Hỗ trợ công nhân
Nhóm sinh viên gồm Ngô Vương Quốc, Nguyễn Thị Minh Anh, Phạm Văn Quỳnh, dưới sự dẫn dắt của TS Phạm Văn Triệu, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo trạm lắp ráp trong nhà máy. Thiết bị có khả năng tùy biến theo nhân trắc học (phép đo lường cá nhân) từng công nhân giúp họ cải thiện sức khỏe, nâng cao năng suất lao động.
Ngô Vương Quốc, sinh viên chuyên ngành Quản lý Kỹ thuật công nghiệp, Khoa Máy tàu biển, Trường ĐH Hàng hải Việt Nam cho biết, theo nghiên cứu, các trạm lắp ráp thủ công thường là dạng cố định.
Do đó, công nhân khi lắp ráp, thường bị đau mỏi các khớp cổ, vai, lưng, cánh tay... làm giảm hiệu suất lao động. Sau khi nhóm khảo sát dữ liệu từ 20 doanh nghiệp đã tiến hành chế tạo trạm lắp ráp có thể tùy biến theo nhân trắc học từng công nhân.
“Em chọn đề tài này vì gắn liền với những vấn đề thực tiễn và mang tính ứng dụng cao, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi các vấn đề về sức khỏe và năng suất lao động đang ngày càng trở thành mối quan tâm lớn trong ngành công nghiệp”, Quốc nhìn nhận.
Cụ thể, trạm lắp ráp này có điều chỉnh vị trí và cao độ của bàn làm việc, hộp đựng chi tiết theo nhân trắc học của công nhân, đảm bảo thoải mái, không gây mệt mỏi. Hộp đựng chi tiết có thể tùy chỉnh kéo ra, đẩy vào và xoay nhiều góc nghiêng thuận lợi cho công nhân dễ thao tác. Cường độ ánh sáng được điều chỉnh để phù hợp với thị lực.
Ngoài ra, hệ thống còn có thể được cấu hình để ghi nhớ, thiết lập thông qua việc sử dụng thẻ RFID để tự động điều chỉnh bàn làm việc phù hợp với nhân trắc học của từng công nhân, đồng thời cài đặt giao diện người - máy tích hợp qua nhận diện bằng camera.
Trạm lắp ráp được tích hợp mô-đun giám sát thao tác và chỉ dẫn công việc như máy chiếu, camera giúp theo dõi quá trình làm việc, hỗ trợ hướng dẫn thao tác lắp ráp cho công nhân. Giúp công nhân lắp ráp đúng quy cách, giảm thiểu tối đa lỗi trong quá trình lắp ráp.
Khi công nhân đến làm việc, họ sẽ quét thẻ RFID, trạm làm việc sẽ tự động điều chỉnh cơ cấu phù hợp với thể chất của họ. Ngoài ra, trạm được trang bị camera theo dõi tư thế ngồi, thao tác công nhân để đưa ra cảnh báo.
Máy chiếu được tích hợp trong trạm giúp hướng dẫn công việc để họ không làm sai, làm lỗi. Thử nghiệm trên 8 công nhân, khi sử dụng trạm lắp ráp do nhóm thiết kế, thời gian họ hoàn thành sản phẩm từ 1.819 phút xuống 1.560 phút so với trạm thông thường, giúp tăng năng suất lao động.
Tạo năng suất lao động cao
“Từ những kiến thức về tối ưu hóa hệ thống sản xuất, phân tích năng suất lao động, thiết kế công thái học và quản lý quy trình sản xuất giúp chúng em nghiên cứu, đưa ra giải pháp cải tiến một cách có hệ thống, khoa học”, Quốc nói.
Việc cải thiện điều kiện làm việc tại các trạm lắp ráp sẽ không chỉ giúp nâng cao năng suất lao động, mà còn bảo vệ sức khỏe người lao động, tạo ra môi trường làm việc hiệu quả và an toàn hơn.
Các phương pháp này giúp phân tích, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả lao động, từ đó đưa ra những cải tiến thiết thực cho môi trường làm việc và quy trình sản xuất.
Để thu thập đủ dữ liệu, nhóm tác giả đã thực hiện khảo sát 2 lần với tổng cộng 160 người tham gia, mỗi lần khảo sát kéo dài từ 10 đến 15 phút. “Chúng em phải dành thời gian trực tại các khu vực đông người, đồng thời kêu gọi các bạn sinh viên tham gia. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và khả năng tổ chức tốt để đảm bảo tiến độ khảo sát được thực hiện đúng kế hoạch”, nam sinh cho hay.
Vì đề tài nghiên cứu mang tính đa ngành, nhóm của Quốc phải kết hợp nhiều kiến thức khác nhau, từ thiết kế công thái học đến tối ưu hóa quy trình sản xuất và ứng dụng các công nghệ mới. Mỗi thành viên đều tự cắt, khoan nhôm, chế tạo và lắp ghép các chi tiết với nhau.
TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Hiệu trưởng Thường trực Trường Đại học Hàng hải Việt Nam cho biết, trong suốt quá trình sinh viên nghiên cứu khoa học, thầy Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi gặp gỡ, động viên.
Các phòng, ban liên quan đã hỗ trợ tích cực trong việc cung cấp cơ sở vật chất, tài liệu chuyên môn và kinh phí, đảm bảo sinh viên có môi trường nghiên cứu thuận lợi nhất.
Đội ngũ giảng viên hướng dẫn cũng đóng vai trò then chốt, không chỉ hỗ trợ về mặt chuyên môn, mà còn đồng hành, động viên sinh viên vượt qua những khó khăn trong quá trình thực hiện đề tài. Đây là sự kết hợp hoàn hảo giữa kinh nghiệm, tâm huyết của giảng viên và sự sáng tạo, nỗ lực không ngừng của sinh viên.