Tìm phương án phù hợp cho quan hệ lao động

GD&TĐ - Trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các vấn đề như ủy quyền hợp đồng lao động, xử lý vi phạm lao động, giờ làm việc… là những nội dung “nóng” tiếp tục được Bộ LĐ-TB&XH thảo luận với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và một số hiệp hội doanh nghiệp.

Lao động nữ được quan tâm hơn với những chính sách trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)
Lao động nữ được quan tâm hơn với những chính sách trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Thảo luận nhiều nội dung “nóng”

Về những quy định liên quan đến hợp đồng lao động, đại diện người lao động đề nghị Bộ luật Lao động (sửa đổi) có nội dung cho phép “ủy quyền lại”, tức là người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động được tiếp tục ủy quyền cho người khác giao kết hợp đồng lao động.

Việc điều chuyển lao động được đề nghị sửa đổi theo hướng người sử dụng lao động được quyền chuyển tạm thời người lao động không cần sự đồng ý bằng văn bản của người lao động do yêu cầu sản xuất kinh doanh… Việc xử lý vi phạm kỷ luật lao động được đề nghị bổ sung thêm 2 hình thức là chuyển người lao động làm công việc khác với mức lương thấp hơn trong thời hạn 6 tháng hoặc hạ bậc lương…

Về thời gian làm thêm trong năm, VCCI đề nghị nên tăng từ 200 giờ lên 500 giờ đối với trường hợp bình thường, tăng từ 300 giờ lên 500 - 600 giờ trong trường hợp đặc biệt. Mức tiền lương làm thêm giờ nên giữ nguyên như các quy định hiện hành, còn việc trả lương lũy tiến làm thêm giờ với mức lương cao hơn thì do hai bên thỏa thuận. Tiền lương ngừng việc trong trường hợp vì sự cố, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc vì lý do kinh tế thì hai bên nên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức tiền lương tối thiểu.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, nếu vẫn áp dụng khung giờ làm việc tối đa 300 giờ/năm, để phục vụ đơn hàng theo mùa vụ, doanh nghiệp sẽ vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam. Khi đó, khách hàng nước ngoài sẽ lập tức dừng tiếp nhận hàng hoá của doanh nghiệp trong nước...

Một nội dung khá tế nhị là cho lao động nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày trong thời gian “đèn đỏ”, bất ngờ được VCCI đề xuất bỏ hoặc sửa đổi thành hỗ trợ tài chính cho đối tượng lao động nữ trong độ tuổi, để linh hoạt hơn cho người sử dụng lao động và người lao động... Theo ban soạn thảo, quy định này đã thực hiện ổn định từ khi có Bộ luật Lao động, trong điều kiện xã hội Việt Nam hiện nay, cần tiếp tục quy định để bảo đảm quyền lợi và mục tiêu bảo vệ thai sản đối với lao động nữ.

Đề xuất giữ nguyên giờ làm việc tiêu chuẩn

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ông Bùi Sỹ Lợi, với tư cách cơ quan thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) cho biết, quan điểm của Ủy ban là không tăng thời gian làm thêm, cũng không giảm thời gian làm việc bình thường xuống 44 giờ/tuần như một số ý kiến trước đó. Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với lao động nam, 60 tuổi đối với lao động nữ không thể không thực hiện, lộ trình tăng sẽ tiếp tục được nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng...

Nội dung giờ làm việc, VCCI đề nghị giữ nguyên thời gian như hiện nay, tức là mỗi người làm việc 48 giờ/tuần. Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội da giày - túi xách Việt Nam cho rằng, ngành da giày sử dụng 1,5 triệu lao động nên việc thay đổi của Bộ luật Lao động có ảnh hưởng rất lớn. Với việc giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống còn 44 giờ/tuần, doanh nghiệp sẽ phải tuyển dụng thêm nhiều lao động nhằm đáp ứng tốc độ sản xuất hàng hoá, đặc biệt là vào thời điểm mùa vụ sản xuất cho đối tác ở nước ngoài.

Đồng quan điểm, bà Đào Thị Thu Huyền, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, từ năm 2011 đến nay, tiền lương của người lao động đã tăng gấp 3 lần, hiện chúng ta không còn lợi thế lương thấp nữa ngoài các điểm mạnh về nhân công như chăm chỉ, cần cù. Nếu bây giờ còn giảm giờ làm và áp dụng lương lũy tiến làm thêm thì doanh nghiệp không còn lợi thế cạnh tranh nào nữa. Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam thì cho rằng, việc giữ lại khung giờ làm việc 48 giờ/tuần sẽ giúp giữ được lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp và thu hút đầu tư FDI.

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ luật Lao động (sửa đổi) là một bộ luật gốc liên quan tổng thể các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội. Bộ luật có phạm vi đối tượng điều chỉnh rộng, tác động sâu rộng qua nhiều vấn đề sửa đổi, nhiều vấn đề mới đưa vào luật đáp ứng hội nhập và các cam kết quốc tế. Trong quá trình đưa ra lấy ý kiến góp ý, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến về thời giờ làm việc bình thường, thời gian làm thêm, tiền lương, hợp đồng lao động, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu…

“Rất khó để có thể tìm ra sự thoả mãn tất cả các đối tượng. Do vậy, không có phương án tối ưu thì phải tìm phương án phù hợp nhất” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

MIT miễn học phí cho sinh viên đến từ gia đình thu nhập thấp.

MIT miễn học phí cho sinh viên

GD&TĐ - Từ học kỳ mùa Thu năm 2025, Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), sẽ miễn học phí cho sinh viên thuộc gia đình có thu nhập dưới 200 nghìn USD.

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.