Tại phòng thăm nuôi ở trại giam Stewart, vùng hẻo lánh của tiểu bang Georgia, ông bố 31 tuổi ấn mạnh bàn tay mình vào cửa sổ để có thể tới gần con nhất có thể, trong khi em bé hầu như không thể nghe được tiếng của anh.
"Bé muốn được bố bế nhưng hai bố con bị ngăn cách bởi lớp kính", Tammy Nguyen, mẹ bé Chari nhớ lại. Hôm đó là vào tháng 11/2017, chị đã lái xe 3 tiếng tới thăm chồng. "Tôi cố gắng đặt tay Chari tới chỗ tay bố bé để anh ấy có thể cảm nhận được sự gần gũi với con", Tammy nói.
Bốn tháng sau, Dy vẫn bị giam và không biết tới khi nào mới được thả. Anh là một trong số hàng nghìn người Việt Nam ở Mỹ đang có nguy cơ bị trục xuất bởi chính sách thắt chặt nhập cư của Tổng thống Donald Trump.
Văn phòng tư vấn pháp lý người Mỹ gốc Á - nhóm đại diện cho Dy tại tòa, đã kiện chính phủ Mỹ về việc giam giữ những người nhập cư Việt Nam và đe dọa trục xuất họ trở về đất nước mà nhiều người trong số đó không hề biết tới.
"Sự thay đổi trong chính sách quá đột ngột và thực sự quật ngã nhiều người trong cộng đồng này", Phi Nguyen, người đứng đầu tổ chức tư vấn pháp lý cho người Mỹ gốc Á ở Atlanta (thủ phủ bang Georgia) nói.
Theo một thỏa thuận giữa hai nước, người tị nạn không bị trục xuất quay lại Việt Nam nếu họ đến Mỹ trước 1995. Trước khi Trump nắm quyền, điều đó có nghĩa là những người tị nạn đã định cư chính thức lâu dài nếu có tiền án thì sẽ không bị giam giữ vô thời hạn, chịu lệnh trục xuất, mà chỉ bị giám sát sau khi chịu án phạt.
Tuy nhiên, từ tháng 3/2017, Cơ quan thực thi Di trú và Hải Quan Mỹ (ICE) bắt đầu bắt giữ những người tị nạn Việt Nam, đe dọa trục xuất họ. Vụ kiện tập thể lần này nhằm bảo vệ cho tất cả người Việt đến Mỹ trước năm 1995, đang đối mặt với lệnh trục xuất và bị ICE giam giữ hơn 90 ngày. Theo các luật sư, có gần 40 người tị nạn thuộc trường hợp này và khoảng một nửa trong số họ đã bị giam hơn 6 tháng.
Người phát ngôn ICE, Brendan Raedy, nói với Guardian rằng hơn 8.600 người Việt đang nhận lệnh trục xuất "cuối cùng" và hơn 7.800 người trong số đó có tiền án.
Phi Nguyen,Văn phòng tư vấn pháp lý người Mỹ gốc Á, đang trả lời truyền thông trong một cuộc họp báo liên quan tới vụ khởi kiện người nhập cư Việt bị giam giữ không rõ thời hạn.Ảnh:Firenews. |
"Bạn không thể đối xử với con người như thế này", Lisa Dotson, em gái của Hoang Trinh, 41 tuổi, một người Việt đến Mỹ khi mới 4 tuổi và bị bắt giam từ mùa hè năm ngoái, nói. "Chia rẽ gia đình và khiến các thành viên phải xa cách là điều quá khắc nghiệt. Điều này chẳng tốt cho ai hết".
Gia đình anh Trinh đã tạo dựng được một tiệm bánh tại California sau khi rời khỏi Việt Nam. Anh có hai con tuổi teen và không còn người thân nào ở Việt Nam. Anh đang đối mặt với lệnh trục xuất vì từng ngồi tù một năm vì tội buôn bán chất gây nghiện.
Trinh kể với em gái và luật sư rằng anh bị giam trong một ô nhỏ suốt 23 tiếng một ngày. "Bạn sẽ phát điên nếu ở đó lâu", chị Dotson bức xúc. "Anh ấy đã bỏ lỡ nhiều cột mốc lớn và không được chứng kiến lễ tốt nghiệp trung học của con gái. Thật kinh khủng khi nghĩ tới việc liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu anh tôi bị trục xuất", người em chia sẻ.
Dy Nguyen rời khỏi Việt Nam khi 3 tuổi, là kỹ thuật viên lắp đặt hệ thống an ninh trước khi bị bắt giam. Anh đối mặt với lệnh trục xuất vì một vụ trộm năm 2010. Vợ anh, Tammy, kể chồng mình đã chịu án phạt và thay đổi - trở thành một người hoạt động tích cực tại nhà thờ và các nhóm trẻ. Anh tham gia các buổi nói chuyện về quá khứ sai lầm của bản thân để giúp những người khác tránh vết xe đổ. "Ai cũng xứng đáng có cơ hội thứ hai. Anh ấy giờ là một người đàn ông hoàn toàn khác", người vợ 31 tuổi nói. Cô từ Việt Nam sang Mỹ khi 7 tuổi và đang làm y tá.
Tammy cho biết, nhân viên của ICE đã xuất hiện tại nhà họ hồi tháng 11 và ban đầu chỉ đưa anh đi vì một vấn đề giấy tờ nhỏ. Các nhân viên này yêu cầu Tammy mang cho chồng vài đôi tất, một số vật dụng cá nhân và bảo Dy - khi ấy đang bế con, rằng hãy trao con cho vợ. "Thành thật mà nói, tôi cảm thấy như nhận án tử nếu anh ấy bị trục xuất", cô bộc bạch.
Hiện tại, Dy bị chuyển tới một trại giam xa hơn khiến vợ anh không thể tự lái xe đưa con gái đến thăm bố nữa. Bây giờ, họ trò chuyện với nhau qua cuộc gọi video - phương tiện ngày càng phổ biến trong các trại giam và nhà tù Mỹ. Chari bò đến chiếc máy tính nơi cô bé nghe thấy tiếng bố, rồi đập vào bàn phím. "Con bé rất phấn khích mỗi lần nhìn thấy bố", Tammy kể. Con không khóc giống như hồi đến thăm bố ở trại giam. Cô bé giờ 9 tháng và đã quen với việc nhìn thấy cha trên màn hình máy tính.
Người phát ngôn của ICE cho biết họ đã trục xuất 71 người Việt trong năm 2017, gấp đôi con số năm 2016.