Tình hình sản xuất tên lửa Iran

GD&TĐ - Theo hãng thông tấn Tasnim, hoạt động sản xuất tên lửa của Iran vẫn bình thường sau cuộc không kích của Israel và Tehran vẫn đủ sức đáp trả.

Tên lửa siêu thanh Fattah-1 của Iran.
Tên lửa siêu thanh Fattah-1 của Iran.

Năng lực tấn công không đổi

Tasnim dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Aziz Nasirzadeh bên lề cuộc họp nội các hôm 30 tháng 10: "Không xảy ra sự gián đoạn nào trong quá trình sản xuất các hệ thống tấn công như tên lửa.

Đối phương đã cố phá hủy năng lực phòng thủ và tiến công của Iran, nhưng không thành công cho lắm, vì chúng tôi đã nắm được thông tin và chuẩn bị từ trước".

Ông Nasirzadeh dường như ngầm thừa nhận một hệ thống phòng thủ đã bị hư hại trong cuộc không kích của Israel rạng sáng 26 tháng 10, khi nói rằng nó "đã được thay thế trong ngày hôm sau", nhưng không công bố thêm chi tiết.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nasirzadeh cũng đã khẳng định Tehran vẫn "đủ sức tiến hành nhiều đợt tập kích tên lửa" với quy mô tương tự các cuộc tấn công nhằm vào Israel ngày 13/4 và 1/10, trong đó mỗi đợt sử dụng khoảng 200-300 quả đạn các loại.

Tehran hiện sở hữu kho tên lửa đạn đạo lớn nhất Trung Đông với con số ước tính 3.000 quả. Theo Tasnim, kho tên lửa đạn đạo của Tehran còn bao gồm:

Shahab-3 có tầm bắn lên đến 1.300 km, tên lửa được Iran đưa vào sử dụng năm 2003. Nó có thể mang đầu đạn nặng 1.200 kg. Ngoài ra còn có Shahab-1 và Shahab-2 có tầm bắn 300 km và 500 km.

Kheiber Shekan (hay Kheibar Shekan) có khả năng tấn công mục tiêu ở tầm xa lên tới 1.450 km với đầu đạn nặng 650kg. Tên lửa đạn đạo tầm trung Ghadr-110 có thể mang đầu đạn nặng 800kg và có tầm bắn gần 2.000 km.

Tiếp theo là tên lửa đạn đạo Sejjil. Vũ khí này có tầm bắn khoảng 4.000 km và mang đầu đạn nặng 700kg.

Các tên lửa đạn đạo khác của Iran bao gồm Khorramshahr-4 (tầm bắn 2.000km), Emad (tầm bắn 1.700km), Paveh (tầm bắn 1.650km), Haj Qassem (tầm bắn 1.400km) và Dezful (tầm bắn khoảng 1.000km).

Iran cũng duy trì kho tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) tự sát tầm xa với số lượng lớn, dù chưa có con số cụ thể.

Cũng theo thông tấn Iran, Tehran hiện là một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu tên lửa siêu vượt âm và chúng đã được sử dụng trong cuộc tấn công trước đó của Iran vào Israel.

Siêu thanh được định nghĩa là vũ khí bay với tốc độ từ gấp năm lần tốc độ âm thanh trở lên (Mach 5) trong bầu khí quyển.

Iran đã công bố tên lửa đầu tiên như vậy, Fattah-1, vào tháng 6, trong khi phiên bản Fattah-2 sẽ được giới thiệu với công chúng vào tháng 11. Cả hai đều có tầm bắn khoảng 1.400 km.

Hậu quả cuộc tấn công

Trong vụ tập kích rạng sáng 26 tháng 10, máy bay Israel đã tấn công vào loạt mục tiêu quân sự tại Iran, trong đó có cơ sở sản xuất, triển khai tên lửa và thiết bị bay không người lái, cũng như hệ thống phòng không.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố lực lượng Israel đã "tấn công vào năng lực phòng thủ và sản xuất tên lửa của Iran".

Ảnh vệ tinh thương mại sau cuộc tấn công cho thấy Iran dường như đã chịu một số tổn thất trong vụ tập kích, có thể hạn chế khả năng tác chiến của Tehran trong thời gian.

Trong khi đó, Iran nói đã đánh chặn lượng lớn tên lửa và chỉ hứng "thiệt hại hạn chế" sau cuộc tấn công. 4 binh sĩ và một dân thường Iran đã thiệt mạng trong đợt tập kích của Israel.

Hai nhà nghiên cứu Mỹ tuần trước nhận định Israel đã tấn công các tòa nhà mà Iran sử dụng để trộn nhiên liệu rắn cho tên lửa đạn đạo, cho rằng điều này có thể cản trở đáng kể năng lực sản xuất hàng loạt tên lửa của Tehran.

Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố Israel đã "tính toán sai lầm", đồng thời cho rằng "không nên thổi phồng hay hạ thấp" cuộc tấn công.

Tư lệnh Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) Hossein Salami tuyên bố Israel không đạt được các mục tiêu đề ra và cảnh báo đối phương sẽ phải hứng chịu "hậu quả cay đắng không thể tưởng tượng nổi".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Môn học công cụ

GD&TĐ - Theo kết quả kỳ thi học sinh giỏi quốc gia lớp 12 năm học 2024 - 2025, Hà Nội vẫn dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh đoạt giải.