Tín hiệu vui từ tự chủ đại học

GD&TĐ - Đến nay, vùng ĐBSCL có 2 trường ĐH thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo hướng tự chủ. Mặc dù mới được triển khai thí điểm nhưng kết quả đạt được rất khả quan. 

Tín hiệu vui từ tự chủ đại học

Khi được trao quyền, các trường đã mạnh dạn thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học, tổ chức bộ máy nhân sự…

Tự chủ để phát triển

Nhằm triển khai Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, Chính phủ đã có Nghị quyết 77 về việc thí điểm tự chủ đối với các cơ sở GDĐH công lập, giai đoạn 2015 - 2017. Đến nay, trên cả nước đã có 23 cơ sở GDĐH mạnh dạn thực hiện tự chủ và bước đầu đã cho thấy nhiều đột phá. Khi giao quyền tự chủ cho trường ĐH, Nhà nước không cấp ngân sách, các trường sẽ quy định mức học phí theo luật định.

Từ đó nguồn thu tăng, đầu tư cơ sở vật chất tăng, đầu tư nghiên cứu khoa học mạnh mẽ, nguồn học bổng - quỹ phát triển trường tăng lên. Theo chia sẻ của lãnh đạo các trường, việc giao cho trường tự chủ là giảm bớt những bó buộc không cần thiết, nhằm khơi dậy mọi năng lực, mọi tiềm năng sáng tạo. Từ đó tạo sự tin tưởng, cổ vũ, tạo điều kiện cho những ý tưởng mới phát triển, tăng tính học thuật…

Tại khu vực ĐBSCL, Trường ĐH Trà Vinh là cơ sở ĐH trực thuộc địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm tự chủ. Bắt đầu từ năm học 2017 - 2018, nhà trường hoạt động theo cơ chế tự chủ. Mục tiêu của thí điểm tự chủ Trường ĐH Trà Vinh nhằm đảm bảo phát triển trường thành trường ĐH định hướng ứng dụng theo các chuẩn mực khu vực và quốc tế. Khi hoạt động tự chủ, Trường ĐH Trà Vinh tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trường được quyết định mở ngành, ngưng mở ngành đào tạo trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ trong danh mục GD, đào tạo của hệ thống GD quốc dân cấp IV; Được phép thí điểm mở ngành đào tạo ngoài danh mục cấp IV theo nhu cầu xã hội nếu đáp ứng đủ điều kiện mở ngành theo quy định của pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển...

Theo TS Nguyễn Tiến Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh: Đề án này cũng cho phép trường thu mức học phí bình quân tối đa của trình độ ĐH chính quy (trừ khối ngành, chuyên ngành đào tạo y dược) là 15,75 triệu đồng/sinh viên năm học 2017 - 2018. Tuy nhiên, nhà trường xét thấy việc tăng học phí phải phù hợp với điều kiện của người học, phù hợp với tình hình kinh tế địa phương, nên mức quy định học phí mới được nhà trường đưa ra trong năm học 2017 - 2018 thấp hơn so với mặt bằng chung.

Cụ thể, nhóm ngành Khoa học xã hội gồm Kinh tế, Luật, Văn hoá, Khoa học cơ bản, Nông lâm thuỷ sản là 10,5 triệu đồng/năm đối với bậc ĐH và 8,3 triệu đồng/năm đối với bậc cao đẳng. Nhóm ngành Khoa học tự nhiên gồm Kỹ thuật, Công nghệ, Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Khách sạn du lịch là 12,2 triệu đồng/năm đối với bậc ĐH và 9,8 triệu đồng/năm đối với đào tạo cao đẳng. Nhóm ngành Y - Dược là 16 triệu đồng/năm bậc ĐH và 12,7 triệu đồng/năm đối với cao đẳng…

Cơ hội để nâng cao chất lượng GD ĐH

Thực tế, các cơ sở GD ĐH thí điểm tự chủ đã chủ động, linh hoạt hơn về tổ chức bộ máy, tuyển dụng nhân sự và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Cụ thể, khi thí điểm tự chủ, các trường tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Được quyết định mở ngành, ngưng mở ngành đào tạo theo quy định. Được thí điểm mở ngành đào tạo theo nhu cầu xã hội nếu đáp ứng đủ điều kiện mở ngành theo quy định. Mở các chương trình đào tạo các trình độ GD nghề nghiệp theo nhiệm vụ chính trị được giao.

Nhà trường cũng xác định chỉ tiêu tuyển sinh của từng năm học đáp ứng nhu cầu và điều kiện tham gia học tập của người học. Quyết định các hoạt động đào tạo (chương trình đào tạo; phương pháp giảng dạy; ngôn ngữ giảng dạy; hình thức đào tạo; phương pháp kiểm tra, đánh giá; công tác tổ chức đào tạo; in, cấp phát và quản lý văn bằng, chứng chỉ) theo quy định của pháp luật; bảo đảm chuẩn đầu ra, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Về tổ chức bộ máy, nhân sự, nhà trường quy định chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc thông qua Quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

Bên cạnh đó, quyết định cơ cấu, số lượng người làm việc trên cơ sở xác định vị trí việc làm; công bố công khai tiêu chí tuyển dụng với từng đối tượng giảng viên, viên chức, nhân viên hợp đồng; ký kết hợp đồng làm việc và hợp đồng lao động, phân công, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng phù hợp với yêu cầu phát triển của trường và chấm dứt hợp đồng theo quy định của pháp luật. Khi tự chủ, các trường thực hiện cơ chế tự chủ về thu, quản lý học phí theo quy định.

Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh: Trong thời gian qua, nhà trường đã hoàn thành tốt về mọi mặt như công tác tuyển sinh, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, phát triển năng lực đội ngũ cán bộ giảng viên, công tác đảm bảo chất lượng GD, hợp tác quốc tế... Mỗi hoạt động đều đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Năm học 2017 - 2018, trường tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế tự chủ ở mọi phương diện.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ