Tự chủ đại học: Con đường một chiều...
Một trong những nội dung đáng chú ý là Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 diễn ra ngày 4/8 - tại Hà Nội. Hội nghị thu hút hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng đại học/Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc/Hiệu trưởng, lãnh đạo bộ phận tổ chức nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tự chủ đại học là quá trình cọ xát từ tư tưởng, nhận thức, đến thống nhất hành động, đã được đưa vào các nghị quyết của Trung ương, văn bản quy phạm pháp luật; tiếp tục vừa làm, vừa tổng kết, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thí điểm. Quá trình tự chủ đại học không chỉ đúng về lý thuyết, mà kết quả thực tiễn tốt hơn.
“Việc thực hiện tự chủ đại học là con đường một chiều không quay lại được" - Phó Thủ tướng nói và nhắc lại 4 mục tiêu quan trọng khi thực hiện tự chủ đại học; trước hết phải phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong 3 đột phá chiến lược.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Quá trình thực hiện tự chủ đại học là một chặng đường đổi mới rất dài và "không chỉ có hoa hồng" |
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, việc thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam diễn ra dưới sự chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt thông qua các chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong ba thập niên vừa qua và đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực.
Ở Việt Nam, quá trình thực hiện tự chủ đại học là một phần của quá trình đổi mới và hiện đại hoá, quốc tế hoá giáo dục đại học, là một khâu trong sự chuyển đổi mô hình giáo dục đại học thời kỳ bao cấp và kế hoạch hoá sang thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tự chủ đại học như một cuộc cách mạng để thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học. “Có thể nói, một luồng sinh khí mạnh mẽ đã xuất hiện từ bên trong của hệ thống và thúc đẩy các đại học phát triển. Giá trị và phương diện tích cực của tự chủ đại học là rõ ràng, là hiển nhiên và không thể phủ định được” – Bộ trưởng nhìn nhận.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại Hội nghị tự chủ đại học năm 2022 |
Phát triển đội ngũ giáo viên
Tuần qua, một sự kiện quan trọng đã diễn ra, đó là Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 đối với giáo dục trung học (ngày 4/8).
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở GD&ĐT, phòng Giáo dục Trung học thuộc Sở, đại diện một số trường THPT đã đánh giá kết quả, chia sẻ kinh nghiệm trong triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022. Hầu hết ý kiến đều đánh giá cao sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Bộ GD&ĐT, trong đó có Vụ Giáo dục Trung học.
Liên quan đến thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đưa yêu cầu phải cố gắng cao nhất triển khai thành công chương trình mới một cách khoa học, hiệu quả, nhất là với lớp 10.
Về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Thứ trưởng cho rằng cần bảo đảm cả về số lượng và chất lượng; dành những gì ưu tiên nhất cho đội ngũ giáo viên. Đặc biệt với lớp 10, cần bố trí thầy cô tâm huyết, trách nhiệm, có năng lực để có thể triển khai tốt nhất chương trình mới. Thứ trưởng đưa ra yêu cầu với việc tập huấn bảo đảm tính hiệu quả; phát triển đội ngũ giáo viên bằng bồi dưỡng thường xuyên, liên tục.
Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học diễn ra ngày 5/8. Cuộc thi được Bộ GD&ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, Cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học.
Từ năm 2013 đến năm 2019, Cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4 - 6 dự án/đơn vị dự thi, và được tổ chức lần lượt ở các địa phương khác nhau.
Từ năm 2020, do tình hình có dịch Covid-19, Cuộc thi giảm quy mô về số lượng dự án tham dự (chỉ có 2 dự án/đơn vị dự thi; riêng đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi được tham dự 4 dự án) nên Cuộc thi được tổ chức tại một địa phương trên cả nước.
Năm 2022, do điều kiện thực tế, Cuộc thi được tổ chức trực tuyến hoàn toàn. Các dự án tham dự Cuộc thi được tuyển chọn từ các cuộc thi cấp tỉnh, cấp trường (đối với các trường trung học trực thuộc trung ương, trực thuộc trường đại học, đại học).
Theo báo cáo của các đơn vị tham gia Cuộc thi, hằng năm có từ 200 - 300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn từ 2 - 6 dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia theo quy định từng năm của Bộ GD&ĐT.
Đáng chú ý, trong 10 năm tổ chức Cuộc thi, tất cả các địa phương đều có dự án tham gia dự thi và cũng đều có dự án đạt giải (số dự án đạt giải của địa phương có ít nhất là 5, nhiều nhất là 137), nhiều tỉnh, thành đã đạt được những thành tích đáng trân trọng.
Hằng năm, từ kết quả Cuộc thi, Bộ GD&ĐT lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện (theo quy định tại Thông tư số 38) để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học do Hoa Kỳ tổ chức.
Hội nghị tổng kết 10 năm Cuộc thi khoa học và kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học. |
Đã có khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023
Ngày 5/8, Bộ GD&ĐT ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Theo đó, thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Tổ chức khai giảng vào ngày 5/9/2022.
Kết thúc học kỳ I trước ngày 15/1/2023, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5/2023 và kết thúc năm học trước ngày 31/5/2023.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở trước ngày 30/6/2023. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7/2023.
Thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi cấp quốc gia theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định Kế hoạch thời gian năm học đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Tuần qua, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục công bố “điểm sàn”, đồng thời đẩy mạnh hoạt động tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng cho thí sinh. Theo các chuyên gia, mức “điểm sàn” xét tuyển với điểm chuẩn trúng tuyển sẽ không bao giờ song hành hay tương xứng với nhau.
Bởi điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: số lượng hồ sơ xét tuyển, sự quan tâm của thí sinh với nhóm ngành nghề, tỷ lệ chỉ tiêu các trường cho phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Vì vậy, thí sinh hết sức thận trọng và cân nhắc chọn ngành nghề theo học ở các trường mình yêu thích sau khi tham khảo điểm chuẩn trúng tuyển 2 - 3 năm trước một cách kỹ lưỡng. Thực tế, “bẫy điểm sàn” thấp khiến nhiều thí sinh chủ quan và phải trả giá là chuyện thường xuyên xảy ra ở các mùa tuyển sinh.
Các hoạt động tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng diễn ra sôi động |
Các chuyên gia cũng khuyến nghị, thí sinh cần xem mình thích ngành nào và lý do thích ngành đó. Ngoài ra, các em lưu ý đến kết quả học tập so với yêu cầu của cơ sở đào tạo, rà soát điểm trúng tuyển của một số năm trước so với kết quả học tập của mình; đặc biệt chú ý đến các điều kiện, tiêu chuẩn của trường, kể cả tiêu chí phụ.
Do năm học mới đã cận kề, để đảm bảo đủ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 2/8, Bộ GD&ĐT đã có Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai tuyển dụng biên chế giáo viên mầm non, phổ thông theo Quyết định số 72-QĐ/TW. Trên tinh thần đó, các địa phương cần khẩn trương triển khai tổ chức tuyển dụng trên 27.800 biên chế giáo viên cấp mầm non và phổ thông được giao bổ sung cho năm học 2022-2023.
Trước đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định số 72-QĐ/TW về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị ở Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương giai đoạn 2022-2026. Theo đó, Bộ Chính trị đã giao bổ sung 65.980 biên chế giáo viên trong giai đoạn từ 2022 đến năm 2026, riêng năm học 2022-2023 giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.