Tuy nhiên, khi đã vay được tiền từ các tổ chức tín dụng bất hợp pháp, người vay càng vùng vẫy tìm cách thoát ra, thì càng lún sâu hơn vào vòng xoáy của hoạt động tín dụng đen...
Từ khoản nợ vài chục triệu biến thành con số tiền tỉ
Đó là tình cảnh mà chị Ph.T, ngụ ở quận 12, TPHCM đang gặp phải. Vào thời điểm tháng 8.2018, do gặp khó khăn về tài chính để trang trải cho cuộc sống gia đình, chị T. được một người bạn giới thiệu vay số tiền 60 triệu đồng từ một số người tự giới thiệu là nhân viên công ty tài chính chuyên cho vay tiền nhanh theo hình thức trả góp gồm lãi, gốc theo ngày và trong thời hạn 30 ngày thì lãi 12 triệu đồng.
Tổng số tiền gốc và lãi phải trả là 72 triệu đồng, tương đương lãi suất 20%/tháng, và 240%/năm. Nhân viên công ty này đến tận nhà làm giấy tờ và cho vay nhưng không viết giấy vay nợ hay hợp đồng vay mà lại yêu cầu chị T viết giấy tay loại hình giấy nhận tiền cọc thuê nhà. Họ thu phí làm dịch vụ 10% trên số tiền vay và thu trước tiền lãi 3 ngày.
“Do quá cần tiền để xử lý việc riêng, tôi ký nhận tổng số 72 triệu đồng dưới hình thức trên. Tôi có thắc mắc vì sao không phải là hợp đồng vay thì được nhân viên công ty này giải thích rằng, đây là giấy tờ để hợp thức hóa. Nếu tôi trả tiền đúng thời hạn thì không sao”, chị T. cho biết.
Chỉ sau 10 ngày trả góp tiền gốc và lãi chị T lâm vào hoàn cảnh không có đủ tiền liên tục để đóng tiền góp ngày, chị đã liên hệ nhân viên công ty tài chính kia để thương thảo việc chậm thanh toán để chị có thể xoay tiền. Và đúng thời điểm này thì một nhóm cho vay tín dụng đen đã không đồng ý và liên tục đe dọa nếu chị đóng chậm một ngày thì sẽ phạt gấp đôi, thậm chí là gấp ba.
Ngay sau đó liên tục có nhiều thanh niên lạ mặt xuất hiện trước nhà chị T, và chị nhận được những tin nhắn đe dọa sẽ làm hại người thân, con cái. Chị T. đã rơi vào tình trạng hoảng loạn và trong thời điểm đó, bỗng nhiên chị T. nhận được rất nhiều số điện thoại lạ với lời chào vay tiền tương tự với công thức tính tiền như trên, nhưng số ngày vay ngắn hơn.
Cụ thể, vay 100 triệu đồng trong vòng 24 ngày, lãi là 20 triệu đồng; vay 100 triệu đồng trong vòng 20 ngày, lãi là 20 triệu đồng… Trước sức ép và tâm lý hoảng loạn chị đã gọi vay tiền một trong số những chỗ trên để trả cho khoản nợ công ty tài chính kia. Và cứ thế từ đó chị dính chân vào một cái bẫy do chính các nhóm tín dụng đen đặt ra khiến chị T rơi vào vòng xoáy vay chỗ này đắp chỗ kia.
“Do mất khả năng tài chính và liên tục bị hàng chục đối tượng đe dọa qua số điện thoại nên tôi không dám tố cáo hành vi của chúng đến cơ quan công an. Các đối tượng này liên tục đến nhà tôi tạt sơn và nhắn tin đe dọa tính mạng con tôi làm tôi hoang mang không thể suy nghĩ được lối ra nào cả. Chỉ khi chúng cùng đến nhà đòi nợ, tôi mới thức tỉnh và biết chúng cùng là đồng bọn của nhau”, chị T cho biết. Và theo lời tâm sự của chị T thì tổng kết số nợ của chị hiện nay với các nhóm này đã là hơn 6 tỉ vì lãi mẹ đẻ lãi con.
Liên quan đến vụ việc trên, Cơ quan CSĐT Công an quận 12, TP.Hồ Chí Minh cho biết đã tiếp nhận đơn cầu cứu của chị T. Công an đang khẩn trương truy tìm các đối tượng, cũng như thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ để làm rõ hành vi cho vay nặng lãi.
Tín dụng đen ngày càng lan rộng
Bên cạnh các công ty tài chính có tên tuổi, trong khoảng thời gian gần đây nổi lên hiện trạng, thủ đoạn cho vay online bằng các app trên điện thoại thông minh, hoặc qua mạng xã hội, người dùng chỉ cần làm theo các yêu cầu, chụp ảnh chân dung, cung cấp số tài khoản, cho phép ứng dụng sử dụng dữ liệu của danh bạ điện thoại, thông tin trên mạng xã hội… thì sẽ được vay một khoản tiền trong ngắn hạn.
Khi sắp đến hạn trả nợ, khách hàng sẽ được gọi điện thoại nhắc nhở và giới thiệu một ứng dụng khác, vay số tiền lớn hơn để trả khoản nợ cũ. Cứ như vậy, nợ mới đè nợ cũ, lãi mẹ đẻ lãi con… khiến số tiền khách hàng phải trả gấp nhiều lần khoản nợ ban đầu. Thậm chí, có trường hợp, khi khách hàng không vay để trả nợ nữa thì hình ảnh cá nhân khách hàng sẽ bị cắt ghép, bôi nhọ gửi vào bình luận (comment) hoặc gửi tin nhắn cho tất cả bạn bè trên mạng xã hội, trong danh bạ điện thoại.
Càng gần thời điểm cuối năm, cho vay tiêu dùng đã biến tướng rất phức tạp, tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục phát đi cảnh báo cũng như có biện pháp thanh tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các công ty tài chính, những đơn vị cho vay ngang hàng, cho vay online… Thậm chí, cơ quan này còn yêu cầu các đơn vị liên quan như Tư pháp, Công an, Tài chính… phối hợp để đẩy lùi tín dụng đen.
Để tránh trở thành nạn nhân của tín dụng đen, Bộ Công an khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu vay vốn kinh doanh, sản xuất thì không nên có quan hệ với những đối tượng tín dụng đen mà nên tìm đến người thân, những cơ sở tín dụng có giấy phép hoặc Ngân hàng Nhà nước.
Chuyên gia tài chính ngân hàng TS Trương Huy Mai - RMIT - cho rằng, khi cần tiền đa phần người tiêu dùng không suy nghĩ và tâm lý người tiêu dùng nói chung là sẽ dễ chấp nhận các điều khoản định sẵn. Đây cũng là nguyên nhân khiến các hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới áo khoác tín dụng tiêu dùng hợp pháp, thực tế đã gây nhiều hệ lụy. Vay là có trả chứ không nên có suy nghĩ khác, vì vậy, vẫn cần phải quan tâm tới tất cả các khía cạnh, đặc biệt là lãi suất có những đơn vị lên tới 100 - 300%/năm.
Trong năm 2019, Công an tỉnh Đồng Nai đã triệt phá nhiều nhóm cùng các đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, đặc biệt là cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp vay lãi nặng với lãi suất lên tới 72%/năm. Qua điều tra, các đối tượng thừa nhận đã cho gần 240 người là công nhân trong Khu Công nghiệp Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai) vay, với tổng số tiền trên 7,2 tỉ đồng.
Người vay thấp nhất 500 nghìn đồng, cao nhất 300 triệu đồng, với lãi suất từ 60 - 72% một năm. Số tiền lời thu về mỗi tháng gần 350 triệu đồng. Người vay phải làm hợp đồng vay với lãi suất thấp hơn thực tế, nhằm hợp thức hóa hình thức vay cũng như đối phó với cơ quan chức năng nếu bị phát hiện.
Ngoài ra, người vay phải thế chấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ ATM và cung cấp mật khẩu thẻ để các đối tượng tự rút tiền hàng tháng. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Xuân Lộc vẫn đang tiếp tục điều tra, làm rõ để hoàn tất hồ sơ xử lý các đối tượng theo pháp luật.
Trong năm 2018 lực lượng công an Đồng Nai đã phát hiện 13 nhóm gồm 92 đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng. Đặc biệt, tại địa bàn TP.Biên Hòa, lực lượng công an xác định được 6 nhóm gồm 43 đối tượng hoạt động chủ yếu tại các phường: Tân Hiệp, Long Bình và các xã: Tam Phước, Hóa An…
Ngoài ra, Công an tỉnh Đồng Nai còn phát hiện khoảng 20 đối tượng hoạt động riêng lẻ trên địa bàn TP.Biên Hòa. Đặc biệt lực lượng công an đã bắt 2 đối tượng về hành vi giết người xuất phát từ việc đòi nợ thuê. H.A.C