Tình nghĩa thầy trò của cụ nghè làng Hành Thiện

GD&TĐ - 'Một ngày làm thầy, cả đời làm cha', câu nói ấy trong đạo thầy trò thật ứng với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên ở làng khoa bảng Hành Thiện.

Làng Hành Thiện có địa thế hình con cá chép.
Làng Hành Thiện có địa thế hình con cá chép.

Bất bái Toàn quyền

Sách “Làng Hành Thiện và các nhà nho Hành Thiện dưới triều Nguyễn” do Đặng Hữu Thụ - cháu ngoại Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng, họ hàng gần với cố Tổng Bí thư Trường Chinh, có đoạn kể câu chuyện về học trò một thầy đồ ở làng Hành Thiện xưa.

Nguyễn Ngọc Liên đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Kỷ Sửu 1889. Năm 1890 được bổ làm Tri phủ Nam Sách (Hải Dương). Năm 1892 Toàn quyền Đông Dương là Le Lanessan đi kinh lý Hải Dương.

Chân dung ông nghè Nguyễn Ngọc Liên.

Chân dung ông nghè Nguyễn Ngọc Liên.

Các quan phủ, huyện ở xa thành phố đã về thành phố từ chiều hôm trước. Phủ lỵ Nam Sách ở cách thành phố Hải Dương không xa nên buổi sáng ngày đón ông nghè Liên mới đi. Vì không có đồng hồ, vì nhìn trời đoán giờ thấy còn sớm nên ông đi chậm trong khi vẫn tưởng là mình sẽ đến sớm.

Khi đến nơi thì thấy quan Toàn quyền đã có mặt, tưởng Toàn quyền không lưu ý đến việc mình đến trễ nên thay vì lên chào và xin lỗi, ông lẳng lặng đứng cạnh các bạn đồng liêu. Toàn quyền Le Lanessan lúc mới đến đã được công sứ Hải Dương giới thiệu từng quan phủ, huyện và các quan tỉnh Hải Dương mà tổng số chưa tới 20 người.

Công sứ Hải Dương cho Toàn quyền biết quan phủ Nam Sách chưa tới, nên khi ông nghè Liên đến thì Toàn quyền biết ngay là quan phủ Nam Sách. Toàn quyền cho là ông chống đối Pháp nên đề nghị với Nha Kinh lược Bắc Kỳ ra biện pháp kỷ luật.

Nha Kinh Lược ra nghị định huyền chức Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên bằng cách cho nghỉ một năm không lương, hết thời này sẽ tái bổ.

Theo dịch giả Đỗ Trác, việc huyền chức này được Cao Xuân Dục trong cuốn “Quốc triều khoa lục” nói đến khi thuật tiểu sử từng vị đại khoa triều Nguyễn nhưng không thấy nói đến duyên cớ về việc huyền chức.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên về Hành Thiện chưa được một năm thì thân phụ qua đời. Lúc đang cư tang thì Nha Kinh lược mời lên bảo làm đơn xin tái bổ Tri phủ. Ông lấy cớ cư tang xin hoãn việc tái bổ. Khi hết tang, Nha Kinh lược hỏi ý kiến có nhận chức Đốc học Nam Định đang khuyết để Nha này bổ ngay. Ông lưỡng lự, nửa muốn nhận vì hợp với khả năng, nửa muốn từ chối vì không muốn làm quan thuộc Pháp.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên là một trong các vị đại khoa nổi tiếng nhất của làng Hành Thiện.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên là một trong các vị đại khoa nổi tiếng nhất của làng Hành Thiện.

Người thầy nổi tiếng vùng Sơn Nam

Học trò ông nghè khóc lóc van lạy thầy ở lại Hành Thiện tiếp tục dạy học. Vì thương yêu học trò, nể lời cầu khẩn của dân làng nên ông đã từ chối chức Đốc học Nam Định.

Ông ở nhà tiếp tục dạy học cho đến năm 1915, năm có khoa thi Hương cuối cùng ở Bắc Kỳ. Ông dạy học ở Hành Thiện và có sang Tiền Hải, Kiến Xương (Thái Bình) “gõ đầu trẻ” vài năm theo sự cầu khẩn thiết tha của các tổng lý thân hào mấy xã trong hai phủ này.

Nguyễn Ngọc Liên trở thành nhà giáo nổi tiếng ở vùng Sơn Nam. Muốn học ông thì phải có trình độ học thức đã khá cao vì ông chỉ dạy học trò đi thi Hương để lấy bằng Cử nhân, Tú tài.

Ông khảo sát năng lực các học trò muốn theo học, cũng xem tính hạnh từng người muốn học ra sao, nếu thấy người thiếu đạo đức, phẩm hạnh kém ông sẽ không chấp nhận.

Ngay cháu ruột gọi ông bằng chú là Nguyễn Tất Tái về sau đậu Cử nhân, trước khi được nhận làm học trò cũng phải học Cử nhân tri huyện Nguyễn Đôn Thi vài ba năm. Sau thấy Nguyễn Tất Tái đủ sức theo học thì mới nhận.

Theo bản rập Văn bia đề danh Tiến sĩ - Nguyễn Ngọc Liên đứng đầu hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Kỷ Sửu 1889.

Theo bản rập Văn bia đề danh Tiến sĩ - Nguyễn Ngọc Liên đứng đầu hàng Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa thi Kỷ Sửu 1889.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên là một nhà giáo mẫu mực, đã đào tạo cho đất nước nhiều thanh niên ưu tú. Ông là một người yêu nước nhiệt thành, nổi tiếng về hành động “Bất bái Toàn quyền”, nêu tấm gương sáng về khí tiết nhà Nho, khích lệ tinh thần bất khuất và tự hào dân tộc. Cho đến trước khi mất ông vẫn mong đợi những người du học trở về nước và phong trào khởi nghĩa trong nước nổi dậy quét sạch bọn xâm lăng. Ngày 15 tháng 9 (âm lịch) năm 1937, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên qua đời trong nỗi khắc khoải hi vọng tương lai tốt đẹp của đất nước, và giấc mơ đền nợ nước của ông chưa thực hiện được- Nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên thông kim bác cổ, dạy học có phương pháp, kiểm soát văn bài học trò rất kỹ nên học trò thi đậu Cử nhân, Tú tài rất nhiều. Học trò lớp trước, lớp sau lên đến 700 người, có trên 30 người đậu Cử nhân, trên 70 người đậu Tú tài và có rất nhiều người đậu nhất, nhị, tam trường.

Vịnh về việc ông nghè Liên coi thường công danh, giỏi tài dạy học, Mai Đình Đặng Tự Kiêm có mấy câu như sau: Cụ Nghè Hành Thiện hiệu Châu Phong/Cạm bẫy vinh hoa chẳng lọt vòng…/Cáo quan dạy học mấy mươi năm/Nội, ngoại học trò quá bảy trăm/Ba chục Cử nhân, bảy chục Tú/ Tiếng tăm lừng lẫy khắp thành Nam…

Học trò ông nghè Liên gồm nội trường - tức học trò quán xã Hành Thiện và học trò ngoại trường - tức quê ở những nơi khác. Học trò nội trường nổi tiếng nhất là Đặng Đức Biều - Cử nhân huấn đạo, Đặng Đức Quyền - Cử nhân trợ tá, Nguyễn Tất Tái, Nguyễn Văn Hưng.

Học trò ngoại trường nổi danh có Cử nhân Trần Trí Vân - người xã Bồng Tiên (Thái Bình), Tú tài Vũ Ngọc Liễn - xã Lục Thủy phủ Xuân Trường, làm quan đến chức Tri phủ, giữ chức dự thẩm Tuyên Quang.

“Một ngày làm thầy, cả đời làm cha” nên năm nào các học trò nội - ngoại trường cũng đến lễ Tết thầy. Khi ông nghè qua đời, học trò góp tiền tậu mấy mẫu ruộng gọi là ruộng môn sinh để hàng năm thu hoa lợi làm giỗ cúng, tu bổ từ đường và phần mộ. Đến ngày giỗ 15/9, môn sinh về Hành Thiện rất đông để giỗ và thăm mộ thầy, cô.

Dặn con thay mình kính thầy

Vũ Ngọc Liễn, người xã Lục Thủy đậu Tú tài đã đến nhà thầy để tạ. Đi theo sau có người nhà đội một mâm trên đó có mười hai bình trà Tàu, một buồng cau tươi, một ít trái cây. Vợ chồng Tú tài Vũ Ngọc Liễn quỳ xuống lạy thầy để tỏ lòng biết ơn. Vì có bằng Tú tài, Vũ Ngọc Liễn sau được thăng đến chức Tri phủ và dự thẩm.

Khi ông nghè Liên làm lễ yến lão 72 tuổi vào năm 1923, Vũ Ngọc Liễn có người lính lệ đi kèm đội một cái quả lớn sơn đỏ, trong đó có một buồng cau tươi, mười hai bình trà Tàu, một phong bì trong đó có mười tờ giấy bạc một đồng (trị giá nửa lạng vàng). Tri huyện Vũ Ngọc Liễn bận áo thụng xanh vái thầy và nói xin kính biếu thầy cau và trà và số tiền 10 đồng rồi quỳ xuống lạy hai lạy.

Cử nhân An Bồi Hà Ngọc Ru là một nhà cự phú có trên một ngàn mẫu ruộng thì năm nào đến ngày gần Tết cũng đích thân đến Tết thầy và biếu thầy một quả lớn sơn đỏ đựng gạo tám thơm, một quả lớn sơn đỏ đựng gạo nếp, mỗi quả chứa độ 30kg gạo, hai đôi gà sống thiến, vài cân trà Tàu loại hảo hạng kèm theo một phong bao giấy bạc trị giá bằng một lạng vàng.

Cử nhân An Bồi qua đời trước thầy. Trước khi nhắm mắt, ông dặn con trai là Hàn Huyền phải mời thầy làm lễ đề chủ cho mình, và phải thay mặt mình hàng năm đến lễ Tết ông nghè.

Khi An Bồi tạ thế, Hàn Huyền đem thuyền đinh và võng lọng đến Hành Thiện đón ông nghè Liên đến An Bồi làm lễ cho cha. Từ đó, năm nào Hàn Huyền cũng đến lễ Tết ông nghè Liên với tư cách môn tôn (con của học trò). Khi ông nghè tạ thế vào năm 1937, Hàn Huyền sang Hành Thiện phúng điều thay cho cha đã khuất núi rồi hàng năm sau đó vẫn sang lễ giỗ, thăm mộ đều đặn.

Không chỉ nhận học trò có học thức khá mà ông nghè Liên phải xét hạnh phẩm tốt trước khi nhận học trò. Ảnh minh họa: ITN.

Không chỉ nhận học trò có học thức khá mà ông nghè Liên phải xét hạnh phẩm tốt trước khi nhận học trò. Ảnh minh họa: ITN.

Năm Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên 79 tuổi thì Cử nhân Gia Viễn (Ninh Bình) lúc ấy sức đã quá yếu, mắt lại lòa, biết mình không thể sống được một năm nữa để đến Hành Thiện mừng thượng thọ thầy 80 tuổi nên bảo con trai dẫn đi xe lửa từ Ninh Bình ra Nam Định, rồi đi tiếp xe đò từ Nam Định về Hành Thiện để mừng thọ thầy.

Cử nhân Gia Viễn quỳ xuống lạy thầy hai lạy và ứa nước mắt trình bày đây là lần cuối cùng được lạy để tạ ơn thầy đã dạy dỗ. Người thầy giữ học trò ở lại dùng cơm, thầy trò nói chuyện rất lâu trước khi chia tay. Quả nhiên, Cử nhân Gia Viễn về nhà được vài ba tháng thì tạ thế trước khi ông nghè Liên tới tuổi 80.

Khoảng năm 1947 - 1948 giữa thời chiến tranh Việt - Pháp, các đường giao thông trên bộ bị cắt đứt, xe cộ không đi lại được, dân Hành Thiện vẫn thấy Cử nhân Bồng Tiên (Thái Bình) Trần Trí Vân đi bộ đến Hành Thiện để cúng giỗ, thăm mộ nghè ông, nghè bà. Tình thầy trò giữa Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên và các học trò thật là sâu đậm, đẹp đẽ vô cùng.

Theo nhà nghiên cứu Trần Mỹ Giống, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên làm Tiên chỉ Tư văn làng kiêm Tiên chỉ Tư văn phủ Xuân Trường từ năm 1910 - 1937. Ông làm việc rất có trách nhiệm và chu đáo.

Hàng năm, ông tổ chức tế lễ tưởng nhớ đức Khổng Tử và các vị tiên hiền, khoa bảng, khoa mục đã tạ thế, thỉnh thoảng lại tổ chức bình thơ văn. Hoạt động của hội Tư văn do ông phụ trách đã góp phần tích cực vào việc giáo dục đạo đức truyền thống và nâng cao trình độ cho học trò.

Ông thành lập thư viện gia đình tạo điều kiện cho học trò học tập. Thư viện của ông là một trong những thư viện tư nhân có tiếng ở Hành Thiện cuối thế kỷ 19. Sự kiện hơn 200 học trò cũ về chịu tang thầy, chứng tỏ Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Liên là một nhà giáo được học trò kính trọng, yêu mến và nhớ ơn sâu sắc, làm đẹp thêm đạo lý “tôn sư trọng đạo”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.