Ban soạn thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Giữ nguyên giờ làm việc 48 giờ/tuần

GD&TĐ - Xoay quanh nội dung đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, Bộ LĐ-TB&XH đã có quan điểm chính thức báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 36, tháng 8/2019. 

Theo quy định giờ làm việc của giáo viên là 40 giờ/tuần
Theo quy định giờ làm việc của giáo viên là 40 giờ/tuần

Khuyến khích làm việc 40 giờ/tuần

Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết: Thời giờ làm việc bình thường (Điều 106), đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với quy định hiện hành không quá 48 giờ/tuần. Tuy nhiên, cá biệt có ý kiến đề nghị giảm thời giờ làm việc bình thường xuống không quá 44 giờ/tuần.

Về nội dung này, Ban soạn thảo có ý kiến như sau: Tăng lương giảm giờ làm là mong muốn chính đáng của tổ chức Công đoàn và người lao động. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, hệ trọng cần nghiên cứu kỹ lưỡng. Cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài đề nghị chưa giảm thời gian làm việc bình thường vì chi phí lao động ở Việt Nam hiện không còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực, tỷ lệ “nhảy việc” của lao động cao (khoảng 30%/năm) nên không có đủ lao động để hoàn thành các hợp đồng.

Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản khảo sát sơ bộ 56 doanh nghiệp Nhật cho thấy nếu giảm từ 48 giờ xuống 44 giờ thì phải tuyển thêm 30.000 lao động trong bối cảnh rất khó tuyển dụng lao động và tính toán sơ bộ giảm 4 giờ làm việc/tuần, tức giảm 8,4%, thì sẽ giảm 8,4% kim ngạch xuất khẩu - giảm 21 tỷ USD trong số 250 tỷ USD và ảnh hưởng lớn đến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân, ảnh hưởng xấu đến các mục tiêu kinh tế - xã hội khác.

Bộ luật Lao động hiện hành quy định thời giờ làm việc tối đa không quá 48 giờ trong một tuần và khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ. Chính phủ - với tư cách người sử dụng lao động - đã quy định tuần làm việc 40 giờ đối với cán bộ, công chức là phù hợp khi tiền lương khu vực hành chính Nhà nước được coi là thấp hơn so với khu vực thị trường.

Để bảo đảm sự hài hòa và nâng cao năng lực của doanh nghiệp trong nước, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, Ban soạn thảo đề nghị: Trước mắt giữ nguyên quy định giờ làm việc bình thường 48 giờ/tuần như dự thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội; vấn đề giảm số giờ làm việc xuống 44 giờ/tuần sẽ được nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, đầy đủ để trình Quốc hội vào thời điểm thích hợp.

Đặc thù giờ làm việc của giáo viên

Trong ngành Giáo dục, giờ làm việc của giáo viên được quy định bởi Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT và được điều chỉnh bởi Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT. Các Thông tư này được căn cứ vào các Nghị định số 178/2007/NĐ-CP; Nghị định số 32/2008/NĐ-CP; Nghị định số 75/2006/NĐ-CP và Quyết định số 188/1999/QĐ-TTg ngày 17/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ tuần làm việc 40 giờ.

Được áp dụng đối với giáo viên ở các cơ sở giáo dục công lập, bao gồm: Trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường chuyên, trường, lớp dành cho người khuyết tật và trường dự bị đại học.

Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên được quy định tại Điều 5, Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT, cụ thể: Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó: 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; 5 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 1 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 1 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó: 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học; 3 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 1 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới; 1 tuần dành cho việc tổng kết năm học.

Thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên gồm: Nghỉ hè, nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ học kỳ và các ngày nghỉ khác, cụ thể như sau: Thời gian nghỉ hè của giáo viên thay cho nghỉ phép hăng năm là 2 tháng, được hưởng nguyên lương và các phụ cấp (nếu có); Thời gian nghỉ Tết Âm lịch, nghỉ học kỳ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Các ngày nghỉ khác theo quy định của Bộ luật Lao động.

Căn cứ kế hoạch năm học, quy mô, đặc điểm, điều kiện cụ thể của từng trường, hiệu trưởng bố trí thời gian nghỉ hằng năm cho giáo viên một cách hợp lý theo đúng quy định. 

Trong tuần qua, đề xuất giảm giờ làm việc tiêu chuẩn từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần là một vấn đề gây tranh cãi kịch liệt, với các ý kiến trái chiều. Trong khi tổ chức Công đoàn, đại diện người lao động nghiêng về đề xuất giờ làm việc tiêu chuẩn là 44 giờ/tuần, thì cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động muốn giữ nguyên giờ làm việc tiêu chuẩn là 48 giờ/tuần. Các bên đều đưa ra những luận điểm thuyết phục để bảo vệ quyền lợi của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.