Sạt lở bờ sông nghiêm trọng ở huyện Trà Ôn, ăn sâu vào đất liền 5-7m

GD&TĐ - Một đoạn  bờ sông bị sạt lở nghiêm trọng trên địa bàn xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn khiến người dân rất lo lắng.

Sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại Trà Ôn.
Sạt lở bờ sông nghiêm trọng tại Trà Ôn.

Trên địa bàn ấp Long Thạnh (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) vừa xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở có chiều dài 32m, ăn sâu vào đất liền 5-7m. Chiều sâu sạt lở từ 6-8m, nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến 5 hộ dân; gây khó khăn cho việc sinh hoạt, đi lại của người dân trong khu vực.

Người dân cho biết, khu vực này trước đó từng xảy ra sạt lở và đã được gia cố, khắc phục nhưng do dòng chảy mạnh và phương tiện lưu thông cao nên đã khiến sạt lở nghiêm trọng hơn.

Theo bà Võ Thị Chiến, hộ dân tại ấp Long Thạnh, xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn): “Ở đây từng sạt lở rồi, địa phương đã đóng cừ dừa, rồi đổ đất lên, bây giờ sạt lở nữa”.

Chị Nguyễn Ngọc Dung, người dân tại đây cho biết: “Ban đầu tôi thấy đất nứt, hai bữa sau phần đất nứt văng xuống sông luôn. Chỉ mong Nhà nước hỗ trợ để cất cái nhà lại đằng sau ở, chứ giờ ở đây là không thể nào ở được rồi. Tối gia đình phải qua nhà em ngủ tạm".

Sạt lở gây khó khăn cho việc sinh hoạt, đi lại của người dân trong khu vực.

Sạt lở gây khó khăn cho việc sinh hoạt, đi lại của người dân trong khu vực.

Ngay sau khi nhận thông tin về vụ sạt lở, ông Nguyễn Tấn Tân - Phó Chủ tịch UBND xã Lục Sĩ Thành đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo khảo sát tình hình báo cáo lên cấp trên đồng thời thực hiện các giải pháp 4 tại chỗ, giúp dân di dời đồ đạc, vật dụng sinh hoạt, bố trí chỗ ở tạm.

Bên cạnh đó, UBND xã cũng đã phối hợp các ngành chức năng cũng như Ban chỉ đạo của tỉnh, huyện đến khảo sát để làm các công việc tiếp theo.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Ôn, Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cũng đã đến khảo sát để sớm có biện pháp khắc phục, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của người dân trước nguy cơ sạt lở còn có khả năng tiếp diễn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tám - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Trà Ôn cho biết: “Thường trực phòng, chống thiên tai của huyện phối hợp Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai của xã thực hiện 4 tại chỗ. Hiện có một số nhà dân nằm trong vùng rất nguy hiểm, chúng tôi đã giao cho xã vận động dân không ở lại trong nhà, giăng dây bảo vệ người dân đi lại. Huyện cũng phối hợp với phòng chống thiên tai tỉnh khảo sát để tính đến các giải pháp phòng, chống sạt lở".

Ông Lưu Nhuận - Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long cho biết thêm: “Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh sẽ phối hợp với địa phương tiếp tục theo dõi và hỗ trợ cho người dân.

Về giải pháp, sẽ theo dõi trong thời gian tới, cho tư vấn khảo sát mức độ, từ đó mới đưa ra giải pháp công trình. Địa phương sẽ phân công lực lượng 4 tại chỗ để hỗ trợ người dân di dời các tài sản ra khỏi khu vực để đảm bảo an toàn".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.