Đề xuất sinh viên tại chức được cấp học bổng khuyến khích học tập:

Bình đẳng giữa quyền lợi và nghĩa vụ cho sinh viên tại chức

GD&TĐ - Bộ GD&ĐT đề xuất sinh viên hệ vừa học vừa làm, đào tạo từ xa cũng được cấp học bổng khuyến khích học tập như sinh viên chính quy.

Sinh viên hệ vừa làm, vừa học của Viện Kinh tế Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) được chia sẻ bí quyết để có học bổng đi du học. Ảnh: TG
Sinh viên hệ vừa làm, vừa học của Viện Kinh tế Bưu điện (Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông) được chia sẻ bí quyết để có học bổng đi du học. Ảnh: TG

Đề xuất này nhận được nhiều ý kiến từ người học và các chuyên gia.

San lấp khoảng cách

Là sinh viên hệ vừa học, vừa làm của Trường ĐH Luật Hà Nội, Nguyễn Xuân Tùng tán thành với đề xuất trên vì sẽ giúp sinh viên không chính quy có động lực phấn đấu trong học tập, từng bước xóa bỏ kỳ thị bằng tại chức. Thực tế, nhiều anh/chị học hệ tại chức nhưng có thành tích học tập tốt, không thua kém những sinh viên chính quy.

Nếu xét về kết quả học tập và rèn luyện, các anh/chị hoàn toàn xứng đáng được nhận học bổng khuyến khích học tập. Còn trên phương diện các khoản đóng góp, sinh viên hệ vừa học vừa làm, hệ đào tạo từ xa còn đóng học phí nhiều hơn sinh viên chính quy.

Tuy nhiên, vì chưa có cơ chế nên sinh viên hệ này chưa được nhận học bổng, dẫn đến thiệt thòi, thậm chí bất hợp lý. Từ thực trạng này, Nguyễn Xuân Tùng mong muốn đề xuất trên sớm được thông qua nhằm tạo sự công bằng trong việc thực thi quyền lợi và nghĩa vụ của người học nói chung.

Dù là sinh viên chính quy nhưng Lê Đình Anh - Trường ĐH Điện lực (Hà Nội) cũng đồng tình với đề xuất sinh viên hệ vừa học vừa làm, hệ đào tạo từ xa được cấp học bổng khuyến khích học tập.

Nam sinh nhìn nhận, hiện Nhà nước không phân biệt giá trị văn bằng đại học chính quy hay tại chức. Nghĩa là, sinh viên tốt nghiệp các hệ đào tạo đều có quyền bình đẳng ứng tuyển vào vị trí việc làm trong cơ quan Nhà nước. Vì thế, việc tạo điều kiện để sinh viên tại chức được nhận học bổng cũng là thực hiện công bằng trong giáo dục, đào tạo.

binh-dang-giua-quyen-loi-va-nghia-vu2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Xóa bỏ bất cập

Xét ở góc độ bình đẳng, TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công Thương TP Hồ Chí Minh cho rằng, đề xuất của Bộ GD&ĐT phù hợp với thực tiễn. Sinh viên tại chức, từ xa cũng là người học như sinh viên chính quy. Thứ nữa, bản chất của học bổng khuyến khích học tập dựa trên nguồn học phí. Nếu xét trên phương diện này, họ có đóng góp học phí nên cần được bình đẳng trong thụ hưởng chính sách học bổng.

“Xu hướng hiện nay là, các trường có thể đào tạo nhiều phương thức khác nhau nhưng yêu cầu chuẩn đầu ra sẽ tương đương. Vì thế, cần bảo đảm quyền lợi và nghĩa vụ trong học tập đối với người học ở tất cả hệ đào tạo, không nên phân biệt chính quy hay tại chức”, TS Thái Doãn Thanh nói.

Đồng quan điểm, TS Trịnh Thị Xim - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương (Hà Nội) viện dẫn, Nghị định số 84/2020/NĐ-CP ngày 17/7/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục (Nghị định 84) có nêu: “Với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí với trường công lập”. Đối tượng xét, cấp học bổng khuyến khích học tập là sinh viên hệ chính quy.

Theo Nghị định 84, học bổng được bố trí dựa trên tỷ lệ phần trăm từ tổng nguồn thu học phí của sinh viên các hệ đào tạo (chính quy, từ xa, vừa làm vừa học) nhưng đối tượng thụ hưởng học bổng chỉ có sinh viên chính quy. Điều này không hợp lý, vì thế Bộ GD&ĐT đề xuất sinh viên học hệ phi chính quy cũng được xét, cấp học bổng bình đẳng như sinh viên chính quy là hợp tình, hợp lý; thể hiện tính bình đẳng và công bằng với người học.

“Vì tính chất và hoàn cảnh học tập khác nhau nên không thể “bê nguyên” quy chế xét tặng học bổng khuyến khích học tập với sinh viên chính quy để áp dụng cho sinh viên hệ đào tạo từ xa, vừa làm vừa học. Do đó, cơ sở đào tạo cần xây dựng quy chế riêng cho sinh viên hệ đào tạo này, bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn rõ ràng, minh bạch, đúng người, đúng việc”, TS Trịnh Thị Xim nhấn mạnh.

Bộ GD&ĐT cho biết, dự thảo Tờ trình Chính phủ đưa ra 2 phương án: Phương án 1: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 5% nguồn thu học phí (với trường công lập) và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.

Phương án 2: Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học: Học bổng khuyến khích học tập được bố trí tối thiểu bằng 8% nguồn thu học phí hệ chính quy (với trường công lập) và tối thiểu 2% nguồn thu học phí đối với trường tư thục.

Đối với việc sửa đổi, bổ sung Điểm b Khoản 4 Điều 8 Nghị định 84/2020/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT lựa chọn Phương án 1. Theo phương án này, dự thảo Nghị định không có sự phân biệt học sinh, sinh viên học chương trình chính quy với người học chương trình vừa làm vừa học, đào tạo từ xa.

Dự thảo đồng thời bổ sung Điểm d vào Khoản 1 Điều 8 đối tượng cấp học bổng khuyến khích học tập là: “Sinh viên cơ sở giáo dục đại học thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều 85 Luật Giáo dục đang học các chương trình đào tạo để thực hiện các Chương trình, Đề án phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp mới do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”.

Bổ sung Điểm c vào Khoản 4 Điều 8 về nguồn cấp học bổng khuyến khích học tập. Theo đó, Nhà nước cấp học bổng cho người học quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 8. Kinh phí cấp học bổng được cân đối trong dự toán chi ngân sách Nhà nước của lĩnh vực giáo dục, đào tạo hằng năm theo phân cấp quản lý. Dự thảo Nghị định cũng bổ sung quy định cụ thể về mức học bổng, nguyên tắc hưởng và phương thức chi trả học bổng khuyến khích học tập cho nhóm nêu trên.

Bộ GD&ĐT vừa có Tờ trình Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84. Theo đó, Bộ sẽ xây dựng quy chế công tác sinh viên, trong đó nhóm được xét, cấp học bổng khuyến khích học tập bao gồm: Người học ở các hình thức đào tạo khác như vừa học vừa làm, đào tạo từ xa, không riêng người học hệ chính quy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ