Tinh giản biên chế giáo viên: Mòn mỏi chờ... lời giải

GD&TĐ - Ngành Giáo dục các địa phương trong cả nước đang đối mặt với khó khăn “nan giải” là biên chế giáo viên. Tuy vậy, nhiều nơi vẫn “áp” quy định tinh giản biên chế. Điều trớ trêu này khiến không ít trường học chật vật để bảo đảm việc dạy, học…  

Với kênh rạch chằng chịt, các tỉnh ĐBSCL gặp khó trong việc dồn điểm lẻ. Ảnh: T.Xuân
Với kênh rạch chằng chịt, các tỉnh ĐBSCL gặp khó trong việc dồn điểm lẻ. Ảnh: T.Xuân

Nhìn từ vùng thuận lợi

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất nhưng Hà Nội cũng rơi vào tình trạng thiếu GV nhiều nhất cả nước.

Để lấp khoảng trống trên, năm 2019, Hà Nội tổ chức kỳ thi tuyển viên chức giáo dục để xét tuyển 11.182 chỉ tiêu (10.949 GV, 233 nhân viên) sau nhiều năm không tổ chức thi tuyển. Bên cạnh đó, ngành GD Thủ đô đồng thời thực hiện nhiệm vụ đến năm 2021 tinh giản biên chế tối thiểu 10% tại các đơn vị sự nghiệp.

Tinh giản thế nào, tinh giản những ai là vướng mắc mà Hà Nội đang gặp phải. Theo chủ trương, việc tinh giản biên chế phải gắn với việc bảo đảm các quy định về định mức số lượng GV đối với mỗi cấp học. Nhưng hiện nay, số GV còn thiếu rất nhiều nên sẽ không thể tinh giản giáo viên đang đứng lớp. Tuy nhiên, việc tinh giản trên lại chừa giáo viên diện hợp đồng lâu năm, khiến hàng nghìn người dù gắn bó với nghề 10 - 15 năm lại vào cảnh… thất nghiệp do không đủ tiêu chuẩn xét tuyển mà thi tuyển sẽ cầm chắc phần thua so với người mới ra trường.

Theo thống kê của Sở GD&ĐT và Sở Nội vụ Hà Nội, TP hiện thiếu hơn 12.000 GV và nhân viên trong ngành, nhất là GV tiếng Anh, Tin học bậc tiểu học. Đặc biệt khi áp dụng Chương trình Giáo dục phổ thông mới, với mức tính định biên như hiện nay sẽ không phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy.

Thêm vào đó, Hà Nội đang gặp phải bài toán quá tải trường lớp, nhiều lớp học có sĩ số lên đến 60 học sinh, vượt nhiều so với quy định của Bộ GD&ĐT. Trong năm 2019, thành phố xây mới thêm 77 trường học, số lượng này sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tiếp theo. Do vậy, việc tuyển thêm biên chế GV cũng là điều cần thiết trong những năm học tới.

Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội, trong thời gian tới, Sở đưa ra các giải pháp để nâng cao chất lượng đội ngũ người làm công tác tài chính, kế toán trong đơn vị sự nghiệp công lập; tuyển dụng mới các vị trí như văn thư, y tế, thiết bị trường học có văn bằng kế toán để kiêm nhiệm công tác kế toán. Đồng thời, Sở sẽ thực hiện bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ về việc làm kiêm nhiệm khác đối với kế toán hiện có trong các cơ sở giáo dục.

Để tinh giản biên chế theo quy định mà không phải cắt hợp đồng của các GV đang đứng lớp, ngành GD-ĐT Hà Nội thực hiện nhiều giải pháp như sắp xếp, tổ chức lại cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; điều chỉnh lại quy mô lớp học hợp lý, thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế.

Cùng với đó là việc rà soát, cơ cấu lại và tinh giản biên chế đối với các chức danh kế toán, y tế học đường tại các trường mầm non. Sở đề xuất giữ nguyên mô hình bộ máy quản lý tài chính, kế toán như hiện tại đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Người làm công tác tài chính, kế toán có thể được giao kiêm nhiệm thêm một số công việc khác trong nhà trường.

Tình trạng chờ xin biên chế từ Trung ương diễn ra ở nhiều nơi. Ảnh: T. Xuân
Tình trạng chờ xin biên chế từ Trung ương diễn ra ở nhiều nơi. Ảnh: T. Xuân 

Nghịch lý thiếu - thừa

Tình trạng thiếu GV diễn ra ở mọi nơi, từ vùng thuận lợi đến khó khăn. Tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo thống kê còn thiếu 11.637 GV mầm non, 2.583 GV tiểu học, 2.157 GV THCS, 401 GV THPT. Tuy nhiên, toàn vùng cũng thừa 1.686 GV tiểu học, 1.073 GV THCS, 3.579 GV THPT.

Mặc dù thiếu GV nhưng nhiều nơi vẫn thực hiện quy định tinh giản biên chế. Một trong những địa phương gặp khó nhất là tỉnh Kiên Giang, đến nay tỉnh còn thiếu khoảng 1.000 GV nhưng vẫn chưa được phân bổ biên chế. Bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang nêu thực trạng: “Năm học 2018 - 2019, tỉnh thiếu khoảng 1.000 giáo viên, trong đó bậc học mầm non chiếm khoảng 60 - 70%”.

Theo bà Giang, từ năm 2015 đến nay, tỉnh chưa được giao thêm biên chế ngành Giáo dục. Đã thiếu GV nhưng không được bổ sung, trong khi đó ngành vẫn phải thực hiện kế hoạch tinh giản biên chế từng năm. Cụ thể, năm học 2016 - 2017, ngành Giáo dục Kiên Giang cần thêm 543 giáo viên cho các cấp học nhưng chỉ được bổ sung 53 biên chế trong khi phải tinh giản 356 biên chế theo kế hoạch.

Năm học 2017 - 2018, tỉnh cần thêm 709 biên chế nhưng không được bổ sung và tiếp tục tinh giản 241 người. Đến năm học 2018 - 2019, tỉnh thiếu 906 GV so với quy mô học sinh nhưng vẫn không được bổ sung… Vì lý do này, ngành Giáo dục gặp rất nhiều khó khăn, phát sinh nhiều bất cập. Tỉnh đề nghị nhiều lần với Bộ Nội vụ, tổ chức đoàn đến làm việc với các cơ quan Trung ương, mặc dù đã được ghi nhận nhưng vẫn chưa được giải quyết!

Đồng cảnh ngộ với Kiên Giang là tỉnh Cà Mau. Năm học vừa qua, Cà Mau gặp nhiều khó khăn trong bố trí GV đứng lớp, do số lượng người làm việc được giao thấp hơn so với số lượng định mức GV đủ để giảng dạy ở tất cả các môn học (chủ trương không cho hợp đồng chuyên môn, nghiệp vụ). Để giải quyết khó khăn, UBND tỉnh đã tham mưu với HĐND tỉnh tạm thời điều chuyển 615 biên chế viên chức (số lượng người làm việc) từ sự nghiệp y tế sang giáo dục.

Đầu năm học 2019 - 2020, Hậu Giang thiếu khoảng 1.400 GV, nhiều trường đối mặt tình trạng một số lớp không có GV đứng lớp. Trong đó, cấp học mầm non, mẫu giáo thiếu gần 900 người; tiểu học thiếu hơn 400 người và THCS thiếu hơn 100 người. Giải pháp trước mắt được đưa ra là tiếp tục xin UBND tỉnh hợp đồng GV, luân chuyển, điều động GV từ nơi thừa sang nơi thiếu. Sắp xếp để bảo đảm đáp ứng nhu cầu giảng dạy trong năm học mới…

Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hậu Giang bày tỏ: “Nhiều năm qua, ngành Giáo dục Hậu Giang chưa bao giờ đủ biên chế GV, nhân viên, nhất là ở cấp học mầm non, tiểu học. Thậm chí, các chức danh nhân viên trong trường học không được bố trí biên chế mà chỉ ưu tiên cho GV nhưng vẫn thiếu. Các chức danh như kế toán, y tế trường học, bảo vệ, tạp vụ chỉ thực hiện hợp đồng vụ việc”.

Ảnh minh họa/ INT
Ảnh minh họa/ INT 

Cần chính sách đặc thù

Một trong những nguyên nhân khiến giao biên chế ngành Giáo dục gặp khó, do trước đây, Trung ương giao quyền quyết định biên chế giáo viên cho địa phương, cần đến đâu giao đến đó. Nhưng sau khi có Nghị định 41/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, biên chế của các đơn vị sự nghiệp công lập phải được Bộ Nội vụ trình Chính phủ mới thực hiện được; việc phê duyệt này rất chậm…

Trao đổi về tình hình biên chế ngành Giáo dục và việc tinh giản biên chế, ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: “Nếu giao cho Sở Nội vụ triển khai đề án tinh giản biên chế ngành Giáo dục sẽ gây xáo trộn. Do vậy, tỉnh có cách làm riêng. Xác định GD-ĐT là ngành đặc thù nên khi thực hiện tinh gọn biên chế theo Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, tỉnh yêu cầu Sở GD&ĐT tham mưu, xây dựng đề án riêng. Trước hết, quy mô trường lớp học, việc sáp nhập phải hợp lý, bảo đảm cự ly, không quá nhiều các điểm lẻ, không gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo. Việc thực hiện tinh gọn biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Trung ương, phải bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ; bảo đảm quy định giáo viên/lớp đã được Bộ GD&ĐT quy định”.

Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Giang - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kiên Giang: “Việc phân bổ biên chế theo số lượng học sinh như hiện nay chưa hợp lý đối với vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh hơn 700 trường học mà có tới 1.900 điểm lẻ. Chúng tôi đã giảm hết mức các điểm lẻ, khoảng cách các điểm từ 5 - 10 km nên không thể giảm hơn được nữa. Địa phương có đặc thù kênh rạch giao thông chằng chịt, quy mô trường, lớp rất lớn nhưng học sinh phân tán nhiều nơi. Do vậy, khi bố trí đầu tư, tinh giản biên chế cần phải có cơ chế đặc thù”.

Còn tại Hà Nội, dù thực hiện nhiều giải pháp như điều chỉnh quy mô lớp học, sắp xếp các vị trí kế toán, văn thư, y tế... nhưng việc thực hiện giảm 10% biên chế là không khả thi vì hiện nay, lĩnh vực GD của Hà Nội có quy mô rất lớn. Giải pháp giảm biên chế các ngành khác để bù cho ngành GD cũng khó thực hiện vì biên chế giáo dục chiếm đến gần 85% tổng số biên chế của toàn thành phố.

Theo bà Nguyễn Thị Liễu - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, với quy mô giáo dục lớn, tốc độ gia tăng dân số nhanh, Hà Nội rất khó khăn nếu không tăng biên chế GV, chứ chưa nói đến phải thực hiện chủ trương cắt giảm biên chế. Trong khi đó, việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ hoàn toàn trong giai đoạn 2018 - 2021, bao gồm cả lĩnh vực giáo dục sẽ rất khó đạt được chỉ tiêu 10%.

Do đó, Chính phủ cần cho Hà Nội thực hiện tinh giản biên chế 10% đến năm 2021 không gồm lĩnh vực giáo dục, bởi áp lực tăng trường lớp, học sinh của Hà Nội rất lớn. Thêm vào đó, việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang cơ chế tự chủ vẫn chưa có hướng dẫn, giải pháp cụ thể.

Hiện thành phố có 20 trường chất lượng cao được đưa vào danh sách 199 đơn vị tiến tới tự chủ hoàn toàn. Các trường được tự chủ về tài chính, nhưng chưa được chủ động trong việc tuyển dụng nhân sự, sử dụng biên chế. Các trường mới chỉ được phép ký hợp đồng lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với GV, nhân viên không phải viên chức. Hơn nữa, việc trả lương cho người lao động không dựa trên năng lực, hiệu quả công tác, mà vẫn phải theo quy định về ngạch, bậc. Rào cản này đã gây khó khăn trong việc thu hút người tài về làm việc cho đơn vị, đồng thời giảm động lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, nhân viên, chưa tạo được cơ chế khuyến khích sáng tạo, đổi mới tư duy trong làm việc.

Ngoài ra, một số trường khi chuyển sang mô hình chất lượng cao, mức thu học phí tăng, số lượng học sinh theo học ít, dẫn đến lương chi trả cho GV không bảo đảm, khiến nhiều người xin thôi việc như thực trạng tại Trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Trường Mầm non 20/10 (quận Hoàn Kiếm). Sự chênh lệch học phí cũng gây khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình, thu hút học sinh.

Các bộ, ngành cần sớm hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 để các địa phương có cơ sở phân loại tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập; hướng dẫn cụ thể khung năng lực vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, định mức số người làm trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực… Cùng với tự chủ tài chính, cần được tự chủ trong cơ chế đãi ngộ người lao động, đi cùng với tự chủ về nhân sự, đầu tư. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.