Tín hiệu hòa bình cho Trung Đông

GD&TĐ - Căng thẳng Israel - Hezbollah có thể bùng lên thành cuộc chiến mới thì đã có dấu hiệu cho hòa bình xuất hiện.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Trong bối cảnh Trung Đông vẫn sục sôi với những diễn biến căng thẳng khắp nơi như nguy cơ tấn công trả đũa Israel của Iran, căng thẳng Israel - Hezbollah có thể bùng lên thành cuộc chiến mới thì đã có dấu hiệu cho hòa bình xuất hiện.

Cụ thể trong chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, ngày 20/8, ông tuyên bố Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã chấp thuận đề xuất do Washington đưa ra nhằm giải quyết những bất đồng đang cản trở việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza.

Thông tin này được ông đưa ra với báo giới sau cuộc gặp và thảo luận kéo dài 2 tiếng đồng hồ với ông Netanyahu. Theo đó người đứng đầu Chính phủ Israel đã xác nhận với Ngoại trưởng Mỹ về việc chấp thuận các đề xuất nhằm thu hẹp khoảng cách khác biệt đang khiến thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza bị đình trệ.

Để thỏa thuận hòa bình thật sự có thể diễn ra tại Gaza, ông Blinken kêu gọi lực lượng Hamas cũng có động thái chấp thuận tương tự Israel. Ông cho rằng, đây là trách nhiệm của nhóm vũ trang Hồi giáo để các nhà hòa giải quốc tế đến từ Mỹ, Ai Cập và Qatar có thể hoàn tất quá trình giúp Dải Gaza có thể im tiếng súng sau nhiều tháng xung đột đẫm máu.

Trước đó vào tuần trước, các cuộc đàm phán ở Qatar như một cơ hội cuối cùng để tìm kiếm thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza và các bên trao trả con tin của nhau đã kết thúc mà không đạt được bước đột phá nào. Sự kiện này khiến triển vọng hòa bình tại đây lâm vào bế tắc cho đến khi Ngoại trưởng Mỹ công du con thoi tới Trung Đông để vực dậy niềm hy vọng cho hòa bình.

Dự kiến các nhà đàm phán sẽ tiếp tục gặp nhau trong tuần này sau khi đề xuất của Mỹ được Israel chấp thuận và khoảng cách quan điểm giữa Israel và Hamas đã được thu hẹp đáng kể. Tuy vậy, dù Israel thừa nhận đã có tín hiệu tích cực nhưng vẫn cho rằng việc đạt được thỏa thuận cuối cùng còn không ít khó khăn phía trước.

Điều này càng có cơ sở khi Hamas đến nay vẫn chưa thể hiện sự xuống nước đáng kể. Hôm 19/8, quan chức cấp cao Hamas là Osama Hamdan vẫn cáo buộc Mỹ thiên vị

Israel trong nỗ lực hòa giải của mình và cho rằng Washington đang chịu áp lực từ Chính phủ Israel khi đưa ra các đề xuất. Ông cho rằng điều này chỉ có tác dụng giúp Israel có thêm thời gian.

Cuộc đàm phán chấm dứt xung đột đã kéo dài mấy tháng qua không có kết quả do Israel khẳng định xung đột chỉ có thể kết thúc nếu Hamas bị tiêu diệt hoàn toàn và giải thoát hết các con tin, trong khi Hamas tuyên bố chỉ chấp thuận một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn ở Gaza chứ không phải tạm thời. Hai bên còn bất đồng về sự hiện diện quân sự của Israel bên trong Dải Gaza sau ngừng bắn, cũng như số lượng tù binh hai bên cần trao đổi.

Dù vẫn còn những trở ngại nhưng thông tin do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo vẫn là tín hiệu tích cực khi cuộc xung đột Israel - Hamas đã bước sang tháng thứ 10 liên tiếp. Cuộc xung đột này nổ ra từ ngày 7/10/2023 sau khi các tay súng Hamas bất ngờ tấn công Israel. Thống kê đến nay đã có ít nhất 40.000 người Palestine thiệt mạng và 2,3 triệu người dân Dải Gaza phải rời bỏ nhà cửa.

Nguy hiểm hơn, cuộc xung đột tại Gaza như mồi lửa kéo theo nguy cơ xung đột lan rộng khắp Trung Đông với sự can dự của nhiều lực lượng hơn. Do đó việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đang được Chính phủ Mỹ của tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden coi là ưu tiên đặc biệt trong chính sách đối ngoại của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ