Tình người chia sẻ yêu thương

GD&TĐ - Đã hơn 21 năm qua, mọi người gần xa thường nhắc đến và tri ân một ngôi chùa, một sư cô ở vùng ven thành phố, bởi nơi đây đã tạo ra một mái ấm tình thương, che chở cho bao mảnh đời côi cút và hiện nay đang chăm sóc, nuôi dưỡng, đùm bọc cho hơn 90 trẻ có hoàn cảnh thương tâm và những mảnh đời bất hạnh khác. 

Sư cô Thích Nữ Minh Tịnh, trụ trì chùa Quang Châu (TP Đà Nẵng)
Sư cô Thích Nữ Minh Tịnh, trụ trì chùa Quang Châu (TP Đà Nẵng)

Sư cô ngày đêm âm thầm, lặng lẽ vừa lo công việc tu hành, phận sự của nhà chùa vừa bận rộn chăm sóc đàn trẻ thơ ngây như là bảo mẫu, người mẹ, người cô của chúng với tấm lòng bao dung, nhân hậu…

Lòng nhân hậu của sư cô

Sư cô Thích Nữ Minh Tịnh (59 tuổi, quê quán khối phố Bình Thái, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), hiện trụ trì tại chùa Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Ngôi chùa này được hình thành cách đây gần 100 năm. Tháng 10/1996 sau khi học xong ở chùa Phổ Đà, sư cô Minh Tịnh về chùa Quang Châu và trụ trì cho đến ngày nay.

Trong những ngày đầu năm 1997, sư cô nhận hai đứa trẻ đầu tiên với cảnh đời éo le và rất thương tâm, lúc ấy sư cô hứa với lòng sẽ nuôi chúng đến khôn lớn, trưởng thành cho phải đạo. Từ đó, rồi nhiều năm sau này và hiện nay, chùa Quang Châu trở thành địa chỉ mái ấm tình thương của những đứa trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi… và những mảnh đời cùng cực khác, mà sư cô Minh Tịnh là người khởi xướng, cưu mang…

“Nhà Phật dạy phải có tình thương và lòng nhân ái đối với người khác, buồn vì cái buồn của người khác, khổ vì cái khổ của người khác, làm sao có thể từ chối được. Với tôi, phụng sự chúng sanh như phụng sự Phật, lo cho chúng sanh như lo cho Phật…” - sư cô Minh Tịnh tâm nguyện.

Đã hơn 2 thập kỷ trôi qua kể từ ngày nhà chùa Quang Châu nhận hai đứa trẻ đầu tiên, từ đó nhà chùa luôn sẵn sàng đón nhận trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, người mẹ đơn thân, người già cô đơn không nơi nương tựa, đặc biệt là trẻ bị bỏ rơi để nuôi nấng, cưu mang…

Sư cô Minh Tịnh, các bảo mẫu và các trẻ mồ côi đang chú ý nghe các bé đọc đồng thanh “Phép tắc người con”

Sư cô Minh Tịnh, các bảo mẫu và các trẻ mồ côi đang chú ý nghe các bé đọc đồng thanh “Phép tắc người con”

Sư cô bồi hồi nhớ lại, vào một đêm đầu mùa đông năm 2009 ngoài trời mưa rất to, gió thổi mạnh từ ngoài cánh đồng vào chùa lạnh tê buốt, sư cô nghe tiếng trẻ sơ sinh khóc oe oe ngoài cổng chùa nên vội chạy ra, sư giật thót và không tin vào mắt mình, khi nhìn thấy một hình hài còn đỏ hỏn, nằm bên gốc cây sứ trước sân chùa.

Bế đứa bé mà cuống rốn vẫn còn nguyên trên bụng, cơ thể đã tím tái vì gió mưa, sư cô vội chuyển bé cấp cứu tại Bệnh viện Hòa Vang. Bác sĩ cho biết đứa trẻ mới sinh ra khoảng hơn hai tiếng, và may mắn đã được cứu sống. (Tất cả các bé khi đón vào nuôi dưỡng trong chùa, đều được đặt họ Nguyễn (cùng họ với sư cô) và chữ lót là Phước (phước đức an lạc) để sống tốt với đời).

Bé được cứu sống ra viện về với chùa, sư cô đặt tên Nguyễn Phước Thuận, với ý nghĩa rằng nó sinh ra là thuận ý trời Phật, để sống được khỏe mạnh trên cõi đời này. Một bé khác cũng bị bỏ ngoài cổng chùa, cháu sinh non cân nặng chỉ hơn 1kg, cho nên sư cô gửi chăm sóc ở bệnh viện và đặt tên là Nguyễn Phước An, cầu mong an lành để sống tốt với cuộc đời. Có hàng mấy chục đứa trẻ được sư cô đặt tên như thế, vì chúng được đưa đến bỏ lại tại cổng chùa, mà nhà chùa chẳng biết cha mẹ chúng là ai, từ đâu đến…

Xã hội, đạo hữu đồng lòng

Sư cô Thích Nữ Minh Tịnh trải lòng: “Lúc đó chỉ với 2 sào ruộng và công việc nấu đồ chay, cúng dường của Phật tử, đạo hữu và hỗ trợ của xã hội, tôi đã trang trải chuyện ăn uống, học hành cho hơn 50 trẻ. Bên cạnh đó, tôi phải mở rộng thêm nấu đồ chay bán ở chợ, khi thì nhận nấu cho các gia đình, lễ hội. Số tiền có được mỗi ngày phải tính toán thật chi ly, mới đủ lo cho bọn trẻ ăn uống, manh áo, sách vở đến trường.

Hiện nay, chùa Quang Châu nuôi dưỡng, chăm sóc, cưu mang hơn 90 trẻ, đó là chưa kể các bà mẹ đơn thân, người già cô đơn và số lượng bảo mẫu, nhân viên nuôi dưỡng là 15 cô, hằng tháng mỗi cô được nhận lương khoảng 2,5 triệu - 4 triệu, từ nguồn thu nấu đồ chay, hỗ trợ của đạo hữu và cộng đồng xã hội. Qua đây, sư cô với lời tha thiết kêu gọi và rất mong đón nhận được sự sẻ chia, từ những tấm lòng nhân ái của tất cả mọi người…”.

Cô Ngô Thị Hiền (một trong những bảo mẫu tại đây) bộc bạch: “Tôi vào làm bảo mẫu tại đây đã hơn 3 năm, mỗi buổi sáng phải thức dậy từ lúc tinh mơ để lo áo quần, hướng dẫn vệ sinh cá nhân, lo ăn uống và dần đưa các cháu vào nền nếp ổn định. Chúng tôi làm bảo mẫu tại đây bằng cái tâm là chính. Mỗi cô trung bình quản lý từ 10 đến 17 cháu, lo từng bữa ăn, giấc ngủ từ lúc các cháu còn đỏ hỏn mới vào chùa, đến khi ăn học trưởng thành.

Được nhà chùa hỗ trợ ăn, ở ngay tại chỗ mà không phải trả tiền, lương hằng tháng trung bình tôi nhận là 3 triệu đồng, trong tháng tôi được về thăm quê một lần. Tôi là người dân tộc Cơ Tu quê ở miền núi thôn Dốc Kiền, xã Ba, huyện Đông Giang (Quảng Nam). Được làm bảo mẫu tại chùa Quang Châu, đặc biệt được làm việc, gần gũi, học đạo với sư cô Minh Tịnh là điều vinh hạnh nhất của đời tôi…”.

Chúng tôi tìm đến gặp anh Đoàn Bông, Trưởng thôn Quang Châu, xã Hòa Châu. Khi đề cập đến ngôi chùa Quang Châu, đến sư cô Thích Nữ Minh Tịnh, anh Bông dành nhiều tình cảm và trân trọng những việc làm nhân ái của sư cô từ trước đến nay với tấm lòng bao dung, nhân hậu, thương người… Nhân đây, anh Bông tha thiết có lời đề nghị: “Mong rằng cộng đồng xã hội, các nhà nhân đạo, từ thiện, các mạnh thường quân khắp nơi hãy mở rộng vòng tay nhân ái, mà đến với chùa Quang Châu, đến với những mảnh đời thương tâm, bất hạnh nơi này...”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.