Tìm nguyên nhân sạt lở bờ sông ở Cần Giờ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Hai nguyên nhân chính có khả năng gây xói lở tại sông Gò Gia (TPHCM) là chế độ thủy văn và hoạt động nạo vét.

Những khu vực dễ sạt lở được nhóm nghiên cứu chỉ rõ.
Những khu vực dễ sạt lở được nhóm nghiên cứu chỉ rõ.

Vì vậy, nên có biện pháp di dời, hạn chế tàu bè neo đậu và cấm di chuyển gần khu vực sạt lở.

Truy tìm căn nguyên

PGS.TS Nguyễn Thị Bảy, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM và cộng sự vừa thực hiện nhiệm vụ “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân sạt lở bờ sông Gò Gia trên địa bàn huyện Cần Giờ và đề xuất các giải pháp nhằm ngăn ngừa”.

PGS.TS Nguyễn Thị Bảy cho biết, TPHCM nằm trong vùng đồng bằng châu thổ của lưu vực sông Đồng Nai, với hệ thống sông ngòi dày đặc tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh những lợi ích, TPHCM cũng chịu tác động của thiên tai gây ra bởi sông ngòi, đặc biệt là sạt lở bờ sông gây thiệt hại về cơ sở hạ tầng, kinh tế, cũng như tính mạng người dân sinh sống ven sông.

Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài với mục tiêu đánh giá thực trạng, nguyên nhân sạt lở bờ sông Gò Gia trên địa bàn huyện Cần Giờ, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng này trong khu vực nghiên cứu.

Nhóm đã tiến hành khảo sát, thu thập và tổng hợp tài liệu, số liệu về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, khí tượng - thủy văn - hải văn, diễn biến sạt lở và phù sa; phân tích, đánh giá thực trạng; xác định nguyên nhân và cơ chế; dự báo diễn biến sạt lở theo kịch bản quy hoạch nạo vét luồng tàu và kịch bản nước biển dâng; đề xuất các giải pháp (công nghệ và quản lý).

PGS.TS Nguyễn Thị Bảy cho biết, kết quả điều tra khảo sát và thu thập số liệu cho thấy, vào năm 2020 tại khu vực sông Gò Gia các vị trí điểm sạt được ghi nhận ở cả hai bên bờ phải và bờ trái. Trong đó, có các điểm sạt nghiêm trọng là vị trí ngã ba sông Tắc Ông Cu và sông Gò Gia với những điểm sạt lên đến hơn 3m.

Kết quả đánh giá quá trình sạt lở theo thời gian bằng ảnh viễn thám giai đoạn 2012 - 2020 cho thấy, giai đoạn 2012 - 2016, đường bờ sông Gò Gia tương đối ổn định, tốc độ thay đổi đường bờ không đáng kể chỉ trong khoảng 0,5m/năm.

Đồng thời, bờ phải có khoảng 28% tổng chiều dài đoạn sông có dấu hiệu xói. Trong giai đoạn 2016 - 2020, khu vực sông Gò Gia có hiện tượng xói rõ rệt với phần lớn chiều dài sông, ở 2 bên bờ phải và bờ trái, chiều dài xói lần lượt là 77,19 và 69,91%.

Phần lớn sông Gò Gia đều bị xói trong giai đoạn này. Đồng thời những vị trí sạt nghiêm trọng cũng bắt đầu xuất hiện trong giai đoạn này. Cụ thể có những vị trí sạt đến hơn 50m và chiều dài đoạn sạt khoảng 250m với tổng diện tích sạt lên đến hơn 1ha.

Đề xuất giải pháp ứng phó

Về đánh giá nguyên nhân và cơ chế gây sạt lở khu vực sông Gò Gia, nhóm nghiên cứu thực hiện xây dựng hai kịch bản bao gồm thay đổi thủy văn nhằm xem xét ảnh hưởng sự thay đổi chế độ dòng chảy và phù sa trong năm 2016 - 2017 đến diễn biến lòng dẫn trên sông Gò Gia.

Các kết quả cho thấy, hai nguyên nhân chính có khả năng gây xói lở tại sông Gò Gia là chế độ thủy văn và hoạt động nạo vét. Cụ thể, việc thay đổi chế độ thủy văn ảnh hưởng đến quá trình diễn biến lòng dẫn tại khu vực sông Gò Gia.

Sự gia tăng mực nước trong sông làm vận tốc dòng chảy tăng và tăng khả năng xói lở lòng dẫn sông. Đối với hoạt động nạo vét, xét trong trường hợp khai thác theo quy hoạch về độ sâu và phạm vi các kết quả cho thấy, ngay tại các khu vực nạo vét sẽ có xu hướng bồi, các khu vực ven bờ xung quanh sẽ có xu hướng xói.

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra dự báo diễn biến sạt lở theo các kịch bản nạo vét và kịch bản nước biển dâng. Kết quả phân tích cho thấy quá trình nạo vét có thể làm ảnh hưởng cục bộ đến khu vực ven bờ xung quanh ô nạo vét và ngay tại ô nạo vét có xu hướng bồi tụ/ít xói hơn so với hiện trạng. Kết quả tính từ mô hình MIKE21FM cho thấy, dưới ảnh hưởng của mực nước biển dâng các khu vực nghiên cứu có xu hướng giảm mức độ bồi và tăng mức độ xói.

Nhóm nghiên cứu khuyến cáo, tại các khu vực đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, nên có biện pháp di dời, hạn chế tàu bè neo đậu và cấm tàu di chuyển gần khu vực bờ sông nơi đã bị sạt lở. Kết hợp theo dõi và kiểm tra định kì các khu vực có nguy cơ sạt lở cũng như khu vực đã bị sạt lở. Bên cạnh đó có thể dùng phương pháp xây dựng hệ quan trắc xói lở bờ sông nhằm nắm bắt kịp thời tình hình ở hai bên bờ.

Các hoạt động nạo vét trên sông cần được triển khai sau khi được tính toán hợp lý và được cho phép của các đơn vị có thẩm quyền, đảm bảo được khai thác đúng quy hoạch, không quá mức gây sạt lở.

Các hoạt động nạo vét được cấp phép trên khu vực nghiên cứu nên được tiến hành theo trình tự, không nên tập trung khai thác vào một chỗ dẫn đến mất cân bằng bề mặt địa hình đáy, gây ra đổ vỡ bờ sông.

Bảo vệ phát triển rừng ngập mặn hai bên bờ sông là điều cần thiết, đồng thời phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn tại các khu vực đã xảy ra sạt lở. Nên làm kè giảm sóng kết hợp với trồng rừng ngập mặn tại hai khu vực bị sạt trên sông Gò Gia.

Các kết quả nghiên cứu của đề tài có thể chuyển giao đến Sở TN&MT TPHCM và UBND huyện Cần Giờ nhằm cung cấp thông tin và đưa ra các chính sách quản lý phù hợp.

Qua đó giúp các cơ quan quản lý của địa phương có cơ sở khoa học trong công tác quản lý rủi ro thiên tai (sạt lở - bồi tụ), cũng như xây dựng các giải pháp bảo vệ bờ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ