Ông bố hài hước: Bán con được đôi ba tỷ...

GD&ĐT - "Con giờ lớn rồi, hay bướng, cãi lý, nuôi không thích nữa, bán đi được đôi ba tỷ, kinh tế khá lên rồi lại đẻ đứa khác", anh Hoàng viết.  

Chăm sóc, nuôi dạy hai con rất vui, nhưng cũng rất mệt, rất phiền. Bài viết hài hước của anh chạm đến tình cảnh của nhiều gia đình nên được rất nhiều người đồng cảm. Ảnh: NVCC.
Chăm sóc, nuôi dạy hai con rất vui, nhưng cũng rất mệt, rất phiền. Bài viết hài hước của anh chạm đến tình cảnh của nhiều gia đình nên được rất nhiều người đồng cảm. Ảnh: NVCC.

Anh Việt Hoàng (nhà báo ở Hà Nội) có con gái 6 tuổi và con trai 5 tháng tuổi. Hai vợ chồng với hai con nhỏ, công việc cơ quan bề bộn, sáng nào anh Hoàng cũng vắt chân lên cổ mà vẫn lo con bị muộn học. Mới đây anh chia sẻ câu chuyện "muốn bán con", nhưng chẳng những không bị phản đối, còn khiến dân mạng ôm bụng cười. Bài viết của anh ngay sau vài ngày đăng tải đã có gần 9.000 lượt thích.

"Có hai đứa con, đó là điều tuyệt vời nhất nhưng cũng là điều phiền phức nhất của cuộc đời này. Lắm lúc mệt quá, bận quá, bấn tiền quá, hai vợ chồng tôi đã bàn, hay mình bán đi một đứa. Con lớn giờ nó lớn rồi, hay bướng và hay cãi lý, nuôi nó không thích nữa, bán đi được đôi ba tỷ, kinh tế nhà ta khá lên sau rồi lại đẻ đứa khác. Cơ mà bàn mãi chưa thống nhất được giá rổ nên chưa bán.

Buổi sáng của tôi ôi giời ôi. Tôi phải trổ hết mọi tài nghệ để gọi con lớn dậy. Mà vừa gọi, vừa lo, vừa ức chế. Quái thật chỉ lo nó muộn học. Mà nó đi học chứ mình có đi đâu. Tôi hò, đồng chí Na, Na, Na, Na... dậy đi, bố không nói nhiều nhé. Nó bảo, từ nay bố đừng gọi con là Na nữa, con không thích cái tên này. Tôi trợn mắt lên, thế con thích tên nào, nó bảo để con nghĩ, xong rồi lại ôm chăn ngủ tiếp. Tôi lại gọi Na, Na, Na nó lại bảo bố đừng gọi, để con nghĩ. Nó cãi như chém chả, giời ôi.

Gọi được nó dậy xong tôi chạy bay phơi phới hò nó đi vệ sinh, đánh răng rửa mặt rồi lại hò nó ăn. Vừa ăn nó vừa hỏi con siêu nhân này bố nhìn thấy tí nó to không, sao bố ngốc thế, nó là siêu nhân gái... Đại loại phải tìm mọi cách mà "stop" cái mồm liến thoắng của nó để nó nhai thức ăn. Buổi sáng không bao giờ vợ tôi làm các món thịt bò vì có khi nó nhai và chắt nước, miếng thịt bò biến thành tơ sợi, đem dệt thành lụa được.

Xong ăn uống thì đến yêu cầu nó mặc quần áo. Cái áo này ngứa lắm, quần này bọn con trai bảo quần ngủ, con không thích váy, giày này hôm qua con giẫm phải phân chó rồi... Nó chỉ im mồm khi tôi chạy vào gian bếp rút con dao phay ra (đùa đấy). Tôi chỉ nghĩ sẽ rút con dao nào thôi chứ chưa rút.

Còn việc buộc tóc cho nó. Bây giờ tôi là thiên tài. Từ một cái đầu tổ quạ, tôi biến thành tổ công trong nháy mắt.

Xong hết các việc cho nó, phóng xe đưa nó đi, dọc đường chỉ lo trống đánh tùng tùng mấy nhát, mà tôi muốn són ra quần. Chả hiểu sao lại lo thế. Cũng vì lo thế nên một lần sắp xếp được kèo với bạn gái cũ, đang ngồi cà phê sắp cầm lại được tay nhau thì trường bên cạnh gõ tùng tùng tùng... Tôi xây xẩm mặt mày rồi bảo, muộn, muộn rồi. Bạn gái tôi lo bị trúng gió cứ lấy dầu gió xức vào mũi, tai. Tôi bất giác ứa nước mắt tự hỏi, tuổi trẻ của bố đâu, thời thanh niên sôi nổi đâu rồi các con ơi? Nghĩ xong cắp đít về. Không hẹn hò gì nữa.

Về thằng em, thằng này nứt mắt ra đã biết bao bọc phụ nữ rồi. Cứ đến lúc phải rửa bát, lau nhà thì nó ré lên. Vợ tôi lại quăng hết rồi bảo anh ơi, anh ơi con khóc. Mà nó cũng thích sữa cam. Đại loại hôm nào vắt cam thì thấy vợ bảo, đấy, anh thấy nó đủ vitamin, nó ngủ ngon chưa? Tôi nghĩ, đến lúc nó ăn dặm có khi cũng bán được đôi ba tỷ.

Tóm lại, mỗi tuần tôi chỉ mong đến sáng thứ 7, chủ nhật. Cả nhà nằm ngủ nướng đợi nắng xiên qua cửa sổ, ngủ chán tôi sẽ vùng dậy, nhìn hai đứa vẫn ngủ lăn quay và tự hỏi, bán đứa nào, đứa nào đã nuôi chán rồi, đứa nào thì được giá. Ôi tuổi trẻ của bố đâu rồi...

Theo VnExpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.