Bà Sáu Tốt tên thật là Nguyễn Kim Hoàng, 77 tuổi, quê ở ấp Phú Xuân (xã Phú Thành, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long). Bà đã cùng nhiều người thường xuyên giúp đỡ những cảnh đời bất hạnh, nhất là những bệnh nhân nghèo có điều kiện đến bệnh viện kịp thời để cứu cấp và điều trị. Chính việc làm của bà đã mang lại hạnh phúc cho nhiều gia đình và nối kết tình cảm yêu thương giữa gia đình và hàng xóm.
Tại xã Phú Thành, lúc đầu chỉ có vài người tham gia công tác từ thiện, sau khi thấy việc làm của bà mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình nên bà con hàng xóm hưởng ứng càng lúc càng đông. Từ việc làm mang ý nghĩa cao đẹp đó, nhiều người đề nghị nên thành lập tổ từ thiện để hoạt động hiệu quả thiết thực hơn. Thế là năm 2014, mọi người đứng ra thành lập tổ lấy tên là Tổ thiện nguyện “Chung một tấm lòng” do bà Sáu Tốt làm tổ trưởng, thêm 3 tổ phó, 1 thư ký và 1 thủ quỹ.
Tổ lúc đầu có 40 người tham gia, nay đã tăng lên gần 80 người, gồm đủ thành phần, khá giả cũng có, nghèo cũng có, như chị bán xôi, anh nông dân, người bán vé số… Số tiền đóng góp cho quỹ từ thiện tuy nhỏ, chỉ 20.000 đồng/người/tháng nhưng có ý nghĩa lớn. Điều đáng mừng hơn nữa là Đảng ủy và chính quyền địa phương cũng quan tâm đến hoạt động từ thiện này. Ngay cả Bí thư, Phó Bí thư xã, Chủ tịch xã, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh xã, các vị sư trong chùa và cả thân nhân các gia đình ở nước ngoài cũng hoan hỉ tham gia công tác thiện nguyện này.
Bà Sáu cho biết, với số tiền định mức 20.000 đồng/người/tháng, ai cũng có thể tham gia hỗ trợ. Tuy nhiên nếu ai có điều kiện gửi nhiều hơn để giúp riêng cho một cá nhân hoặc gia đình nào đó, tổ vẫn tiếp nhận. Với số tiền có được, mỗi khi phát hiện có người gặp tai nạn, ốm đau mà không có tiền chữa trị hoặc gia đình gặp cảnh tang gia bối rối, Tổ thiện nguyện sẽ phân công người đến tận nơi chia sẻ bằng tất cả tấm lòng “thương người như thể thương thân”.
Số tiền giúp đỡ cho một người/lần thông thường từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Có khi là quà bánh, gạo, thức ăn với mục đích của ít, lòng nhiều. Điều đáng quý là những người đi thăm hỏi (có khi một hai người, có khi năm bảy người) chỉ sử dụng tiền túi để ăn uống và chi phí tàu xe, tuyệt đối không lấy tiền quỹ. Nếu thiếu hụt, bà Sáu hoặc những tấm lòng hảo tâm nào đó sẽ đài thọ.
Bà Sáu chia sẻ, nguồn động viên lớn nhất là chồng con đều ủng hộ việc làm của bà, kế đến là sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương. Nhờ vậy mà lúc nào bà cũng hăng hái, phấn khởi hoạt động không ngừng nghỉ. Mặc dù tuổi đã cao nhưng ngày nào bà cũng chạy xe đạp đi khắp nơi để động viên, an ủi và giúp đỡ cho những gia đình có hoàn cảnh bất hạnh. Không những tại xã nhà mà bà còn đi đến các địa phương khác, theo phương châm “thấy ai đói rách thì thương”. “Ngày nào còn đi được, chạy xe được là ngày đó tôi còn làm từ thiện” - bà Sáu, cho biết.