Tìm ra loài khủng long quật đuôi mạnh ngang 174 cú đấm của võ sĩ quyền Anh

GD&TĐ - Các nhà khoa học Áo phát hiện Plateosaurus có thể quật đuôi với lực lên tới 174 kilojun để chống kẻ săn mồi.

Hai cá thể Plateosaurus trong vùng đất khô cằn vào cuối kỷ Trias.
Hai cá thể Plateosaurus trong vùng đất khô cằn vào cuối kỷ Trias.

Khủng long Plateosaurus có thể dùng đuôi quật mạnh như roi sắt để chống lại kẻ thù

Một nghiên cứu mới từ Áo đã hé lộ khả năng tự vệ đáng kinh ngạc của loài khủng long ăn cỏ Plateosaurus – một trong những loài khủng long cổ xưa nhất sống vào cuối kỷ Tam Điệp, khoảng 229–200 triệu năm trước.

Ông Thomas Filek, thạc sĩ, nhà nghiên cứu tại Đại học Vienna và Đại học Tài nguyên Thiên nhiên và Khoa học Sự sống BOKU (Áo), cùng bà Ursula Gohlich, tiến sĩ cổ sinh vật học tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna, dẫn đầu nhóm nghiên cứu.

Họ phát hiện ra rằng loài khủng long này có thể sử dụng chiếc đuôi dài như roi để tấn công với lực lên tới 174 kilojun, tương đương với sức mạnh của hơn 174 cú đấm của võ sĩ hạng nặng dồn lại.

Khả năng này cho thấy dù là động vật ăn cỏ, Plateosaurus – nặng khoảng 4 tấn, dài khoảng 8 mét – không hề “bất lực” trước kẻ săn mồi.

tim-ra-loai-khung-long-quat-duoi-manh-ngang-174-cu-dam-cua-vo-si-quyen-anh-3.jpg
Tái tạo một con Plateosaurus bằng cách sử dụng bộ xương mô hình kỹ thuật số.

Khám phá từ hóa thạch đặc biệt

Phát hiện trên dựa trên việc phân tích hóa thạch gần như nguyên vẹn của Plateosaurus trossingensis, được khai quật tại thị trấn Frick (Thụy Sĩ) năm 2015 và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna từ năm 2021.

Sau khi nghiên cứu các đốt sống đuôi còn nguyên vẹn, nhóm khoa học nhận thấy phần đuôi của Plateosaurus có thể hoạt động tương tự như đuôi của các loài thằn lằn hiện đại như kỳ đà hay kỳ nhông – những loài vốn nổi tiếng với khả năng quật đuôi để phòng vệ.

Ông Filek cho biết: “Chúng tôi tính toán được phần chót đuôi có thể tạo ra cú quật mạnh tới 1,6 kilojun, còn cả đuôi có thể tạo ra tới 174 kilojun, đủ để làm bị thương hoặc xua đuổi các loài khủng long ăn thịt cỡ vừa và nhỏ”.

Không giáp, không sừng – nhưng không hề yếu thế

Điều đặc biệt là dù có kích thước lớn, Plateosaurus không có vảy giáp, không có sừng hay móng vuốt lớn. Do đó, bằng chứng về chiếc đuôi có khả năng phòng vệ càng làm tăng thêm sức thuyết phục cho giả thuyết về hành vi tự vệ chủ động của loài này.

Các nhà khoa học cho rằng đuôi của Plateosaurus không chỉ dùng để tự vệ mà còn có thể được sử dụng để bảo vệ lãnh thổ hoặc con non.

“Nghiên cứu này mở rộng hiểu biết của chúng ta về hành vi của khủng long thời kỳ đầu, và cho thấy chỉ một mẫu hóa thạch được bảo tồn tốt cũng có thể mang lại cái nhìn sâu sắc về cả loài,” nhóm nghiên cứu khẳng định trong thông cáo báo chí.

Theo IE/Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Vienna

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ