Bất cập trong tín dụng nông nghiệp, nông thôn

GD&TĐ - Từ trước đến nay, nông nghiệp vẫn được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế, tuy nhiên câu chuyện làm thế nào để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn vay nhằm phát triển nông nghiệp, nông thôn lại luôn là “bài toán” nan giải, bởi hàng loạt những bất cập trong chính sách tín dụng khiến người dân khó tiếp cận...

Bất cập trong tín dụng nông nghiệp, nông thôn

Thời hạn vay chưa phù hợp

Tại Diễn đàn “Chính sách tín dụng nông nghiệp và nông thôn - thực trạng và giải pháp” diễn ra mới đây, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, mặc dù các hợp tác xã được thúc đẩy phát triển theo hướng là “bà đỡ” cho người nông dân, song do nhiều lý do, suốt thời gian qua việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng của các hợp tác xã khá hạn chế.

Hiện nay, cơ cấu vốn vay của các ngân hàng thương mại chưa thực sự phù hợp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, tỷ trọng vốn tín dụng nông nghiệp, nông thôn vẫn rất thấp. Tổng dư nợ tín dụng nông nghiệp, nông thôn tính đến tháng 6/2016 đạt 886 tỷ đồng, chiếm 18% tổng dư nợ nền kinh tế.

Nói về những bất cập trong chính sách tín dụng nông nghiệp, nông thôn hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, thời hạn và mức vay vốn không phù hợp với chu kỳ sản xuất. Khác với sản xuất công nghiệp, mỗi sản phẩm nông sản có những chu kỳ sản xuất khác nhau (như cây ngắn ngày và cây lâu năm). Mặt khác, sản xuất nông nghiệp cần chu kỳ đầu tư dài hạn (xây dựng chuồng trại, xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất: Đường giao thông, hệ thống điện, nước...).

Tuy nhiên, hiện các tổ chức tín dụng vẫn đang áp dụng các thời hạn vay khá cứng nhắc là 6, 12, 24 tháng hoặc 36 tháng, và vẫn chủ yếu cung cấp tín dụng ngắn hạn (12 tháng). Rõ ràng thời hạn vay vốn này không phù hợp với chu kỳ sản xuất nông nghiệp, tạo ra rào cản cho các khách hàng khi tiếp cận tín dụng.

Cần giải pháp đồng bộ

Các chuyên gia cho rằng, ngoài những bất cập nêu trên, để phát triển hệ thống tín dụng nông nghiệp, nông thôn thì hệ thống chính sách tín dụng khu vực này cần phải được tích hợp đồng bộ với các hệ thống chính sách khác có liên quan như chính sách bảo hiểm, vốn hóa đất, lao động, đầu tư… Tuy nhiên, hiện nay vấn đề này ở Việt Nam còn rất nhiều hạn chế và chưa được thực hiện một cách đồng bộ.

Chẳng hạn, với chính sách bảo hiểm, hệ thống tín dụng cần tích hợp với chính sách bảo hiểm nông nghiệp bằng cách coi giá trị bảo hiểm là tài sản thế chấp để có thể vay vốn ngân hàng. Với chính sách vốn hóa đất, đặc biệt là khu vực đất nông nghiệp, hệ thống tín dụng cần xác định theo giá thị trường để làm căn cứ cho vay vốn (thay vì chỉ xác định chỉ cho vay không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay, là giá trị đất theo khung giá đất nông nghiệp do UBND tỉnh, thành phố quy định).

Để thúc đẩy tín dụng nông nghiệp trong thời gian tới, theo các chuyên gia cần phải tháo gỡ hàng loạt những vướng mắc, bất cập trên. Cụ thể, các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu cung cấp các khoản vốn vay kịp thời, phù hợp với nhu cầu vốn (về hạn mức vay vốn), phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh của từng loại sản phẩm nông nghiệp của người dân. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần xem xét các điều kiện khác có thể đảm bảo thế chấp để vay vốn, chẳng hạn như: Tài sản trên đất, tài sản hình thành từ vốn vay, dự án đầu tư…

Đặc biệt, một trong những giải pháp quan trọng cần phải điều chỉnh là cơ cấu vốn ngân hàng thương mại, ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần xây dựng các chương trình cho vay đầu tư nông nghiệp trung và dài hạn, ủy thác vốn của các chương trình cho các ngân hàng thương mại tham gia. Đồng thời, Chính phủ cũng cần hỗ trợ một phần lãi suất và phí thực hiện giải ngân, cũng như tăng cường hỗ trợ và phát triển bảo hiểm nông nghiệp đối với một số nông sản chủ lực trong các vùng sản xuất hàng hóa tập trung ở một số địa phương.

Ngoài ra, một số chuyên gia còn cho rằng, Chính phủ cần phát triển tín dụng phi chính thức (gồm cho vay vốn thông qua các tổ chức như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân...) nhằm bổ sung vào mảng khuyết của hệ thống tín dụng chính thức cũng là giải pháp khả thi.

Khu vực nông nghiệp nông thôn đang rất cần cả vốn đầu tư cho sản xuất, kinh doanh và vốn đầu tư cho tiêu dùng, trong đó có vốn tín dụng để mua sắm những tư liệu sản xuất quan trọng như: Máy móc thiết bị nông nghiệp phục vụ tưới tiêu, làm đất, chăm sóc cây trồng vật nuôi, thu hoạch, bảo quản, chế biến, phương tiện vận tải... Tuy nhiên, để tiếp cận được nguồn vốn này lại không hề dễ dàng bởi các điều kiện phía ngân hàng đặt ra, do đó không ít người dân đã phải tìm đến tín dụng đen với khoản vay nặng lãi để đầu tư cho phát triển nông nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ