nhân vật khá quan trọng trong tác phẩm này, vì vậy khi đi phân tích, giáo viên không chỉ sử dụng những câu hỏi tái hiện, câu hỏi gợi mở để thấy được tình yêu thương con của một bà mẹ nghèo mà cần phải sử dụng thêm những câu hỏi nêu vấn đề để học sinh thấy đây cũng là một nhân vật góp phần thể hiện ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm.

Ví dụ:

- Tại sao nhà văn Kim Lân để cho bà cụ Tứ nói hai chữ “mừng lòng” trong câu “Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng” chứ không nói bằng lòng?

Giáo viên có thể giải thích: Kim Lân để người mẹ nói hai chữ mà thấy được tình người, thấy được tình yêu với con dâu của bà cụ. “Mừng lòng” chứ không phải là bằng lòng bởi bằng lòng không thể hiện được niềm vui và tình người. “Mừng lòng” là sự tự nguyện, không mang tính ép buộc và là vui thực sự. Còn nếu nói bằng lòng thì đó là buộc phải thừa nhận sự việc chứ không có sự tự nguyện.

- Theo lẽ thường thì người trẻ thường hay nói về ngày mai, nói về tương lai nhiều nhất. Vậy tại sao trong truyện ngắn này, bà cụ Tứ lại là người nói nhiều nhất đến tương lai và ngày mai?

Giáo viên giải thích: Lẽ thông thường thì Tràng và người vợ nhặt phải nói đến tương lai nhiều nhất mới là điều hợp lí vì tương lai là thuộc về lớp trẻ. Nhưng ở đây là một người mẹ gần đất xa trời. Phải chăng có một khía cạnh nào như kiểu nghệ thuật đòn bẩy không? Tức là một người già gần đất xa trời ấy mà còn nói nhiều đến tương lai, đến ngày mai thì niềm vui, niềm hi vọng, niềm tin ở ngày mai còn mạnh mẽ, mãnh liệt hơn rất nhiều).

Những yêu cầu quan trọng

Để có một tiết giảng thành công với những câu hỏi nêu vấn đề, cô Nguyễn Thị Hà cho rằng:

Đối với giáo viên: Phải nắm vững nội dung bài giảng và trọng tâm bài dạy để đặt câu hỏi hướng vào nội dung bài học. Việc đặt câu hỏi nêu vấn đề phải phù hợp với từng điều kiện có thể có. Tránh đặt câu hỏi máy móc, đơn điệu. Nêu vấn đề phải hết sức hợp lí.

Nội dung câu hỏi phải đảm bảo các yêu cầu về cung cấp kiến thức, rèn luyện kĩ năng; giáo dục tư tưởng, nhân cách ở học sinh. Điều quan trọng nhất đối với giáo viên là khâu soạn giáo án. Để giáo án có chất lượng phải có hệ thống câu hỏi chuẩn, hợp lí. Các câu hỏi trọng tâm của bài phải cho học sinh nắm trước trong câu hỏi chuẩn bị bài ở nhà.

Đối với học sinh: Khâu soạn bài, học sinh đọc tác phẩm, chuẩn bị bài theo câu hỏi mà giáo viên đã cho, đã hướng dẫn. Giáo viên phân công học sinh chuẩn bị theo tổ, theo nhóm hoặc theo cá nhân. Động viên khích lệ học sinh bằng điểm số khi các em tham gia xây dựng bài.

Tạo không khí đối thoại thoải mái trong tiết học giữa thầy và trò để phát huy tư duy sáng tạo của học sinh. Hứng thú học tập là ngọn nguồn giúp cho học sinh cảm thụ sâu sắc giá trị của đời sống văn hóa nhân loại. Phát huy trí lực, chú trọng tới hứng thú học tập của học sinh là hướng đi tích cực của phương pháp dạy học văn hiện nay.

Tuy nhiên để biến những lí luận trên thành hiện thực đòi hỏi người thầy ngoài tri thức khoa học cần phải có lòng yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục đào tạo và phải có niềm tin vào học sinh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ