Không thế chấp, nông dân có thể vay tới 500 triệu đồng

Không thế chấp, nông dân có thể vay tới 500 triệu đồng
Không thế chấp, nông dân có thể vay tới 500 triệu đồng ảnh 1
Đầu tư cho nông nghiệp ngày càng tăng

Đầu tư cho nông nghiệp còn manh mún

Phát triển nông nghiệp, nông thôn và không ngừng nâng cao đời sống của nông dân là nhiệm vụ có tính chiến lược. Để từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, vấn đề đầu tư vốn cho phát triển lĩnh vực này là hết sức quan trọng. Nhận thức được vấn đề này, trong thời gian qua Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách nhằm tăng cường đầu tư vốn phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó có đầu tư qua tín dụng ngân hàng.    

Theo đề án phát triển tam nông của Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng vào khu vực nông nghiệp, nông thôn vừa thấp lại manh mún, phân tán, lãi suất cho vay chưa tương xứng với lợi nhuận và thu nhập trong nông nghiệp.

Tới cuối năm 2008, tổng dư nợ của vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn tăng 15,1% so với năm 2007, đạt 248.000 tỉ đồng, chỉ chiếm có 20 % so với tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế. Điều đáng nói, theo thống kê của Agribank, tỷ trọng dư nợ tín dụng trong tổng dư nợ của nền kinh tế đang có xu hướng giảm dần, mặc dù dư nợ tín dụng nông nghiệp vẫn tăng qua hàng năm.

Trước năm 2006, tỷ trọng dư nợ tín dụng nông nghiệp trong tổng dư nợ từ 23 - 27% thì 2 năm gần đây, giảm xuống còn 19 - 20%. Tốc độ tăng trưởng dư nợ cũng tương tự, như năm 2007, tăng trưởng dư nợ của nền kinh tế đạt mức cao nhất trong vòng chục năm qua, với 51% thì tăng trưởng dư nợ tín dụng nông nghiệp bằng một nửa, còn các năm khác thì tăng trưởng dư nợ tín dụng nông nghiệp thường thấp hơn 5 - 10%.

Hiện tại, hệ thống Agribank, Ngân hàng Chính sách xã hội và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân chiếm 85% dư nợ cho vay khu vực nông nghiệp, chứng tỏ các tổ chức tín dụng khác tham gia cho vay khu vực này còn quá nhỏ. Do vậy nên mới có chuyện ở các thành phố lớn, khu vực đô thị, hàng loạt các ngân hàng thương mại đua nhau mở thêm chi nhánh, phòng giao dịch thì khu vực nông thôn, phần đông hiện nay ở cấp huyện chỉ có chi nhánh Agribank, của Ngân hàng Chính sách xã hội và một vài phòng giao dịch ở các khu vực đông dân cư của hai tổ chức tín dụng này.

Nguồn vốn tín dụng ngân hàng đã tạo ra bước phát triển vượt bậc đối với nông nghiệp, nông thôn. An ninh lương thực được đảm bảo, nhiều sản phẩm nông nghiệp trở thành những hàng hóa xuất khẩu chủ đạo, có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế như gạo, thủy hải sản, cà phê, cao su... Đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận nông dân từng bước được cải thiện, chương trình xoá đói giảm nghèo quốc gia đạt được những kết quả ấn tượng; bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng văn minh, hiện đại, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn có bước phát triển đáng kể,  cơ cấu kinh tế từng bước được chuyển dịch với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.

Mức vay cũ không còn phù hợp

Mặc dù đã được những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên hoạt động tín dụng nông nghiệp, nông thôn vẫn còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, nông thôn còn chậm. Người nông dân ở nông thôn (nhất là vùng sâu, vùng xa) vẫn sản xuất theo các phương thức truyền thống lạc hậu, chưa có sự gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vì thế hiệu quả đàu tư tín dụng còn thấp. Cơ chế chính sách của nhà nước đã từng bước được đổi mới nhưng còn chồng chéo, chưa thực sự tạo động lực để các tổ chức tín dụng quan tâm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hiện nay, mức cho vay theo Quyết định số 67/1999/QĐ-TTg không có bảo đảm tối đa đến 10 triệu đồng quy định trong Quyết định 67 hiện nay là quá thấp, không phù hợp với nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh của các hộ nông dân hiện nay. Cùng đó, Quyết định 67 chưa tạo ra sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, Ban, ngành trong triển khai chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn và tạo động lực để các TCTD đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.   

Theo Dự thảo Nghi định mức cho vay tối đa không có bảo đảm bằng tài sản lên tới 500 triệu đồng đối với các đối tượng là chủ trang trại, HTX; tối đa đến 50 triệu đồng đối với đối tượng là các hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm; tối đa đến 200 triệu đồng đối với các hộ sản xuất ngành nghề, dịch vụ ở nông thôn

Khách được vay vốn không có tài sản bảo đảm phải nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với trường hợp đã được cấp) tại TCTD cho vay hoặc có xác nhận của UBND cấp xã về việc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp, mục đích để bảo đảm tổ chức tín dụng không được vay theo chính sách này tại 2 tổ chức tín dụng cùng một lúc. 

Nếu dự thảo được thông qua, người nông dân sẽ dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thông qua việc đơn giản hoá thủ tục, giảm bớt những điều kiện kém lợi thế vốn có của người nông dân như tài sản thế chấp... Không những thế nó còn giúp người nông dân có được sự hỗ trợ khi gặp rủi ro mà nguyên nhân là  khách quan, bất khả kháng (thiên tai, dịch bệnh)./.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ