Hai bên đều có những luận điểm riêng để bảo vệ quyền lợi của mình nên chưa tìm ra tiếng nói chung.
Người lao động đồng tình
Trước thời điểm Quốc hội bỏ phiếu thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), đề xuất giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần nhận được sự đồng tình ủng hộ của đại diện NLĐ. Theo ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, với 48 giờ/tuần, thời gian làm việc bình thường của người Việt Nam đang ở mức cao so với thế giới. Từ năm 1999, Việt Nam đã thực hiện chế độ làm việc 40 giờ/tuần, nhưng cho đến nay chế độ này cũng mới chỉ thực hiện đối với công chức, viên chức, NLĐ trong các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Quy định này đã tạo ra khoảng cách, sự phân biệt lớn giữa người làm công ăn lương trong khu vực Nhà nước và NLĐ khu vực ngoài Nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong lực lượng lao động.
Vì vậy, trên quan điểm giảm giờ làm cho NLĐ, Tổng LĐLĐVN đề nghị xem xét để giảm thời giờ làm việc bình thường từ “không quá 48 giờ trong một tuần” xuống “không quá 44 giờ trong một tuần” và đưa vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) để Quốc hội thảo luận và biểu quyết.
Một ý kiến khác cũng cho rằng, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ của thế giới. Đây cũng là dịp để chuyển từ sử dụng nhiều nhân công kỹ thuật thấp sang nhân công kỹ thuật cao, chất lượng cao. Giảm giờ làm cũng sẽ tạo áp lực để chủ sử dụng lao động đầu tư thêm vào kỹ thuật, công nghệ, từ đó nâng cao năng suất lao động.
Doanh nghiệp lo ngại
Trái ngược với quan điểm của đại diện NLĐ, mới đây, thảo luận về vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, đề xuất này nhằm cải thiện điều kiện cho NLĐ, tuy nhiên, vẫn còn một số doanh nghiệp kiến nghị vì cho rằng đề xuất gây cản trở, khó khăn cho doanh nghiệp. Điều chỉnh giờ làm ngày thường từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần, thì một năm sẽ giảm tới 220 giờ, điều này không hợp lý với doanh nghiệp.
Nếu sửa đổi giờ làm việc xuống còn 44 giờ/tuần thì giờ làm thêm sẽ tăng lên và lương tính theo lũy tiến sẽ là gánh nặng thêm cho doanh nghiệp. Muốn sử dụng lao động làm việc bình thường như cũ thì sẽ phải trả mỗi tuần 4 giờ làm thêm, đây là chi phí rất lớn cho doanh nghiệp nội, khi có tới 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ có năng lực hạn chế, rất khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài có tiềm lực kinh tế mạnh.
Cùng chung mối lo ngại, lần đầu tiên VCCI và các Hiệp hội gồm Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản, Dệt may, Da giày - Túi xách, Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam và Hiệp hội Doanh nghiệp Mỹ tại Việt Nam, đã cùng nhau kiến nghị về một số quy định trong dự thảo luật vì cho rằng, nếu các quy định này được áp dụng sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp.
Chưa có lời giải
Theo Ban soạn thảo Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), vấn đề giảm giờ làm việc từ 48 giờ xuống 44 giờ/tuần vẫn đang được tính toán với nhiều vấn đề liên quan. Giảm giờ làm, sức khỏe NLĐ sẽ được nâng cao, thu nhập cũng sẽ được tăng thêm do làm thêm giờ tăng… Tuy nhiên, giảm giờ làm cũng đồng nghĩa với giảm năng suất lao động tuần, năm; giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp, do phải tăng chi phí nhân công, giảm tăng trưởng GDP và giảm thu ngân sách.
Giờ làm việc tối đa hướng tới nhân văn, nhằm cân bằng giữa việc làm với đời sống cá nhân NLĐ và gia đình. Đồng thời hướng tới nâng cao năng suất lao động, đề cao trình độ kỹ thuật và cải thiện chất lượng lao động trong doanh nghiệp. Vì vậy, phương án cho vấn đề này là bảo đảm hài hòa lợi ích cho các bên, không thể hy sinh quyền lợi của một bên để đáp ứng đủ quyền lợi của bên kia.