Tìm người tài cho ngành Giáo dục

GD&TĐ - Làm sao để học sinh giỏi chọn và theo đuổi ước mơ trở thành giáo viên, để nghề giáo là tình yêu, lựa chọn hàng đầu trước ngưỡng cửa vào đời? Rõ ràng, biết tạo cơ chế để công chức có năng lực sống được theo đúng chuyên môn và lương tâm của mình mới là một phương cách để thu hút và giữ chân người giỏi nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Đặc cách tuyển dụng

Ngày 10/4/2020 trở thành một dấu mốc đáng nhớ trong cuộc đời dạy học của cô giáo trẻ Trịnh Thị Hồng Linh, GV Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP Tam Kỳ, Quảng Nam). Sau 3 năm là GV hợp đồng, Hồng Linh được trao quyết định tuyển dụng viên chức ngành GD&ĐT, thực hiện theo Nghị định 140 của Chính phủ về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ SV tốt nghiệp xuất sắc.

Sở GD&ĐT Quảng Nam gặp mặt SV tốt nghiệp ĐH sư phạm loại xuất sắc. Ảnh: Sở GD&ĐT Quảng Nam cung cấp
Sở GD&ĐT Quảng Nam gặp mặt SV tốt nghiệp ĐH sư phạm loại xuất sắc. Ảnh: Sở GD&ĐT Quảng Nam cung cấp

Cùng với Hồng Linh, còn có 19 GV khác, được phân công về Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT chuyên Lê Thánh Tôn (TP Hội An) và THPT Tiểu La (Thăng Bình) và THPT Sào Nam (Duy Xuyên). Đây là những GV đang dạy hợp đồng tại các trường THPT của Quảng Nam, tốt nghiệp ĐH Sư phạm loại xuất sắc; khi học THPT từng là HS giỏi cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh; có người đoạt giải trong kỳ thi Olympic SV và có tình yêu với nghề giáo. 

Chọn theo học trường ĐH Sư phạm vì đam mê nghề giáo, ra trường, Linh được nhận vào dạy hợp đồng tại chính ngôi trường mình đã học. Ba năm dạy hợp đồng, Linh kể, cũng có những lúc cảm thấy chông chênh, cho dù cô thuộc diện được ưu tiên về công tác tại trường theo Nghị quyết 31/2016 của HĐND tỉnh nhưng tình yêu nghề đã giúp cô tìm được niềm vui trong công việc. Vậy nên, được xét tuyển theo Nghị định 140 là niềm hạnh phúc, vinh dự với cô giáo trẻ nhưng đồng thời là áp lực trong môi trường giảng dạy của trường chuyên. 

Cô giáo Huỳnh Nguyên Ngọc Hiền (GV Trường THPT chuyên Lê Thánh Tông) là minh chứng cho câu chuyện người giỏi, có đam mê với nghề thì sẽ được trọng dụng. Ngọc Hiền là thủ khoa đầu vào năm 2015 của Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Dù điều kiện gia đình khó khăn, vừa phải làm thêm vừa học nhưng tốt nghiệp ĐH, Hiền vẫn đạt kết quả xuất sắc. Theo học trường sư phạm, Hiền nhận được không ít lời can ngăn của người thân vì sợ khó tìm được việc làm nhưng đam mê nghề giáo đã giúp cô vượt qua nhiều lực cản để theo đuổi khao khát được đứng trên bục giảng. Câu chuyện của Hiền, vì vậy còn là niềm cảm hứng, là động lực phấn đấu cho những HS phổ thông có tình yêu với nghề sư phạm.  

Thầy Phan Văn Chương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết: “Những giáo viên được tuyển dụng theo Nghị định 140 được đào tạo bài bản, có kết quả xuất sắc từ phổ thông đến ĐH, ngoài trình độ chuyên môn thì tin học và ngoại ngữ đều vững, có tình yêu nghề và khát vọng cống hiến. Đây chính là nguồn nhân lực quan trọng góp phần xây dựng đội ngũ giáo viên chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ của trường chuyên”. 

7 giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được tuyển dụng theo Nghị định 140 của Chính phủ. Ảnh: NVCC
7 giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm được tuyển dụng theo Nghị định 140 của Chính phủ. Ảnh: NVCC

Nhóm than hồng thành ngọn lửa

Đang học năm thứ nhất Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM) Mai Phước Đạt chuyển hướng rẽ sang ngành sư phạm và phải thi lại vào Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng). Việc thay đổi này, theo như Đạt, một phần là do mình cảm thấy không hợp, phần nữa là sự thuyết phục của thầy cô khuyên Đạt nên theo con đường sư phạm khi Quảng Nam có chính sách thu hút nhân tài cho ngành Giáo dục. Tốt nghiệp đạt loại Giỏi, Đạt được nhận vào giảng dạy hợp đồng tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Mai Phước Đạt là một trong những trường hợp “đặt hàng” của ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam. Suốt thời gian làm công tác tổ chức cán bộ tại Sở GD&ĐT Quảng Nam, ông Quốc đau đáu với việc xây dựng đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề để thay thế những giáo viên giỏi đã bắt đầu có tuổi và sắp nghỉ hưu. Và ông Quốc, bền bỉ trong nhiều năm liền, đến các trường THPT làm công việc thuyết phục những HS giỏi chọn theo nghề giáo.

Thời điểm năm 2016, ông Hà Thanh Quốc có hồ sơ của 12 HS giỏi đang theo học các trường sư phạm. “Hồ sơ của các em tôi lưu đầy đủ với một lời hứa cứ học thật giỏi thì sau khi tốt nghiệp ra trường, ngành GD&ĐT Quảng Nam sẽ nhận”. Quyết tâm theo đuổi và tham mưu xây dựng chính sách thu hút nhân tài của ngành sư phạm của ông Quốc đã cho ra đời Nghị quyết 31/2016 của HĐND tỉnh. Theo đó, “sinh viên nguyên là HS các trường THPT chuyên tham gia thi HS giỏi đạt giải Ba cấp tỉnh trở lên, đăng ký theo học ngành sư phạm và tốt nghiệp loại Giỏi được ưu tiên hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế vào các trường THPT chuyên và các trường THPT công lập, khi đủ điều kiện được xét tuyển đặc cách theo quy định hiện hành…”. 

Mặc dù vậy, theo như ông Hà Thanh Quốc thì tiêu chí của Nghị định 140 là quá cao khi áp dụng đối với ngành sư phạm. “Trên thực tế, SV tốt nghiệp xuất sắc mỗi trường chỉ có vài người. Đó là chưa kể có thêm tiêu chí giải Ba HS giỏi tỉnh hay giải Khuyến khích quốc gia trở lên” - ông Quốc nhận xét. Chính vì vậy, để tuyển dụng được người giỏi cho nghề sư phạm, ông Quốc cho rằng, trong thi tuyển viên chức, cần phải có những câu hỏi mang tính chất phân hóa, làm sao để các ứng viên thể hiện được năng lực của mình, chứ không chỉ đơn thuần là những câu hỏi mang tính chất trả bài. 

Tôi xuất thân là một giáo viên và tôi yêu tha thiết cái nghề này. Nhưng cũng thật buồn khi thấy xã hội đi theo một xu hướng mà mình không mong muốn. Nhiều học sinh phổ thông giỏi không chọn theo nghề giáo. - ông Hà Thanh Quốc

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ