Hà Nội chờ ý kiến Bộ Nội vụ để xét tuyển đặc biệt viên chức giáo dục

GD&TĐ - Kì thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019 của TP Hà Nội sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch. Hà Nội sẽ xin ý kiến Bộ Nội vụ để thống nhất thực hiện việc xét tuyển đặc biệt viên chức giáo dục.

Kì thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019 của TP Hà Nội sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch
Kì thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019 của TP Hà Nội sẽ vẫn diễn ra theo kế hoạch

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung tại Hội nghị giao ban trực tuyến UBND TP quý III/2019 giữa Lãnh đạo UBND TP với lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã về kiểm điểm kết quả công tác chỉ đạo, điều hành 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng công tác cuối năm 2019.

Về công tác cán bộ, TP giao Sở Nội vụ tiếp tục thực hiện Kế hoạch thi tuyển, xét tuyển viên chức làm việc tại các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở công lập trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã của TP Hà Nội năm 2019 theo đúng quy định. Về việc xét tuyển đặc biệt viên chức giáo dục, giao Sở Nội vụ báo cáo, xin ý kiến Bộ Nội vụ để thống nhất thực hiện.

Về phía các quận, huyện, UBND TP đề nghị các đơn vị rà soát, yêu cầu các giáo viên tự đối chiếu các tiêu chuẩn, điều kiện của mình với Nghị định số 161/2018/NĐ-CP của Chính phủ và tiêu chuẩn TP đã hướng dẫn; trên cơ sở đó tập hợp gửi Sở Nội vụ báo cáo UBND TP chỉ đạo giải quyết dứt điểm trong năm 2019.

Như vậy, kì thi tuyển, xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019 của TP Hà Nội vẫn sẽ diễn ra và không có ưu đãi dành cho các GV hợp đồng lâu năm. Việc xét tuyển đặc biệt viên chức giáo dục (nếu có) sẽ được thực hiện thế nào khi TP đã tuyển đủ số giáo viên trong chỉ tiêu tuyển dụng là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Trước đó, tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Nguyễn Đình Hoa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội đã khẳng định, toàn thành phố không có trường hợp nào đủ điều kiện để xét tuyển đặc biệt vào viên chức theo quy định tại khoản 7, điều 2, nghị định 161.

Qua rà soát, UBND các quận, huyện, thị xã đều khẳng định, mặc dù các trường hợp giáo viên có thời hạn lao động hợp đồng 5 năm trở lên nhưng đều là lao động hợp đồng trong các cơ sở giáo dục công lập chưa tự chủ bảo đảm chi thường xuyên. Có một số giáo viên hợp đồng đang giảng dạy tại các trường THPT ngoài công lập nhưng lại không đảm bảo yêu cầu vị trí việc làm.

Tuy vậy, tại công văn số 9028-CV/VPTW ngày 11/3/2019 của Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đồng ý cho phép các địa phương thực hiện xét đặc cách đối với giáo viên đã có hợp đồng lao động từ năm 2015 trở về trước trong chỉ tiêu biên chế, có năng lực, trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng. Quy trình xét đặc cách thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý viên chức.

Giải thích thêm về công văn 9028, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết: Tinh thần chung là những giáo viên đang làm hợp đồng lao động, đã kí hợp đồng lao động từ ngày 31/12/2015 trở về trước, có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì được xem xét tuyển dụng. UBND tỉnh, thành phố xem xét tuyển dụng đặc cách, không qua thi, không theo Nghị định 161. Bộ Nội vụ sẽ sớm có văn bản chỉ đạo các địa phương để thống nhất thực hiện theo các văn bản đã ban hành của Bộ chính trị và Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, Hà Nội có 68.282 biên chế giáo viên, thiếu 12.530 biên chế so với nhu cầu.  Có tổng số 8.394 giáo viên hợp đồng đang giảng dạy. Trong đó, số giáo viên có thời gian hợp đồng dưới 5 năm là 5.664 người; số giáo viên có thời gian hợp đồng lao động liên tục từ 5 năm đến 19 năm là 2.730 người.

Năm 2019, Hà Nội có 11.182 chỉ tiêu viên chức giáo dục (10.949 chỉ tiêu giáo viên, 233 chỉ tiêu nhân viên). Vị trí giáo viên THCS hạng ba có 3.546 chỉ tiêu. Vị trí giáo viên tiểu học, mầm non hạng 4 có 7.443 chỉ tiêu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.