Giấy dó giữa thời hiện đại

GD&TĐ - Nghề làm giấy dó giữ vai trò quan trọng trong dòng chảy lịch sử của người Việt. Tuy nhiên, theo biến động của thời gian, việc sử dụng giấy dó không còn phổ biến dẫn đến sự mai một và suy vong các làng nghề truyền thống. Những năm gần đây, giấy dó bắt đầu được sử dụng phổ biến hơn trong mỹ thuật, góp phần khẳng định giá trị và lấy lại vị thế.

Dó Việt thu hút sự quan tâm của khách tham quan
Dó Việt thu hút sự quan tâm của khách tham quan

Tinh hoa dòng chảy văn hóa

Nghề làm giấy đã đi vào các câu ca, văn học dân gian và phát triển mạnh mẽ ở nhiều địa danh: Làng Đống Cao vùng Kinh Bắc, làng An Thái, Yên Hòa đất Thăng Long. Làng An Phúc (Hà Tây). Người Cao Lan ở phía Tây Yên Tử, người Mông cũng biết làm ra giấy từ cây tre non, cây dướng, cây dó… dùng trong văn hóa tâm linh kết nối với tổ tiên.

Theo họa sĩ Đào Ngọc Hân - Phó Giám đốc Trung tâm khảo cổ học ứng dụng: Dó là một loại giấy được người Việt phát minh ra và luôn đồng hành cùng văn hóa Việt từ quá khứ cho tới hôm nay. Thuở trước, giấy dó là chất liệu của tri thức Việt, giấy để học chữ, viết chữ, làm thơ, làm sách, truyền bá văn thơ trong xã hội. Các thể văn thư hành chính trong xã hội dưới thời phong kiến xưa đều được viết trên giấy dó. Giấy dó cũng là chất liệu của đời sống văn hóa cộng đồng. Giấy để viết câu đối, viết thư pháp, vẽ tranh thờ, tranh trang trí, viết thư pháp, viết sớ cúng.

Từ vỏ cây dó, một loại cây thổ sản của vùng Bắc Bộ, qua nhiều công đoạn chế tác thủ công cầu kỳ phức tạp, với đôi bàn tay tài hoa của người thợ đã làm ra những tờ giấy mộc mạc, mỏng manh nhẹ như bấc, mềm như lụa, óng như tơ mà có độ dai, bền, hút ẩm tốt. Nhiều tài liệu quý, thư tịch cổ từ năm, sáu trăm năm tại Viện Hán Nôm và những di chỉ khảo cổ đã chứng minh điều đó. Giấy dó có đặc tính xốp nhẹ, bền dai, không nhoè khi viết vẽ, ít bị mối mọt, hoặc giòn gẫy, ẩm nát… Đó chính là sự độc đáo, khác biệt làm nên giá trị lớn lao của giấy dó.

Khôi phục giá trị vàng son

Có nhiều tác phẩm tham gia triển lãm “Dó Việt xưa - nay”, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức chia sẻ: Trong đời sống xã hội ngày nay, giấy dó đã được sử dụng phổ biến hơn trong mỹ thuật, trở thành chất liệu để sáng tạo văn hóa mỹ thuật Việt. Tôi rất thích sử dụng giấy dó để vẽ bởi nó có giá trị thẩm mỹ trong nghệ thuật rất đắc địa và sự phóng túng, mộc mạc dung dị hơn hẳn nguyên liệu vẽ tranh lụa.

Ông Đức cũng nhấn mạnh, các chuyên gia quốc tế đánh giá rất cao về giá trị của giấy dó Việt, họ khẳng định giấy dó Việt là tốt nhất. Điều đáng tiếc là nguồn chất liệu quý giá siêu bền giờ mới chỉ phục hồi trong mỹ thuật, cung cấp một chất liệu sáng tạo văn hóa và phục vụ được nhóm đối tượng rất nhỏ. Chúng ta cần đưa giấy dó đi chinh phục để nhiều người biết đến và có thể ứng dụng rộng rãi vào đời sống đương đại. Trong những năm qua, Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội đã tổ chức nhiều triển lãm và các cuộc hội thảo, tọa đàm nhằm tôn vinh loại chất liệu truyền thống này là điều được những người yêu mến di sản mong đợi và quan tâm.

Ông Nguyễn Phương Khánh - Ban Quản lý di tích lịch sử Đông Xã, phường Bưởi (Hà Nội) ngậm ngùi, luyến tiếc: Từ hàng nghìn năm trước các cụ đã tìm ra cách làm giấy. Quy trình làm giấy thủ công được truyền qua nhiều thế hệ ở một số làng nghề. Nguyên liệu làm giấy xưa chỉ có cây dó, cây dướng, cây cãnh là có chất xơ nhiều, nhưng gốc rễ chính vẫn là cây dó. Những người thợ sản xuất giấy dó dùng “liềm seo” chao đi chao lại trong bể bột dó, lớp bột dó trên liềm chính là tờ giấy dó sau khi kết thúc công đoạn ép, bóc, can, phơi (sấy), lột giấy. Làm ra được một tờ giấy là bao nhiêu công sức…

Sự phát triển của giấy công nghiệp đã lấn át những trang giấy dó truyền thống vang bóng một thời. Những cái nôi của nghề làm giấy dó truyền thống Yên Thái (Hà Nội), Suối Cỏ (Hòa Bình), Dương Ổ (TP Bắc Ninh) từng cung cấp giấy khắp các tỉnh miền Bắc và trên cả nước giờ trước đây giờ chỉ còn tồn tại thoi thóp.

“Người nắm giữ bí quyết seo giấy cuối cùng của dòng họ Lại - dòng họ được vua chúa xưa cho phép độc quyền sản xuất giấy sắc phong, đã mất. Từ năm 1942, dòng họ Lại đã ngừng sản xuất giấy sắc phong, loại giấy dó cao cấp đặc biệt dành riêng cho triều đình. Hiện chỉ còn tôi là hậu duệ cuối cùng của dòng họ giữ được kỹ thuật làm loại giấy này nhưng cũng không thể tự sản xuất được. Những tờ sắc phong khi được giữ gìn bảo quản tốt sau vài thế kỷ mở ra vẫn như mới. Làm sao giữ được nghề? Có cần giữ lại nghề của người xưa, của dòng tộc? Có cách nào để giữ gìn được vốn quý văn hóa không? Quy luật thị trường đang thách thức những giá trị trường tồn. Tôi chỉ mong các nhà khoa học, các nhà văn hóa, các cấp và ngành văn hóa vào cuộc cùng những người yêu di sản giúp chúng tôi trả lời tìm hướng hồi sinh cho giấy dó”,ông Lại Phú Thạch, đại diện dòng họ Lại ở Nghĩa Đô (Hà Nội) bộc bạch nỗi niềm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.