Với ý nghĩa hình tượng cây tre/trúc là biểu tượng văn hóa và tinh thần Việt, được định danh bởi nhà văn Bửu Ý, và được họa sĩ Phan Hải Bằng - Giảng viên Đại học Nghệ thuật - Đại học Huế cùng các cộng sự nghiên cứu sáng tạo.
Giấy cũng là nghệ thuật
Theo nhà văn Bửu Ý, hình ảnh tre, trúc - Trúc chỉ là tên gọi một loại hình giấy nghệ thuật mới của người Việt, mà không phải chỉ là giấy tre. Trúc chỉ khai thác hầu hết các nguyên liệu xơ sợi sẵn có từ rơm, tre, mía, chuối, bèo, bắp, dứa, dâu, lá, cỏ…
Nghệ thuật Trúc chỉ khởi phát từ ý niệm mang đến cho giấy một khả năng mới thoát khỏi thân phận làm nền cho các thao tác sáng tạo khác - để trở thành một tác phẩm nghệ thuật độc lập.
Trong khoảng thời gian sau đổi mới, những họa sĩ đồ họa Việt Nam thiếu thốn yếu tố quan trọng để hoàn thiện tác phẩm, đó là những loại giấy đặc chủng cho các kỹ thuật chất liệu in ấn. Mặt khác, các họa sĩ cũng khát khao tìm kiếm những biểu hiện khác của giấy - nền cho các bản in.
Đầu năm 2000, những tấm giấy thủ công đầu tiên ra đời ở căn nhà của mẹ hoạ sĩ Phan Hải Bằng, gần nhà thờ Phủ Cam (Huế). Đó là thành quả của nỗ lực cá nhân cùng với kiến thức, kinh nghiệm trong thời gian dài mò mẫm.
Quy trình nghề giấy thủ công truyền thống dựa trên nguyên lý của các kỹ thuật chất liệu nghệ thuật đồ họa (Silkscreen, etching…), kỹ thuật dùng áp lực nước cơ bản. Đó chính là sự khác biệt của Trúc chỉ Việt, tạo nên hệ thống lớp lang, sắc độ, sắc nhị cho tác phẩm đồ họa giấy.
Nếu việc in khắc kim loại là sử dụng hóa chất để bóc đi từng lớp kim loại, tạo ra hệ thống sắc độ khi in, thì đồ hoạ Trúc chỉ sử dụng áp lực nước để bóc đi từng lớp bột giấy theo cấp độ dày mỏng, tương ứng với hệ thống sắc độ cho tác phẩm khi tương tác với ánh sáng.
Nếu như tranh in khắc kim loại chỉ cho một hiệu ứng bề mặt, thì Trúc chỉ lại có khả năng mang đến hai hiệu ứng trên cùng một tác phẩm: Dày thì sáng, đậm thì tối – và ánh sáng ngược âm bản: Dày thì tối, mỏng thì sáng. Đây chính là một trong những đặc điểm thu hút và gợi cảm hứng cho nghệ sĩ và người thưởng ngoạn.
Tuy nhiên, Trúc chỉ cũng từng vướng phải câu chuyện bản quyền khá rắc rối. Vào tháng 7/2021, một sinh viên tốt nghiệp mỹ thuật sử dụng từ công thức, mẫu mã đến cách trưng bày giống với tác giả Trúc chỉ - họa sĩ Phan Hải Bằng.
Nghệ thuật phối kết
Từ những bất ổn của đời sống, từ đại dịch Covid-19 đẩy tốc độ vận động trở nên nhanh hơn gấp nhiều lần. Nghệ thuật Trúc chỉ cũng vận động theo nhịp thở gấp gáp ấy để chào xuân năm mới 2022 với triển lãm mang tên rất lạ “Tín niệm tường minh”.
Triển lãm dù đã kết thúc, nhưng dư âm nghệ thuật giấy truyền thống Việt Nam đã khẳng định một thế đứng mới trong lòng công chúng.
Những nghệ sĩ tổ chức cuộc triển lãm nói rằng, khi mà con người phải đối diện với rất nhiều thông tin giả, hàng giả, nhiều tuyên ngôn vô nghĩa trước sự nhiễu loạn mang tính thương mại thì nhiều người tìm đến và tin tưởng các sản phẩm hàm chứa văn hóa bản địa.
“Tín niệm” có thể hiểu một phần mang hàm nghĩa chữ tín, “tường minh” cũng có thể hiểu là sự rõ ràng. Trong “Tín niệm tường minh”, cùng với những tác phẩm Trúc chỉ bày tỏ suy tư chiêm nghiệm về cuộc đời, văn hóa tín ngưỡng; về cái đẹp của thiên nhiên đa sắc… còn có sự hiện diện của các giá trị thủ công truyền thống đậm nét.
Ngoài triết lý niềm tin vào nghệ thuật, hoạ sĩ Phan Hải Bằng còn tái khẳng định ý nghĩa “mang thêm cho giấy một khả năng thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành một tác phẩm tự thân, độc lập”.
Trúc chỉ hoàn toàn có thể là một tác phẩm nghệ thuật tự thân mang đậm ngôn ngữ đồ họa. Mặt khác, Trúc chỉ cũng sẵn sàng đối thoại với những tín hiệu tạo hình được đặt tiếp lên trên nó – như một sự hoà hợp, vốn mang bản tính thuần Việt.
Trong thế giới nghệ thuật, có vô vàn triết lý, mỗi nghệ sĩ lại có sự lựa chọn khác nhau và sống với tín niệm như một tuyên ngôn xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo. Trúc chỉ Việt, dù mang tính cá nhân nhưng lại bao hàm yếu tố truyền thống và tinh thần Việt – để sánh với niềm tự hào của Hòa chỉ và Hàn chỉ.
Giống với giấy Dó, nhưng cũng khác với thân phận của Dó. Trúc chỉ là giấy, nhưng không phải làm nền cho các phương thức sáng tạo. Bản thân Trúc chỉ đã là một tác phẩm nghệ thuật được soi rọi dưới ánh sáng tự nhiên và gắn liền với tinh thần truyền thống.
Mới đây, nghệ thuật Tuồng và Trúc chỉ đã phối kết tạo sự tiếp biến qua bộ Poster tập trung vào vở tuồng kinh điển Sơn Hậu, với bốn khuôn mặt nhân vật đặc trưng cho tinh thần vở diễn. Sơn Hậu là một trong những vở tuồng cổ cung đình Việt Nam, kể về hành trình cuộc chiến chống lại bọn gian thần, giành lại giang sơn xã tắc của những trung thần nhà Tề.
Sự kết hợp của hai loại hình nghệ thuật đã làm nên sự khác biệt, khiến công chúng cảm thấy có gì đó rất mới trong những điều đã cũ. Dù việc định danh cho giấy nghệ thuật khá mơ hồ, nhưng yếu tố truyền thống là tín hiệu tích cực để nghệ thuật Việt ngày càng phong phú hàm lượng sáng tạo.