Nghệ thuật Trúc Chỉ và câu chuyện bản quyền

GD&TĐ - Thời gian gần đây, giới nghệ thuật xôn xao vụ bản quyền liên quan đến nghệ thuật Trúc Chỉ. Một sinh viên tốt nghiệp mỹ thuật sử dụng từ công thức, mẫu mã đến cách trưng bày, khiến tác giả gốc bức xúc.

Phải mất hàng chục năm mò mẫm, họa sĩ Phan Hải Bằng mới sáng tạo thành công Trúc Chỉ.
Phải mất hàng chục năm mò mẫm, họa sĩ Phan Hải Bằng mới sáng tạo thành công Trúc Chỉ.

Từ lâu giới nghệ thuật Việt Nam đều biết tranh Trúc Chỉ do hoạ sĩ Phan Hải Bằng sáng tạo ra. Sau này, anh chuyển giao việc quản lý phát triển Trúc Chỉ cho hoạ sĩ Ngô Đình Bảo Vi.

Thế nhưng mới đây, giới nghệ thuật lấy làm lạ khi một số nhà chuyên môn tới dự cuộc triển lãm tranh Trúc Chỉ tại Hà Nội nhưng không phải do tác giả Phan Hải Bằng tổ chức.

Đáng nói hơn, triển lãm này lại ồn ào liên quan đến câu chuyện xâm phạm bản quyền cũng như đạo đức nghề nghiệp.

Tác giả gốc Trúc Chỉ

Sau sự kiện nghệ thuật Trúc Chỉ bị xâm phạm bản quyền, trên trang mạng cá nhân hoạ sĩ Phan Hải Bằng nói rằng: Thật không hay khi dịch dã đang sôi sục mà lại phải nói về những chuyện xoay quanh Trúc Chỉ. Đó là khái niệm và công việc mà chúng tôi và các cộng sự đã theo đuổi, xây dựng trên dưới 10 năm nay.

Theo anh Bằng, việc xâm phạm Trúc Chỉ đã xảy ra lâu nay bằng nhiều cách thức khác nhau, thậm chí cả tên gọi. Tuy nhiên các hành động đó có thể chỉ thể hiện sự vụ lợi mù quáng. Lần này, với tính chất có phần nghiêm trọng và ảnh hưởng đến danh dự nghề nghiệp, cũng như tính học thuật nghiêm túc nên anh buộc phải lên tiếng.

Hoạ sĩ Phan Hải Bằng cho biết: Việc xuất hiện cái gọi là Trúc Chỉ ở Hà Nội sử dụng luôn tên gọi của chúng tôi - đã được đăng ký bảo hộ là Nghệ thuật Trúc Chỉ Việt Nam để kinh doanh, sản xuất gây hiểu nhầm nghiêm trọng.

“Điều đáng nói ở đây là bằng cách nào đó, một số giảng viên và sinh viên lại rất ủng hộ và có vẻ sẽ có những bước tiếp theo. Mặc dù chúng tôi đã có một workshop nghệ thuật giấy và đồ họa Trúc Chỉ cho sinh viên Đồ họa năm thứ 2 ở ĐH Mỹ thuật Việt Nam vào tháng 11/2019”, hoạ sĩ Phan Hải Bằng cho biết.

Anh Bằng giải thích rằng, Trúc Chỉ là tên gọi của nghệ thuật giấy và xơ sợi Việt Nam. Với ý nghĩa tre trúc là biểu tượng của văn hóa và tinh thần Việt. Theo đó, ý tưởng chủ đạo của Trúc Chỉ là mang lại cho giấy thêm khả năng thoát khỏi thân phận làm nền để trở thành tác phẩm tự thân, độc lập.

Trúc chỉ là một phần của 2 nghiên cứu của hoạ sĩ Phan Hải Bằng. Anh so sánh giấy thủ công của Thái Lan và Việt Nam (quy trình, kỹ thuật) trong các biểu hiện nghệ thuật. Cùng với đó là nghiên cứu chế tạo giấy từ các nguyên liệu địa phương, ứng dụng vào giảng dạy, học tập và sáng tạo nghệ thuật.

Trong khoảng thời gian sau đổi mới, những họa sĩ đồ họa Việt Nam thiếu thốn yếu tố quan trọng để hoàn thiện tác phẩm, đó là những loại giấy đặc chủng cho các kỹ thuật chất liệu in ấn. Mặt khác, các họa sĩ cũng khát khao tìm kiếm những biểu hiện khác của giấy - nền cho các bản in.

Đầu năm 2000, những tấm giấy thủ công đầu tiên ra đời ở căn nhà của mẹ hoạ sĩ Phan Hải Bằng, gần nhà thờ Phủ Cam (Huế). Đó là thành quả của nỗ lực cá nhân cùng với kiến thức, kinh nghiệm trong thời gian dài mò mẫm.

Họa sĩ Phan Hải Bằng và tác phẩm nghệ thuật trucchigraphy, triển lãm tại tòa nhà Quốc hội Việt Nam.
Họa sĩ Phan Hải Bằng và tác phẩm nghệ thuật trucchigraphy, triển lãm tại tòa nhà Quốc hội Việt Nam.

Bài học về quản lý bản quyền

Giữa cuộc tranh cãi về bản quyền Trúc Chỉ, giám tuyển Ace Lê cho biết, việc một sinh viên mỹ thuật sử dụng từ công thức, mẫu mã đến cách trưng bày na ná mà không có một dòng cảm ơn tác giả gốc là thiếu sót lớn về tư cách làm nghề. Nhưng nếu xét riêng về khía cạnh pháp lý, trường hợp này là một minh họa tương đối phức tạp, nhưng đáng mổ xẻ để cộng đồng làm văn hóa đúc kết kinh nghiệm về quản lý sở hữu trí tuệ.

“Trúc Chỉ Việt Nam không cần phải đăng ký nhãn hiệu “Trúc Chỉ” thì mới tố cáo được đơn vị khác xâm phạm bản quyền. Việc này không dễ dàng, do nghệ sĩ Phan Hải Bằng mới là tác giả gốc của tên gọi, trong khi Trúc Chỉ Việt Nam lại được đăng ký doanh nghiệp dưới tên nghệ sĩ Ngô Đình Bảo Vi”, giám tuyển Ace Lê cho biết.

Điểm thứ hai của cuộc tranh luận mà giám tuyển Ace Lê đề cập đến là kỹ thuật đồ họa Trúc Chỉ (trucchigraphy) của tác giả gốc Phan Hải Bằng với các bước: Quy trình làm giấy thủ công, kỹ thuật tạo áp lực nước và việc nâng cao kỹ thuật đó theo phương pháp etching để tạo nên hệ thống thiết kế lớp lang tinh xảo.

Ở đây chỉ có hai hạng mục liên quan, là sáng chế và bí mật doanh nghiệp. Tuy nhiên, có thể loại bí mật doanh nghiệp vì hoạ sĩ Phan Hải Bằng đã tổ chức nhiều workshop dạy kỹ thuật trucchigraphy công khai.

Sáng chế có hai cấp bậc, là sáng chế và giải pháp hữu ích – với yêu cầu chung là phải có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp. Sáng chế cần thêm một yêu cầu nữa, đó là tính sáng tạo cao, nên quy trình duyệt cũng khó và lâu hơn. Nếu đăng ký thành công, thời hạn bảo hộ sáng chế là 20 năm, còn giải pháp hữu ích chỉ là 10 năm.

Giám tuyển Ace Lê đưa ra giả định, hoạ sĩ Phan Hải Bằng một thời gian sau đã có bằng sáng chế cho trucchigraphy. Dù vậy, nếu một số đơn vị khác chỉ bắt chước hai bước đầu, chứ không ăn cắp toàn bộ dây chuyền công nghệ, thì việc tố cáo cũng khó có cơ sở.

“Một thực tế trớ trêu là chính sự lười biếng của bên bắt chước lại là sự bảo vệ cho họ. Lời khuyên của tôi trong trường hợp này cho nhóm nghệ sĩ chân chính là đừng mất thời gian tố cáo. Hãy cứ đi tiếp con đường của mình và đầu tư vào các hoạt động truyền thông để công chúng biết rõ sự khác biệt của chất lượng sáng tạo nghiêm túc”, giám tuyển Ace Lê cho hay.

“Qua 15 năm thực hành quản lý thương hiệu, tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp mất mát đáng tiếc do hiểu biết chưa thấu đáo về sở hữu trí tuệ. Bên cạnh những vụ việc như Trúc Chỉ, khi nghệ sĩ Việt Nam vươn ra biển lớn cần học hiểu kỷ luật nước sở tại, hoặc chí ít là các công ước quốc tế mà họ là thành viên” - Giám tuyển Ace Lê cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ