Lưu học sinh đón Tết cổ truyền Việt Nam:

Ấm tình thầy trò nơi đất khách

GD&TĐ - Nhiều lưu học sinh chọn ở lại Việt Nam đón Tết cổ truyền để hiểu thêm về văn hóa, phong tục của người Việt.

Trường ĐH Thủy lợi tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoại khóa cho lưu học sinh. Ảnh: NTCC
Trường ĐH Thủy lợi tổ chức hoạt động trải nghiệm ngoại khóa cho lưu học sinh. Ảnh: NTCC

Các trường đã tổ chức nhiều hoạt động để lưu học sinh được hòa chung không khí vui tươi trong ngày lễ lớn của dân tộc.

Đong đầy yêu thương

Là lưu học sinh Lào đang theo học tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, TPHCM, nữ sinh Detvongsa Chanthana, 23 tuổi, đã nhiều lần đón Tết Nguyên đán, cảm nhận không khí người Việt nô nức, tất bật chuẩn bị cho đêm Giao thừa.

Nhớ lại kỷ niệm đón Tết tại Việt Nam, Detvongsa Chanthana kể: “Có một năm, em về quê bạn và cùng gia đình chuẩn bị đồ ăn, trang trí nhà cho Tết. Em học làm bánh chưng và một số món ăn để bày biện trên mâm cỗ. Sau đêm Giao thừa, em được mọi người trong gia đình mừng tuổi. Điều này khiến em rất vui và nhớ mãi về không khí đầm ấm của gia đình người Việt trong ngày Tết”.

Qua trải nghiệm trên, Detvongsa Chanthana hiểu rằng Tết Nguyên đán là dịp để các thành viên trong gia đình đoàn tụ, nghỉ ngơi sau một năm dài vất vả. Tết của người Việt cũng có nhiều điểm giống với Tết cổ truyền của Lào. Dù xa quê hương, nữ sinh vẫn nhận được sự quan tâm, chia sẻ không chỉ từ bạn bè, mà còn từ thầy cô Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Năm ngoái, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Detvongsa Chanthana ở lại Việt Nam trong thời gian nghỉ Tết thay vì về nước. Nữ sinh cảm thấy ấm áp, hạnh phúc khi được thầy cô nhà trường quan tâm.

Trường Đại học Nguyễn Tất Thành đã tổ chức đón Tết Nhâm Dần tại hội trường lớn dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, sinh viên không về quê đón Tết và đặc biệt là lưu học sinh Lào, Campuchia.

Nhiều lưu học sinh đã hơn hai năm không về nước thăm gia đình. Thấu hiểu thiệt thòi của trò, thầy cô đã chuẩn bị những mâm cơm đầy đủ, đa dạng hoạt động văn nghệ, trò chơi tập thể... để mang không khí Tết Việt đến cho lưu học sinh.

Tại buổi lễ, TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng nhà trường, đã dành những lời chúc tốt đẹp đến lưu học sinh. “Chúc các em lưu học sinh đón Tết Việt Nam an toàn, ấm áp, đầy đủ và hữu nghị” là lời động viên của TS Trần Ái Cầm giúp Detvongsa Chanthana vượt qua nỗi nhớ nhà trong mùa đoàn tụ của người Việt.

Tết Quý Mão năm nay, Detvongsa Chanthana chọn ở lại Việt Nam để trải nghiệm các hoạt động văn hóa của người Việt do nhà trường tổ chức. Nữ sinh háo hức khi được chuẩn bị một số món ăn cổ truyền như gói bánh chưng, cuốn nem... Em cũng mong đợi được gặp bạn bè Việt Nam để chúc Tết, tặng nhau những món quà nhỏ như bánh kẹo, bao lì xì... và cùng hướng đến một năm mới an lành, mạnh khỏe.

Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tổ chức “Xuân ấm áp, Tết yêu thương” giúp lưu học sinh trải nghiệm đón Tết Việt. Ảnh: NTCC

Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa tổ chức “Xuân ấm áp, Tết yêu thương” giúp lưu học sinh trải nghiệm đón Tết Việt. Ảnh: NTCC

Quan tâm, chăm lo cho lưu học sinh

“Thầy cô và các bạn đã giúp em có cơ hội trải nghiệm văn hóa và chung vui cùng mọi người trong ngày lễ lớn của người Việt. Dù xa nhà nhưng em luôn cảm thấy ấm áp bởi tình cảm mọi người dành cho mình”, nữ sinh Detvongsa Chanthana, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành bày tỏ.

ThS Đặng Hương Giang, Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên, Trường Đại học Thủy lợi (Hà Nội), cho biết: Dịp Tết hàng năm, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, trải nghiệm dành cho lưu học sinh giúp gắn kết các em với sinh viên Việt Nam.

Đặc biệt, phải kể đến các buổi gặp mặt giữa lãnh đạo nhà trường được tổ chức thường xuyên nhân dịp Tết cổ truyền Việt Nam, Tết cổ truyền của nước bạn. Trong dịp này, nhà trường cũng tặng quà, lì xì theo phong tục của người Việt.

Qua đó, các em có cơ hội tìm hiểu về đất nước, văn hóa của người Việt cũng như cải thiện vốn tiếng Việt. Các hoạt động trên cũng giúp lưu học sinh cảm nhận được sự quan tâm của nhà trường, bạn bè với sinh viên nước ngoài và vơi đi nỗi nhớ nhà.

Theo ThS Đặng Hương Giang, trong năm 2023, việc tổ chức đón Tết cổ truyền cho lưu học sinh được triển khai cho những em đăng ký ở lại ký túc xá, không về nước.

Các em được nhà trường tặng quà là các món ăn mang hương vị Tết Việt như bánh chưng, mứt Tết... Ban giám hiệu nhà trường cũng đến chúc Tết, lì xì lưu học sinh tại ký túc xá trong ngày đầu năm mới.

Về phía các khoa, thầy cô chủ động tổ chức buổi biểu diễn văn nghệ, giao lưu giữa sinh viên Việt Nam và sinh viên quốc tế để lưu học sinh hiểu thêm về Tết Việt.

Trong thời gian nghỉ Tết cổ truyền, nhà trường tạo điều kiện cho lưu học sinh ở tại ký túc xá trên tinh thần phù hợp, an toàn, thoải mái. Nhà trường đã phối hợp với công an khu vực giữ gìn an ninh trật tự trong khu ký túc xá; đảm bảo đầy đủ điện, nước. Cắt cử nhân viên trực kỹ thuật để các em sinh hoạt bình thường.

Đồng thời, thầy cô động viên và hướng dẫn các em chuẩn bị thực phẩm đầy đủ trong những ngày Tết khi các chợ dân sinh chưa mở cửa để cuộc sống không bị xáo trộn. Hướng dẫn các em một số phong tục ngày Tết để các em hiểu hơn về phong tục truyền thống của Việt Nam và tham gia đón Tết vui vẻ, ấm áp.

Lưu học sinh Lào và sinh viên Việt Nam tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa cùng nhau gói bánh chưng. Ảnh: NTCC

Lưu học sinh Lào và sinh viên Việt Nam tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa cùng nhau gói bánh chưng. Ảnh: NTCC

Còn tại Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa (Thanh Hóa), năm học 2022 – 2023, nhà trường có 214 lưu học sinh Lào. Những năm qua, nhà trường thường xuyên quan tâm đến đời sống tinh thần của lưu học sinh và tổ chức hoạt động đặc thù cho các em như tìm hiểu và trải nghiệm Tết cổ truyền Việt Nam.

Cô Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học và Quan hệ Quốc tế, Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa, cho biết, hàng năm nhà trường tổ chức hoạt động “Xuân ấm áp, Tết yêu thương”, giúp sinh viên Lào hiểu thêm về phong tục, văn hóa, nét đẹp trong dịp Tết cổ truyền của người Việt.

Lưu học sinh Lào sẽ cùng sinh viên Việt Nam biểu diễn các tiết mục văn nghệ; cùng thầy cô gói bánh chưng hay thi hùng biện với chủ đề “Tìm hiểu Tết cổ truyền Việt Nam”... Nhân dịp này, nhà trường trao tặng quà Tết cho lưu học sinh đang học tập và ở lại trường đón Tết. Chương trình được tổ chức thường niên, góp phần thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam - Lào.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.