Nhà văn có cần 'dè chừng'… AI?

GD&TĐ - Liệu AI có thể 'xâm lấn' thế giới văn học, từ đó 'cạnh tranh' mạnh mẽ với văn nhân không?

Nhà văn đừng lạm dụng để rồi bị lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa: ITN.
Nhà văn đừng lạm dụng để rồi bị lệ thuộc vào trí tuệ nhân tạo. Ảnh minh họa: ITN.

Khi bàn về câu chuyện, liệu AI có thể “xâm lấn” thế giới văn học, từ đó “cạnh tranh” mạnh mẽ với văn nhân không, nhiều người dù tự tin cho rằng khó đấy nhưng không quên cảnh báo vẫn phải “dè chừng”!

Không ít kinh ngạc

Lấy dẫn chứng từ việc thử ra đề bài và yêu cầu soạn thảo, dịch, viết lý luận phê bình tác phẩm văn học, phần lớn văn nhân đều bày tỏ sự kinh ngạc thậm chí “ngưỡng mộ” về sự đáp ứng thần tốc của AI.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ về phép thử nghiệm ông dành cho trí tuệ nhân tạo khi lấy bài thơ “Ta của xứ Đoài” làm mẫu rồi yêu cầu: Làm bài thơ 7 chữ, 5 chữ rồi lục bát cho đề tài đó. Và chỉ trong 10 giây, AI lần lượt đưa ra các bài thơ có cấu trúc và vần điệu đúng ngữ pháp mà nhà thơ “đặt hàng”.

Hay như khi ông gửi lệnh: “Làm bài thơ lục bát về nỗi cô đơn của những người yêu nhau mà không đến được với nhau”, thì cũng chỉ khoảng 10 giây đã có sản phẩm. Chưa so sánh cụ thể về thi tứ, cảm xúc mà chỉ nhìn về tốc độ sáng tác thì chủ nhân của bài thơ gốc đã không khỏi kinh ngạc: “AI làm mỗi bài thơ trong có 10 giây, còn tôi khi làm bài thơ “Ta của xứ Đoài” năm 2000 in báo Văn nghệ phải tốn khoảng nửa ngày và dựa trên trải nghiệm của nhiều năm sáng tác”.

Nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học Vũ Nho cũng cho rằng, AI có thể làm thơ. Theo ông, thơ của trí tuệ nhân tạo không đến nỗi dở hơi hay ngô nghê. “Thơ AI làm có thể không xuất sắc, không độc đáo, không hay bằng các nhà thơ tài năng (số này ít thôi), nhưng vẫn là khá hơn so với những nhà thơ trung bình. Tôi e rằng, những bài thơ AI làm hộ cho người, họ đem gửi một số tòa soạn, chắc chắn sẽ được dùng. Vì thơ của chúng ta nhiều, nhưng các bài xuất sắc thì đâu có nhiều!”, ông nhận định.

Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên cũng từng kể về chuyện ông đặt lệnh yêu cầu Chat GPT “làm hộ một bài thơ tự do về tháng Tám” và chỉ sau 30 giây là có những câu thơ khá ngọt ngào: “Tháng Tám, cánh đồng xanh nhường vàng lúa chín/ Bóng dáng người nông dân bận rộn vụ mùa/ Làng quê thơm nồng mùi rơm rạ mới/ Mắt ai sáng lên trong nắng chiều nghiêng…”. Trước sự sáng tác thơ… nhanh như chớp của trí tuệ nhân tạo, nhà thơ mách vui: “Thôi, thơ đến nước này, các ông bà chịu khó tải về, 30 giây một bài, một ngày mèng mèng một tập…”.

Ở lĩnh vực dịch tác phẩm văn học, dịch giả Trần Hậu đưa dẫn chứng bản dịch bài thơ “Cô đơn” (Ivan Bunin) của AI và đánh giá là “không tồi”, trong đó có những câu: “Hôm nay, những đám mây vẫn kéo đến,/ Liên tiếp, từng lớp từng lớp./ Dấu chân em dưới mưa trước hiên,/ Nhòa đi, đẫm nước./ Tôi đau lòng nhìn vào bóng tối,/ Chiều tà xám xịt…”.

Điều này cũng được nhà nghiên cứu Vũ Nho xác nhận khi chia sẻ việc ông thử sử dụng phần mềm dịch trong Google và thấy rằng những đề mục, câu đơn giản được công cụ này dịch khá chuẩn. Ông đã dùng công cụ này để dịch một số văn bản rồi hiệu đính và “kết quả khả quan”.

Nhà thơ Trần Đức Anh cũng cho rằng, AI là ứng dụng tốt cho việc xuất khẩu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Những câu chuyện, bối cảnh, vấn đề tương đồng AI chuyển ngữ rất tốt. Còn với những yếu tố đặc thù của mỗi quốc gia thì cần qua bước biên tập cho phù hợp với độc giả của thế giới, nhất là khi dịch thơ, nếu có tương tác tốt như diễn giải câu thơ có nhiều ẩn dụ, hàm nghĩa sao cho phù hợp thích hợp với người đọc nước ngoài là AI có thể làm được.

Với viết văn, AI thể hiện một “khả năng” ấn tượng. Chẳng hạn, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng khoe việc ông thử ra lệnh cho trí tuệ nhân tạo viết điếu văn cho mình và chỉ sau 2 giây đã nhận được bài viết không chỉ xúc động, ám ảnh, lâm ly mà còn nhắc đến đầy đủ các tác phẩm, trong đó có những sáng tác từ thời nào song chính tác giả còn không nhớ rõ.

Rồi thì nhà thơ còn nhờ AI viết lời giới thiệu cho cuốn sách thiếu nhi sắp ra mắt và tiếp tục thu nhận kết quả khó tin với một bài chất lượng tốt. Nhân đó, ông đưa cho tác giả của cuốn sách xem rồi khuyên không nên in bởi “viết thua cả robot”.

Còn khi nhận yêu cầu từ nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bình bài thơ “Chiều xuống rồi về nhà đi con” của ông, AI có đáp án chỉ sau một phút. Nhà thơ đã đăng tải bài viết do AI soạn thảo trên trang cá nhân để bạn văn rộng đường cho ý kiến. Không ít người bày tỏ sự “choáng”, không thể nghĩ đó là do AI thực hiện vì bài bình quá chỉn chu, xác đáng, chi tiết, cụ thể. “Bình thơ chi tiết và cụ thể, đâu ra đấy. Cuộc sống của chúng ta sẽ căng vì AI, nhưng cũng được nhờ rất nhiều từ nó”, nhà thơ Nguyễn Thế Kiên bày tỏ.

Nhìn một cách tổng quát, nhà văn Vinh Huỳnh cho rằng, AI giúp người viết hợp lý hóa quy trình viết lách, cải thiện kỹ năng viết và tạo ra một nội dung có chất lượng. Những AI cao cấp trong văn chương có khả năng viết “tái tạo” cao hơn mức trung bình, bài viết có thể có chất lượng cao hơn một người bình thường viết về cùng một đề tài.

“AI dùng tốc độ nhanh, bộ nhớ mênh mông, duyệt xét, chọn lựa ý tưởng, từ ngữ, văn phạm, phong thái diễn đạt, theo những tiêu chuẩn có dạng mở rộng rồi đưa ra quyết định ráp thành câu viết. Tất cả quá trình này chỉ trong một khoảnh khắc “chưa kịp thở”, ông Huỳnh bày tỏ.

Bên cạnh đó, ông Huỳnh còn gọi Chat GPT và các lập trình tương tự là “những thần đồng điện tử” có thể viết ra một cuốn tiểu thuyết trinh thám, điển hình là cuốn “Cái chết của một tác giả” mà nhà tiểu thuyết và phê bình Stephen Marche tạo ra chủ yếu từ “chatbot”. Đến GPT-3, các văn bản được viết ra không chỉ gần với trình độ con người mà còn sáng tạo, hóm hỉnh, sâu sắc…

van-nhan-co-can-de-chung-voi-ai-5906.jpg
AI có thể là 'trợ lý' giỏi để nhà văn sáng tạo những tác phẩm hay. Ảnh minh họa: Bình Thanh.

Nhưng đừng sợ hãi!

Theo nhà nghiên cứu phê bình Vũ Nho, phải thừa nhận AI là một thành tựu của khoa học. Khoa học kỹ thuật tạo ra các công cụ tốt, nâng cao năng suất nhiều lần so với người bình thường. AI không là ngoại lệ.

Theo quan sát cá nhân, ông thấy AI thông minh hơn một người bình thường. AI làm thơ có thể chưa thật hay, nhưng chắc chắn là hơn đứt những nhà thơ trung bình vốn rất đông. Việc viết truyện hay viết phê bình thì cũng đáng kinh ngạc, AI làm khá tốt.

Thực tế này khiến không ít mối lo được đưa ra, nhất là khi AI ở phiên bản hoàn thiện hơn, liệu nhà phê bình văn học có phải gác bút cũng như làm thế nào để biết được đâu là bài viết của chính con người?.

Thế nhưng, không hẳn như thế khi trước những câu văn phức tạp, nhất là những câu thơ AI bộc lộ sự “yếu kém” vì dịch không chuẩn, có khi ngô nghê. Khả năng phê bình văn xuôi của AI cũng chưa được thể hiện đối với một tập truyện ngắn, tiểu thuyết hay tập thơ. Vì thế mà những nhà văn chuyên về phê bình văn học có thể an tâm AI không thể thay làm hết mọi việc và tranh hết thị phần.

“Phải thừa nhận là AI thực hiện các yêu cầu làm thơ, dịch, phê bình văn học rất nhanh. Thời gian “hai giây”, “hai mươi giây” hoặc “một nốt nhạc”, cho thấy ưu thế ghê gớm của AI so với con người, dù đó là nhà phê bình, nhà thơ hay nhà văn tài ba chăng nữa!.

Tuy vậy, con người mới là yếu tố quyết định. Những nhà thơ, nhà văn, phê bình, dịch thuật ưu tú không sợ sự cạnh tranh của AI hoặc ASI. Nhưng nếu họ sử dụng trí tuệ nhân tạo một cách hợp lí, sáng tạo, (nói cách khác họ nhờ AI trợ giúp), chắc chắn công chúng sẽ được thưởng thức nhiều tác phẩm đỉnh cao, thú vị!”, ông Nho nhấn mạnh.

Còn nhà thơ Trần Đăng Khoa thì cho rằng, thơ là những rung động của tâm hồn, cảm xúc mà chỉ con người mới hiểu, mới truyền tải được trong khi AI là các tính toán và phân tích dữ liệu, không thể chạm đến tâm tư sâu thẳm của con người. Vì vậy, hiện chỉ có nhà văn phải cạnh tranh gay gắt với trí tuệ nhân tạo.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cũng minh chứng từ việc yêu cầu AI làm bài thơ cùng chủ đề “Cát đợi” – một sáng tác của ông. Qua đây ông nhận thấy máy làm thơ không vượt qua được con người trong thơ lục bát.

Ông cũng chia sẻ rằng, ngay bản thân AI cũng phải thừa nhận trí tuệ nhân tạo chỉ xử lý ngôn ngữ dựa trên sự liên kết giữa các từ và ngữ pháp, nhưng không thực sự hiểu ngữ cảnh sâu sắc của một tình huống, một sự kiện hay một chủ đề. Điều này dẫn đến thơ của AI có thể hợp lý về mặt ngữ pháp nhưng thiếu chiều sâu về ý nghĩa và sự gắn kết với cảm xúc thực tế.

Cùng với đó, AI dựa vào các mẫu dữ liệu lớn từ các bài thơ và ngôn ngữ mà nó đã học, nhưng thiếu khả năng sáng tạo thực sự. Những bài thơ của AI thường theo một khuôn mẫu nhất định, khó có được sự phá cách, sáng tạo mới lạ hay ngẫu hứng bất ngờ, những yếu tố thường làm nên sự độc đáo của thi phẩm.

“Mặt khác, thơ ca không chỉ là sự sắp xếp từ ngữ mà còn là cách thể hiện những cảm xúc phức tạp và sâu xa mà con người trải qua. Con người sáng tác thơ từ những trải nghiệm cá nhân; từ nỗi buồn, niềm vui, sự cô đơn, tình yêu; hay nỗi đau. AI không có khả năng cảm nhận và trải nghiệm những cảm xúc này, do đó thiếu đi chiều sâu cảm xúc thật sự.

Thơ ca thường sử dụng nhiều biểu tượng, ẩn dụ để truyền tải những ý tưởng trừu tượng và cảm xúc một cách tinh tế. AI có thể sử dụng các ẩn dụ đã học từ dữ liệu, nhưng khó có thể hiểu hoặc tạo ra những ẩn dụ mới mẻ và độc đáo mà không rơi vào sự máy móc hoặc sáo mòn”, ông Chiến nhấn mạnh.

Nhà văn Trần Đức Anh cũng cho rằng, trí tuệ nhân tạo làm khá tốt về văn xuôi, là công cụ viết phê bình rất đắc lực song viết thơ là dở nhất. Dù ngày càng phát triển quá sự tưởng tượng của con người song đối với lĩnh vực sáng tác, thơ do trí tuệ nhân tạo soạn thảo đến thời điểm này không có sự hiện diện của chủ thể sáng tạo.

“Dự báo 10 năm nữa tính chủ thể ấy chưa giải quyết được nên AI vẫn dừng ở một công cụ. Cùng với đó, AI không thể nào sáng tạo thêm ngôn ngữ mà chỉ là soạn thảo từ ngôn ngữ do con người cung cấp, dùng ngữ pháp sẵn có. Ngôn ngữ thay đổi theo tiến trình phát triển của loài người chứ không theo máy móc và sự phong phú của ngôn ngữ có công rất lớn từ các thi phẩm.

Điều đó cũng cho thấy văn chương vẫn do con người thống trị lâu dài. Là công cụ hỗ trợ thông minh, AI kích thích các nhà thơ đào sâu về nghệ thuật ngôn từ và tìm ra những con đường sáng tạo mới”, Đức Anh nhấn mạnh.

Ngoài ra, anh cũng cho rằng, nhiều người lạm dụng AI nên trở thành phụ thuộc, giảm sức sáng tạo, thậm chí còn gian lận trong sáng tác một cách tinh vi, khó phát hiện. Để trở thành người dùng thông minh thì nên “giao việc” thiên về kỹ thuật cho AI, như: Tổng hợp tư liệu, cập nhật tin tức, nghiên cứu mới, có thể cải thiện hình thức trình bày, biên tập ý…, từ đó dành thời gian cho tư duy, đi tìm ý tưởng, triết lý, điểm sáng nghệ thuật…

“Vấn nạn lớn nhất của trí thông minh nhân tạo là cảm xúc. Không có nghệ thuật sáng tạo nào có thể thiếu cảm xúc. AI chưa có và chưa biết cảm xúc… Nếu AI muốn sáng tạo văn chương, AI phải tạo ra cảm xúc đồng thời với ngôn ngữ”. Nhà văn Vinh Huỳnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ