Tình huống truyện: Cánh cửa tiếp cận tác phẩm

Tình huống truyện: Cánh cửa tiếp cận tác phẩm

(GD&TĐ) - Nếu như cấu tứ, mạch cảm xúc là điểm tựa để người đọc khám phá và tìm hiểu một bài thơ thì tình huống truyện chính là yếu tố tạo những bất ngờ và làm nên nét độc đáo cho câu chuyện. Tình huống truyện là hoàn cảnh bất bình thường mà con người buộc phải bộc lộ bản lĩnh, tính cách của mình. Trong tác phẩm tự sự tình huống có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc thể hiện số phận và tính cách nhân vật, là một trong những vấn đề cốt lõi, là chìa khóa khi khám phá tác phẩm. 

Đặc trưng của truyện ngắn là cốt truyện và thông thường cốt truyện bắt đầu từ những sự kiện có vấn đề đó là tình huống. Chính ở đó, nhà văn bộc lộ tài năng của mình. Nói cách khác, tình huống chính là một lát cắt của cuộc sống, là vực xoáy trên dòng sông, tình huống gắn liền với cốt truyện và chủ đề tư tưởng tác phẩm. Nếu như đi khai thác một bài thơ chúng ta chú ý tới hình ảnh, cấu tứ, nhịp điệu…, thì khai thác một tác phẩm tự sự phải chú ý tới nhân vật ở các góc cạnh từ đó mà phát hiện ra chân giá trị cuộc sống, cùng thông điệp mà nhà văn gửi tới bạn đọc. Để khám phá nhân vật cần bắt đầu từ việc khai thác tình huống truyện. Muốn vậy HS phải nắm vững tác phẩm hiểu được diễn tiến của câu chuyện từ đó phát hiện ra đâu là hoàn cảnh có vấn đề. Một tác phẩm hay thì bao giờ nhà văn cũng có những phát hiện độc đáo khi khai thác vấn đề trong cuộc sống.

Tình huống truyện: Cánh cửa tiếp cận tác phẩm ảnh 1
Trong giờ Văn học. (Ảnh: Minh Tân)

Phần lớn những tác phẩm được trích giảng trong chương trình THPT đều là những tác phẩm có cốt truyện độc đáo. Thông qua cốt truyện các tác giả muốn chuyển tải tới người đọc những vấn đề về nhân sinh trong cuộc sống. Việc tìm hiểu về nhân vật hay các giá trị nội dung tác phẩm sẽ thuận lợi và thấu đáo hơn khi chúng ta khai thác tình huống trong truyện. Truyện “Vợ Nhặt” của nhà văn Kim Lân là một tác phẩm rất độc đáo về tình huống. Đó là Tràng – một anh nhà nghèo hình thức thô kệch, tính tình ngờ nghệch lại là dân ngụ cư giữa lúc đói kém mà lấy được vợ, hơn nữa lại là vợ theo. Tình huống bất thường đó gây sự chú ý ngạc nhiên tới những người xung quanh và ngay cả bản thân Tràng. Bởi đói khát, người như Tràng nuôi thân chẳng xong lại còn đèo bòng. Và không chỉ lạ mà nó còn là sự đan xen giữa mừng và lo, vui và buồn. Hạnh phúc đặt trên bối cảnh thê lương ảm đạm của nạn đói năm 1945 trong gia đình Tràng trước cái đói quay đói quắt. Tình huống đó sẽ chi phối tới sự phát triển  của truyện và cách thức xây dựng các nhân vật. Như vậy bắt đầu từ việc khai thác tình huống khi tiếp cận tác phẩm mà giáo viên có thể dẫn dắt học sinh phân tích nhân vật Tràng, người vợ nhặt, bà cụ Tứ. Các lớp nghĩa của truyện sẽ được sáng tỏ cùng các giá trị hiện thực và nhân đạo. Chủ đề tác phẩm về bài ca cuộc sống: Bên lề cái chết con người ta vẫn mơ ước vẫn khát vọng là ý nghĩa cơ bản mà nhà văn Kim Lân chuyển đến bạn đọc. 

Hay trong truyện “Chí Phèo” để tạo sự chuyển đổi về tư tưởng nhân vật, tác giả đã cho Chí Phèo gặp Thị Nở. Người phụ nữ ma chê quỷ hờn này đã làm thay đổi tâm tính của hắn. Từ sau trận ốm Chí Phèo cảm nhận được nỗi cô đơn, sự chăm sóc của Thị Nở đã đánh thức giấc mơ ngày xưa của hắn. Phèo Chí muốn làm hòa với mọi người, Chí muốn Thị Nở sẽ là chiếc cầu nối với dân làng Vũ Đại. Rõ ràng sự gặp gỡ này chính là tình huống cho nhân vật bộc lộ những trăn trở trong khát vọng hoàn lương. Phân tích nhân vật Chí Phèo, HS cần chú ý tới biến cố đó để thấy sự tác động của nó tới diễn biến tâm lý. Cái đột biến trong tính cách suy nghĩ và tình cảm của Chí được lý giải hợp lý nhờ tác giả đã khéo léo xây dựng tình huống trên. 

Với tác phẩm “Chữ người tử tù” nhà văn Nguyễn Tuân đã đặt nhân vật trong một tình huống những ngày cuối cùng của người tử tù trước khi ra pháp trường. Còn với viên quản ngục đây là cơ hội gặp gỡ hiếm hoi để xin chữ thánh hiền. Xong Huấn Cao vốn là con người rất khoảnh tiền bạc, quyền uy không dễ gì khuất phục được. Vậy làm thế nào để viên quản ngục xin được chữ của ông Huấn Cao? Từ tình huống này tác giả dẫn dắt người đọc khám phá về vẻ đẹp của từng nhân vật. Đặc biệt là nhân vật Huấn Cao một con người đầy tài năng có khí phách biết trọng thiên lương. Cùng với Huấn Cao thì viên quản ngục chính là thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn độn xô bồ. Chính việc lựa chọn tình huống này giúp cho nhà văn xây dựng thành công các nhân vật để thể hiện cho ý tưởng ngợi ca về một thời vang bóng đã qua.  

Nói như vậy để thấy tình huống có vai trò nhất định quyết định tới cách tác giả sẽ vẽ chân dung nhân vật của mình như thế nào. Vì vậy khi tìm hiểu nhân vật điều cốt yếu trước hết chúng ta phải phát hiện ra hoàn cảnh đặc biệt, cái nền mà nhân vật bộc lộ con người thực của mình. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ giải mã những điều thầm kín mà nhà văn gửi gắm thông qua hình tượng nhân vật.

Thu Trà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ