Quan tâm cả đến đồng môn khóa sau
PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Chủ nhiệm Khoa Ngữ văn, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV, nguyên Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội - vừa là một “người em” đồng môn, một cấp dưới trong công việc nên có nhiều cơ duyên tiếp xúc với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đời sống đời thường cũng như trong công việc.
Với tình cảm gần gũi, chân thành của mình đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, PGS.TS Phạm Quang Long chia sẻ rằng: "Tôi nghe đồng môn Khoa Ngữ văn kể lại khi họp lớp, có người nhắc ông “giờ ông làm to thế (Chủ tịch Quốc hội), ông cần quyết liệt hơn. Ông tốt nhưng hiền quá. Phải dùng quyền lực của mình để ngăn chặn cái xấu chứ chỉ lo giữ mình thì…”.
Ông nhỏ nhẹ nói: "Các bạn nghĩ vậy à? Mình sẽ cố gắng”. Ông không tỏ thái độ gì, cũng không giải thích.
Khi lớp tôi in cuốn “Mùa Thu tôi yêu” tập 1, không biết vì sao sách đến tay ông, ông nói với các bạn đồng khóa, đại ý: Nếu lớp ta in kỷ yếu, nên làm một cuốn hay như cuốn K.15 đã làm. Đã làm thì làm cho tử tế. Không ngờ ông đọc cả những câu chuyện thời sinh viên của các đồng môn lớp sau và muốn khóa mình cũng nên làm một cuốn thật “cẩn thận”.
Tôi có đôi lần được tham gia đoàn công tác của ông. Ông không muốn đoàn có xe cảnh sát dẫn đường rú còi inh ỏi. Ông bảo bật đèn để người đi đường dễ nhận ra có xe khác là đủ, rú còi khiến người ta giật mình là không nên. Ông nói với mọi người “anh em địa phương quý thì mới mời mình ăn uống này nọ. Nhưng như thế vất vả cho anh em lắm. Mình cũng không nên cầu kỳ. Với lại, ăn thì cũng đến đủ thì thôi, cầu kỳ làm gì. Đừng lãng phí”. Ông lo cả đến chuyện nhỏ mà lo thật lòng chứ không mầu mè, làm dáng.
Ông có lần dặn anh em chúng tôi: Làm văn hóa khó lắm vì có phải ai cũng hiểu đúng đâu. Nhiều cái màu mè, hình thức mà cứ tưởng đấy mới là cái mình cần phấn đấu là nguy hiểm lắm. Đừng làm theo kiểu phong trào. Phong trào cũng cần nhưng thực chất mới quan trọng. Thực chất là gì? Là con người, là bình an và hạnh phúc. Phải coi trọng văn hóa hơn. Đừng đặt mục tiêu Hà Nội là trung tâm kinh tế hàng đầu nhưng văn hóa phải là hình mẫu, là hàng đầu của cả nước.
Xóa bỏ sự cách biệt về địa vị xã hội
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều tình cảm đặc biệt cho văn nghệ sĩ, trí thức của đất nước. Sự ra đi của Tổng Bí thư đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong mọi tầng lớp Nhân dân, các văn nghệ sĩ đã thực sự xúc động, nghẹn ngào với những tình cảm chân thành, sâu lắng.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: "Tôi là người cùng học với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại khóa 8 Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (1963 - 1967). Ngay từ những năm học dưới mái trường, anh Trọng đã bộc lộ thiên tư đáng quý. Anh kính thầy, yêu quý bạn bè, sống có lý tưởng và hoài bão.
“Mọi người trong lớp đều trân quý, mến mộ và tin cậy anh. Sau này, khi rời ghế nhà trường, dù lập thân lập nghiệp ở các cương vị khác nhau nhưng đối với những người bạn cũ, anh Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn gắn bó thân thiết mà không có sự cách biệt về địa vị xã hội”, nhà văn Nguyễn Ngọc Thiện chia sẻ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến - người cùng học lớp Ngữ văn khóa VIII - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhớ lại: "Hồi đó, lớp có nhiều độ tuổi khác nhau. Là một người gương mẫu, anh Nguyễn Phú Trọng được tin tưởng giữ trọng trách Bí thư Chi đoàn lớp. Anh là người nghiêm túc và đúng giờ, có lần họp đoàn chúng tôi còn mải mê đá bóng, văn nghệ nên đến trễ nhưng anh cứ đúng giờ là lên ngồi đúng vị trí, giở sổ ra điều hành công việc. Anh dù không khiển trách ai ghê gớm nhưng sau này chúng tôi noi gương anh mà thực hiện đúng giờ. Để thấy rằng, anh là người có khả năng hướng dẫn người khác bằng chính việc làm, hành động cụ thể của mình.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc chia sẻ: “Ấn tượng của tôi về bác là một người rất hào hiệp, giản dị nhưng toát lên vẻ thanh lịch và sang trọng, gần gũi, không có khoảng cách nào giữa một người lãnh đạo với nghệ sĩ chúng tôi. Tình cảm mà bác dành cho nghệ sĩ, nhất là người làm âm nhạc dân tộc dân gian như tôi là điều vô cùng đáng trân quý.
Trong cuộc trò chuyện, tôi cảm nhận được việc giữ gìn những nét văn hóa cổ truyền của dân tộc cũng là điều mà bác luôn tâm huyết. Khi nghe tôi trình bày những công việc mình đang thực hiện để nỗ lực giữ gìn nghệ thuật âm nhạc dân tộc cổ truyền, bác rất trân trọng và động viên dù có khó khăn đến mấy cũng cố gắng giữ gìn cho đất nước. Đó cũng chính là động lực vô cùng lớn lao với tôi trên con đường nghệ thuật mà mình đã và đang đi”.
Khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhà thơ Trịnh Công Lộc đã xúc động viết những vần thơ như nén tâm nhang kính nhớ: “Bác Trọng xa giữa những ngày tháng 7/ Tháng linh thiêng cả nước tri ân/ Trời Hà Nội mấy ngày mưa nặng hạt/ Dòng người đi lặng lẽ âm thầm/ Tiễn biệt Bác! Bác Trọng ơi tiễn biệt!/ Trọn một đời bình dị sắt son/ Giữa ánh sáng trong ban mai tinh khiết/ Tinh khiết Hồ Chí Minh và thế giới người hiền/ Người mất đi gia tài để lại/ Đâu phải nhà cao, đất rộng, bạc vàng/ Đâu phải thứ dễ bày ra ăn được/ Mà chính con đường đưa đất nước vinh quang/ Xin được thắp tâm nhang nhớ Bác!/ Vẫn như còn thấy Bác giữa đàn em/ Công việc lớn, Bác vẫn cùng gánh vác/ Cho đất nước, người dân hạnh phúc, hòa bình”.
“Không ít kẻ đã ngã lòng, đã sống hai mặt, nhưng ông - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không. Chỉ riêng việc ông dám dấn thân đến cùng vào con đường chống cái ác, cái xấu, nghĩ sao sống thế, kiên định sự lựa chọn của mình, sống cho người khác, giữ mình liêm chính thì đã xứng danh kẻ sĩ, rất đáng kính trọng. Vĩnh biệt ông - một con người đáng kính”, PGS.TS Phạm Quang Long nói.