Theo đó, đường dây xuyên biên giới này chuyên tống tiền hàng trăm nạn nhân là cán bộ, doanh nhân, công chức, bằng chiêu trò phát tán video nhạy cảm.
Chuyên án của Công an tỉnh Quảng Trị bắt đầu từ ngày 26/2 đến 3/3/2025, phối hợp với Công an các tỉnh và các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an đã triệu tập, đấu tranh với 15 đối tượng trong nước và vận động 5 đối tượng ra đầu thú.
Ổ nhóm do người nước ngoài (Đài Loan, Trung Quốc) cầm đầu, với khoảng 150 đối tượng, hoạt động tinh vi tại khu Kimsa3, TP. Bavet, Campuchia, gần cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh . Các đối tượng tổ chức thành từng bộ phận rõ ràng: “Quản lý”, “Tìm kiếm mục tiêu”, “Nuôi khách”, “Tạo cảnh nhạy cảm”, “Tống tiền” và “Rửa tiền” qua USDT.
Ban đầu, nhóm tội phạm sử dụng tài khoản ảo trên Zalo, Facebook, mạo danh phụ nữ đơn thân để tiếp cận nạn nhân, dần tạo dựng niềm tin, thu thập video, ảnh nhạy cảm rồi đe dọa, cưỡng đoạt tài sản. Nhiều người dù biết mình là nạn nhân nhưng vẫn không tố cáo vì sợ ảnh hưởng danh dự, sự nghiệp.

Giai đoạn tiếp theo, từ 6–7/4/2025, lực lượng phối hợp với phía Campuchia tổ chức triệu tập và bắt giữ các đối tượng tại tòa nhà 16, khu Kimsa3 . Tổng cộng, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố 25 bị can về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 1 người bị khởi tố thêm tội “Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài”.
Theo kết quả điều tra sơ bộ, trong số 20 tài khoản ngân hàng được lập để nhận tiền tống tiền, có 11 tài khoản bị phát hiện đã nhận gần 300 tỉ đồng từ các nạn nhân .
Việc xử lý có sự chỉ đạo sâu sát từ Bộ Công an và Công an các địa phương qua nhiều giai đoạn, cả trong nước và ngoài lãnh thổ Việt Nam, đã minh chứng cho nỗ lực xuyên biên giới trong chống tội phạm công nghệ cao hiện nay.
Hiện vụ án đang tiếp tục điều tra, mở rộng để làm rõ động cơ, vai trò của các đối tượng, đồng thời hướng dẫn nạn nhân tự giác cung cấp thông tin, hỗ trợ cơ quan chức năng.