Thơ được mở hội và tôn vinh nơi cửa Khổng sân Trình, trong sự chờ đợi và chào đón của biết bao người trong suốt một năm. Với nhiều người, thơ có thể là cái gì đó phù phiếm, rỗi hơi…
Nhưng, ai đã đến Văn Miếu trong Ngày Thơ đều nhận ra rằng, thơ là sự thiêng liêng, là cõi nhập thế. Điều đó cắt nghĩa và lý giải có những câu lạc bộ thơ rải bạt, mắc lều cách đây 2 - 3 hôm, ngủ tại Văn Miếu để “coi” thơ và đàm đạo thơ cùng bạn bè.
Đau đáu cùng thơ
Nhà giáo, nhà thơ Trần Bá Giao - Nguyên Phó Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT - gương mặt rạng rỡ, tóc hoa râm trang phục tề chỉnh, tay cầm va ly. Nhìn ông cứ ngỡ ông chuẩn bị ra sân bay hoặc chuẩn bị dự Hội nghị gì đó rất quan trọng.
Ngạc nhiên, hỏi, ông cười thú thật: Mang va ly để mua thơ mang về. Nhiều lần ông mong có tập thơ, tập truyện nào của bạn bè hay, ông được mua hoặc được tặng, để viết phê bình, giới thiệu cho các tác giả.. Thì ra trên đời này vẫn có người mong có cơ duyên với thơ như thế. Thật là hạnh phúc cho thơ.
Năm nay trong khuôn viên Văn Miếu, số thơ bán ra gần như không có. Nhưng bên các CLB thơ, thì các tác phẩm được bày la liệt. Có rất nhiều tác giả, vốn đã cao tuổi, trầm ngâm bên các tác phẩm của mình, run rẩy trong từng con chữ, nếu bất ngờ được đọc cho bạn bè nghe.
Nhà thơ Trần Bá Giao tay bắt mặt mừng cùng ông Tâm - Nhà giáo ở Hà Nội. Gần 80 tuổi, ông Tâm cứ hễ nghe nói đến thơ là bồn chồn ruột gan. Lạnh như vậy mà ông chống gậy quanh quẩn bên sân thơ truyền thống rồi ra hồ Văn, mong gặp bạn thơ và được nghe các nhà thơ đọc thi phẩm của mình.
Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Đình Tùng - Nguyên cán bộ Sở GD&ĐT Bắc Ninh - cũng đang náo nức đi tìm bạn thơ. Ông là cây bút gắn bó với báo GD&TĐ bao năm nay qua những trang văn, tùy bút chất chứa nỗi niềm nhân thế, nhất là về ngành Giáo dục. Ông bảo, rất ít khi ông vắng mặt trong ngày Hội thơ Nguyên Tiêu.
Mấy hôm trước, nhà thơ, nhà giáo Hoàng Trung Hiếu điện thoại hồ hởi báo tin: Ngày lễ hội thơ Nguyên tiêu, Hội VHNT Nam Định sẽ cho xe, chở các nhà thơ Nam Định lên dự lễ thơ Văn Miếu. Vui vẻ, háo hức như thể được đi một chuyến du lịch nước ngoài vậy.
Hoàng Trung Hiếu cũng là người nghiêm túc đau đáu với thơ ca. Có những lần nhà giáo ưu tú này chân đau, chống gậy cùng nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Thấn làm cuộc hành trình từ sáng sớm, lên tòa soạn để gửi in thơ cho kịp số Tết. Hai nhà giáo vốn nguyên là Hiệu trưởng ở huyện Ý Yên tâm sự: Vắng mặt trong lễ hội thơ cảm thấy buồn và trống vắng.
Nhà thơ Bùi Tuyết Mai (Dân tộc Mường Hòa Bình) với trang phục truyền thống, trẻ trung, xinh tươi hối hả vào sân thơ trẻ. Tôi nghe thấy bên sân Trẻ các nhà thơ vừa hát, vừa múa khi biểu diễn thơ.
Nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, tác giả nhạc phẩm Bà ơi đang hết mình bởi cá khúc mà anh vừa sáng tác. Các khán giả đều đứng và phụ họa cho các tác giả mà mình yêu thích.
Năm nay, ở khuôn viên Văn Miếu, các NXB không bày bán các tác phẩm của mình như mọi năm. Các ông đồ cho chữ cho thơ cũng không xuất hiện nên có vẻ trống vắng hơn.
Nhà thơ Trần Nhương, mọi khi ngồi ký họa cho bạn thơ dưới gốc cây cổ thụ trong Văn Miếu nay không thấy. Năm trước, nhà thơ đa tài đã khiến không ít người thích thú bởi tài ký họa của mình. Tôi biết cho đến bây giờ nhà thơ Trần Anh Nông vẫn giữ bức ký họa của ông vẽ tặng như giữ báu vật.
Tôi nhìn bốn bề, thấy vắng cả tiếng đàn nhị mà một nghệ sĩ đường phố đã từng kéo hút hồn người nghe khi đến sân thơ Văn Miếu hàng năm.
Có một cái gì đó đã trở nên trống trải, hoài niệm và xa xăm…
Đây là năm thứ 12 diễn ra Ngày thơ Nguyên tiêu. Theo thông lệ, từ tháng Mười, Hội Nhà văn lập ra Ban tổ chức do nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - là Trưởng ban. Tiếp đó, triển khai tới tất cả các Hội Văn học Nghệ thuật trong toàn quốc và một số trường đại học.
Năm nay HNV mời một số trường đại học tham dự Ngày thơ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Nhân dịp này, Tuyển tập 50 năm các thế hệ nhà thơ chống Mỹ dày khoảng 1.000 trang ra đời, trong đó nhiều tác giả không phải là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Lãnh đạo Hội Nhà văn trực tiếp làm việc với các Hội Văn học Nghệ thuật và tham dự ngày thơ ở một số địa phương
Lễ hội thơ – Lễ hội của lòng yêu nước:
Năm nay, kỷ vật của các nhà thơ thời kháng chiến được giới thiệu trang trọng bên cạnh các panô in chân dung, sự nghiệp của các nhà thơ tiêu biểu.
Những gương mặt thân quen đã và đang đi cùng thời đại cho đến bây giờ vẫn mãi còn nguyên giá trị của lòng yêu nước và ý chí giữ nước, bảo vệ Tổ quốc.
Những Tố Hữu, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Mỹ, Chim Trắng, Lưu Quang Vũ, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh, Phạm Tiến Duật, …Những Thanh Thảo, Anh Ngọc, Vương Trọng, Ngô Văn Phú, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hữu Quý…vẫn đang hòa vào dòng chảy thời đại bởi dấu ấn cá nhân và tất cả những gì mà họ đã dành cho đất nước và thơ ca.
Khi những bài thơ nổi tiếng của các nhà thơ Anh Ngọc, Nguyễn Việt Chiến, Vương Trọng, Nguyễn Trọng Tạo… được chính các tác giả đọc lên, đã khiến bao người lặng đi. Trong ký ức của họ, đất nước, cụ thể như hàng cây, cánh đồng, như điệu múa, như chén ruợu say…
Nhưng, đó còn là sắc trắng mênh mang của trời mây biên giới, nơi ẩn chứa bao điều bí mật và thân thương, như một thời mất mát và còn ẩn chức những tháng ngày cần phải thực sự bình yên.
Tổ quốc nhìn từ biển như nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đọc trong cảm xúc tuôn trào lay thức bao con tim, cũng còn là những giông bão chưa bình yên trong tâm hồn bao người.
Tổ quốc, là màu xanh của núi, là sắc trắng của mây, là những con sóng vỗ và cánh hải âu chao liệng trên biển cả, là những cánh buồm rẽ sóng ra khơi…
Một cụ già bỏ kính, đưa mùi soa lên lau mắt khi nghe hai nhà thơ Anh Ngọc và Nguyễn Việt Chiến đọc thơ. Những bài thơ, ca khúc đi cùng năm tháng đã sống dậy và khiến lòng người rưng rưng trong lễ hội thơ lần này.
Các nhà thơ đã lay thức tận con tim biết bao người bởi sự xúc động mạnh mẽ, sâu lắng và trào dâng như thế.
Nhiều tác giả, trong các CLB thơ ở nhiều địa phương, trong trang phục hải quân, ngực đeo nhiều huận chương, huy hiệu trong kháng chiến, mái đầu bạc phơ, diễu hành và cổ vũ trên sân thơ truyền thống.
Đó là sức lan tỏa của thơ, cũng là sức lan tỏa của con tim, của lòng yêu nước.
Điều đó lý giải tại sao thơ vẫn mãi mãi là ngôi đền thiêng mà còn rất nhiều người muốn đặt chân đến, nếu không thể, cũng để một đôi lần ngưỡng mộ trong đời.
“Ngày thơ Việt Nam 2014 có quy mô toàn quốc. Ngoài Hà Nội, các tỉnh, thành phố trên khắp mọi miền đất nước tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, tôn vinh những giá trị của thơ ca. Có 7 tỉnh tham dự Ngày thơ tại Văn Miếu.