Với chị, mỗi tác phẩm đều là một cuộc đối thoại nghiêm túc với căn cốt truyền thống Việt.
Lê Hiền Minh sinh năm 1979, là con gái của nữ họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (con gái nhà văn Kim Lân) và nhà nghiên cứu Hán – Nôm Lê Dương Hạo. Ở Việt Nam, hiếm có nghệ sĩ nào gắn bó và sáng tạo miệt mài với giấy dó như Lê Hiền Minh. Với chị, giấy dó là kết quả mà bản thân tìm kiếm, là thứ đặc biệt nơi “trời Tây” giúp bản thân nhận ra mình là ai.
Truyền thống và nữ quyền
Đầu tháng 6/2021, triển lãm “Lần trong/Nằm giữa/Vùi dưới/Lộ trên” kết thúc và để lại trong tâm trí công chúng nhiều câu hỏi về căn cốt truyền thống Việt cũng như nữ quyền trong các tác phẩm của Lê Hiền Minh.
Trong triển lãm này, chị đem đến bộ tượng điêu khắc giấy dó như là sự kết hợp, nâng cấp từ hai tác phẩm đã được nghệ sĩ trưng bày tại Nhật Bản và Đức.
Ba bức tượng nửa cổ điển, nửa hiện đại Mẫu Vòng Lặp, Mẫu Bất Tận, Mẫu Giống Nòi được đặt lần lượt trên máy giặt, bàn rửa chén và giường - biểu thị sự phản kháng sâu sắc của tác giả với cái gọi là lao động nội trợ - vốn gắn với hình ảnh phụ nữ.
Lời tuyên chiến này được đưa ra cùng 5 câu hỏi: Phụ nữ là ai?/ Phụ nữ là gì?/ Phụ nữ ở đâu?/ Tại sao là phụ nữ?/ Khi nào là phụ nữ? Người xem được trao mảnh giấy để viết câu trả lời. Câu hỏi, nhưng thực chất là một vế của cuộc đối thoại giữa nghệ sĩ với công chúng, và giữa công chúng với tác phẩm.
Trước đó, vào năm 2016 cũng với những câu hỏi này, tác giả nhận được một phản hồi từ người xem: “Nhiệm vụ lớn nhất của phụ nữ là sinh một đứa con trai”. Dòng chữ khiêu khích trên đã vấp phải phản ứng từ những người xem khác. Không bàn về tính đúng sai của luận điểm, các câu hỏi trên đã trở thành không gian đối thoại, tạo nên tính “sống” cho tác phẩm nghệ thuật.
Ba tượng này nối với nhau bằng sợi dây như dây rốn, ám chỉ những đòi hỏi xoay vòng về trách nhiệm của người phụ nữ: Quản gia, nội trợ, sinh con. Thời xưa có “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử”, thì thế kỉ 21 là “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”.
Những định kiến nghìn đời hạ thấp phụ nữ, ăn sâu vào tâm thức người Việt. Người phụ nữ dù thành công bao nhiêu ngoài xã hội, về nhà không tròn “thiên chức” thì cũng không được coi trọng.
Lê Hiền Minh triết lý rằng: “Với tôi, nghệ thuật thuộc về văn hóa. Văn hóa là thành quả sáng tạo của xã hội. Nó là quá trình khi mọi người tìm cách phản ứng với những thay đổi và thách thức nảy sinh. Nó không bất biến, mà sẽ đổi thay. Văn hóa thể hiện trong tác phẩm của tôi qua chất liệu, vật thể, biểu tượng… tạo nên nghệ thuật”.
Một sự chồng chéo nhưng luôn đồng nhất của Lê Hiền Minh trong cách chọn vật liệu giấy dó và thể hiện tác phẩm nữ quyền. Chị yêu truyền thống, nhưng không chấp nhận những quan niệm truyền thống lạc hậu. Nghệ thuật là vậy, tưởng phức tạp nhưng thực ra cực kỳ đơn giản.
Chạm vào quá khứ
Khoảng 20 năm trước, nghệ thuật thị giác được coi là loại hình cực mới mẻ ở Việt Nam. Thế nhưng, một người ưa truyền thống như gia đình cố nhà văn Kim Lân lại theo đuổi sự mới mẻ, lạ lẫm ấy.
Lê Hiền Minh đã dành rất nhiều tâm huyết và sức lực để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật thuộc loại hình điêu khắc - sắp đặt trên chất liệu truyền thống giấy dó và giấy bản. Và cũng từ cái ngày bắt tay vào tạo dựng những tác phẩm ấy, Lê Hiền Minh đã nghĩ ngay đến một cuộc triển lãm về người cha Lê Dương Hạo của mình.
Đó là triển lãm vào năm 2012 kỉ niệm 10 năm ngày mất của nhà Hán - Nôm Lê Dương Hạo. Chị đã thiết kế 1.000 vật thể được làm bằng giấy bản và có hình dáng của sách từ điển. Tất cả đều rỗng ruột và không có chữ. Tác phẩm sắp đặt này có tên “Sách Từ Điển”.
Sau này, Lê Hiền Minh quyết định làm thêm một ấn phẩm phụ trợ cho “Sách Từ Điển”, đó là tập hợp ảnh chụp vật dụng còn lại của người cha và ghi chép lại ký ức của bản thân về cha mình, có tên “Còn Lại/Rời Rạc”.
Rất nhiều người thắc mắc, tại sao lại là giấy dó mà không phải là một chất liệu nào khác? Thật ra, đây là một câu hỏi khó với nghệ sĩ. Chỉ biết trong tâm thức của một người con gái xa nhà đã không thể có mặt cạnh bố giây phút cuối đời, Lê Hiền Minh luôn mang theo một ám ảnh vô hình không thể lý giải.
Cha chị dành cả đời cho sách, ông ngoại - nhà văn Kim Lân, cũng ghi dấu ấn trên những trang văn. Thế nên giấy dó đến với chị đã đành là một chất liệu phục vụ được yêu cầu sáng tác cá nhân, nhưng bản thân nó đã là mối giao hảo tuyệt vời để chạm vào quá khứ, chạm đến truyền thống.
Ý tưởng đặc biệt này được Lê Hiền Minh xem như một lời tuyên bố thay cho sự thất vọng của cha mình về việc đại bộ phận chúng ta không biết đọc ngôn ngữ Hán - Nôm. “Chúng ta hoàn toàn bị cắt đứt với chính nền văn hoá của tổ tiên. Đây là một việc liên quan đến văn hoá đọc, viết của giới trẻ ngày nay. Với sự phát triển công nghệ, chúng ta càng ngày càng ít đọc và ít viết bằng bút và giấy”, nghệ sĩ Lê Hiền Minh nhận định.
Là người tiếp nhận đa văn hoá, nhưng Lê Hiền Minh quyết gắn bó với truyền thống. Qua những tác phẩm từ giấy dó, chị hiểu được nguồn cội, phong tục, tri thức và những nét đẹp mà hàng nghìn năm qua cha ông ta đã bồi đắp và thể hiện trong mỗi nét chữ.