Tính cách Nam bộ trong truyện dân gian

GD&TĐ - Những lưu dân người Việt cùng các tộc người chung sống đã lao động tạo dựng nên vùng đất Nam bộ. Và ngược lại, chính mảnh đất này với cuộc sống không ngừng đi lên lại tạo ra những tính cách cao quý cho con người đã tạo dựng ra nó. Có thể tìm thấy điều này thật sinh động trong kho tàng truyện dân gian Nam bộ.

Tính cách người Nam bộ
Tính cách người Nam bộ

Trọng nghĩa khinh tài

Con người Nam bộ gắn bó, quan hệ với nhau thành một cộng đồng chẳng qua vì nghĩa. Do đó, người này có thể vượt hàng trăm cây số đến thăm người kia vì nghĩa cố tri. Điều này có thể lý giải vì sao từ “nghĩa” xuất hiện khá đậm đặc trong ca dao Nam bộ! Và chính đặc điểm trên đã tác động rất lớn đến tính cách người dân Nam bộ: Trọng nghĩa khinh tài.

Truyện dân gian Hảo nghĩa khả phong khắc đậm hình ảnh của một người phụ nữ thuần hậu - Lê Thị Mẫn. Bà là vợ thứ của hương sư Bùi Văn Liệu. Ba người con trai của bà đều thi đỗ cử nhân, nhưng người con trưởng không ra làm quan, xin vua ở lại nhà nuôi dưỡng mẹ già, hai người con kế thì người làm đến chức Án Sát Nam Định, người làm đốc học Biên Hòa. Lần kia, hai người con làm quan đem về tặng bà một cây lụa tốt, bà không nhận, đưa trả lại và nói: “Làm quan thanh liêm làm sao có tiền dư để mua lụa”. Năm kia làng xóm mất mùa, bà xuất tiền và mua gạo giúp kẻ nghèo đói không tiếc thứ gì. Chính tấm lòng nhân hậu của bà, vua Tự Đức nghe tiếng ban khen bà một tấm biển khắc bốn chữ “Hảo nghĩa khả phong”.

Thẳng thắn, bộc trực

Tính bộc trực của người Việt Nam bộ thể hiện khá rõ trong các truyện liên quan đến lịch sử. Trước áp lực to lớn mà bọn thực dân và tay sai gây ra cho Nguyễn Trung Trực, ông đã tự trói đi thẳng vào đồn giặc đổi mạng cho mẹ và cả dân làng. Giặc rắp tâm dụ hàng ông, sẽ cử ông làm thống xứ miền Tây nếu ông quy thuận. Nhưng cuối cùng, bọn giặc đã nhận được câu trả lời thế nào, dù trước đó chúng đã cho ông bốn ngày tự do để suy tính ?

Đến ngày hẹn, ông không trốn chạy mặc dù ông có thừa khả năng trốn chạy. Nghĩa là ông không bôi nhọ danh dự của một võ tướng. Cái chết biết là đang chực chờ trước mặt nhưng chẳng phải vì thế mà ông đánh mất khí tiết mình. Đối mặt với kẻ thù, Nguyễn Trung Trực quả quyết rút kiếm chém xuống đất, thà chịu chết, không chịu đầu hàng. Hành động ấy đã thay cho câu trả lời của Nguyễn Trung Trực đối với giặc thù tàn bạo.

Không chấp nhận lời chiêu dụ, ông Nguyễn nai nịt quần áo võ tướng chỉnh tề, đeo kiếm đến trước mặt kẻ thù như thẳng thắn nói rằng: Đầu hàng ư! Đó là điều vọng tưởng! Thái độ rút kiếm chém xuống đất cho thấy ông Nguyễn quyết định rất rõ ràng, một một, hai hai. Đến ngày bị hành quyết, trước đông đảo đồng bào, Nguyễn Trung Trực dõng dạc thét vào mặt giặc rằng “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người chống Tây”. Nét tính cách bộc trực ấy, dám nói dám làm ấy, thật khiến giặc Pháp phải kinh ngạc, đến nỗi không một đao phủ nào dám đứng ra chém đầu ông. Phải chăng chính sự thẳng thắn, cương nghị ấy đã làm cho kẻ thù khiếp sợ?

Hơn thế nữa, lúc tên tay sai vâng lệnh quan thầy ra chém đầu ông, ông trừng mắt, chỉ tay vào mặt tên phản dân hại nước, khẳng khái nói: “Ngươi chém đầu ta thì chém cho ngọt, nếu không ta sẽ giết ngươi”. Và ngay trong buổi tối hành quyết, bọn tay sai và thực dân nhiều phen hốt hoảng, chạy cuồng. Bên cạnh truyện Truyền thuyết về Nguyễn Trung Trực, những truyện như: Truyền thuyết về Thiên Hộ Dương, Sự tích đền thờ ông Duôn, Ông Phòng Biểu trị tội Phạm Công Khánh,… các nhân vật lịch sử đều bộc rõ nét tính cách bộc trực.

Phóng khoáng, thật thà, hiếu khách

Tính cách phóng khoáng của người Nam bộ đã khéo dung hòa giữa các nền văn hóa. Ai thích chùa chiền, nhà thờ,… thì cứ chọn. Tôn giáo nào cũng tốt, miễn là cổ xúy cho tình nhân loại, lòng từ bi bác ái, làm lành lánh dữ. Thường, nhà cửa của người dân Nam bộ dư chỗ cho bạn bè đến ăn ở, dư chiếu, dư gối, dư chén bát, dư giường; thức ăn toàn cây nhà lá vườn. Do đó, người Nam bộ chẳng những phóng khoáng mà còn hiếu khách, trọng khách.

Ông Lễ trong truyện Cầu Hương Lễ do tính hay làm phước thiện đã bỏ tiền ra cho xây cầu, đắp đá con đường cho bà con thuận tiện trong việc đi lại và tránh được con đường trơn trượt vào mùa mưa. Đến lúc sắp chết, ông còn căn dặn rằng đừng làm ma chay linh đình mà hãy tiết kiệm tiền cho làng, cho xóm. Tính cách phóng khoáng, thi ân bố đức của ông Lễ thể hiện xuyên suốt trong cuộc đời ông.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...