Là nữ giảng viên đại học, và tự nhận mình thuộc thế hệ thời đại 4.0, tác giả Hồ Yên Thục thông qua lối kể chuyện đầy ngẫu hứng, vừa kết hợp tự hỏi chính mình và hội thoại giữa các nhân vật trong từng bối cảnh, xen lẫn vào đó là chất văn mang nhiều âm hưởng từ mạng xã hội, đã mang đến một cái nhìn khá toàn diện về những con người quanh năm gắn bó với bảng đen – phấn trắng (ngày xưa), và máy chiếu (thời nay), giáo án, bài kiểm tra, khóa luận, hay thậm chí là những trò tinh nghịch của học sinh – sinh viên.
Và cũng thông qua tập tản văn này, chúng ta có dịp thấu hiểu hơn về nỗi niềm của những đã và đang đứng trên bục giảng, đó là sứ mệnh truyền đạt tri thức, cùng với đó là nhiệt huyết phụng sự xã hội, lòng yêu nghề và sự kiên nhẫn lắng nghe.
Sách "Nhật ký cô giáo" do NXB Văn hóa – Văn nghệ phát hành |
Ngay ở mẩu chuyện đầu tiên, chúng ta chợt nhận ra rằng, để mọi tiết học diễn ra suôn sẻ, chương trình giảng dạy không gián đoạn, mỗi người thầy – người cô trước tiên phải tuân thủ nghiêm ngặt thời khóa biểu trong việc công lẫn việc tư, chủ động thu xếp mọi việc cá nhân – gia đình để cứ đúng trống đánh 7 giờ sáng hằng ngày là sẵn sàng “lên tiết” dù có thể vài bạn sinh viên vẫn còn đang bận ăn sáng, uống café…, nhưng đã là giáo viên - giảng viên thì phải tuyệt đối “đúng giờ”.
Có lẽ, giảng dạy ở bậc đại học là sống và làm việc trong một xã hội thu nhỏ, bởi sinh viên của cô giảng viên trong tác phẩm của Hồ Yên Thục hiện diện ở nhiều độ tuổi, sở thích, tính cách và cả phong cách khác nhau, và cô âu yếu gọi các bạn sinh viên ấy là “đồng nghiệp” trong sự nghiệp đi làm kiếm tiền thanh toán vô số hóa đơn cuộc sống của mình.
Ngay cả việc điểm danh, cũng được tác giả thông qua cách hành văn có phần “tưng tưng” khiến người đọc phát cười, từ nhân vật anh Ất, anh Bính, chị Giáp, cho đến anh Đinh,…., rồi cùng với đó là hàng tá lý do để xin gia hạn nộp khóa luận, đi trễ, miễn điểm danh, khất làm bài tập nhóm hay thậm chí là cảnh tượng đôi ba anh chị sinh viên ngơ ngác vì chẳng biết mình thuộc nhóm nào khi tham gia thuyết trình, thảo luận nhóm.
Theo tác giả, mỗi sinh viên, mỗi vùng miền, mỗi khẩu giọng, khi ráp nhau làm thảo luận hay thuyết trình nhóm, thì giảng viên sau một hồi lắng nghe, quan sát đã ngộ ra rằng mình chẳng khác gì đang tham gia một chuyến phượt xuyên Việt.
Có thể khẳng định rằng, cái chất văn hóm hỉnh tưởng chừng cụt ngủn ấy, thấy vậy mà sẽ dẫn người đọc “nhai kỹ” đến tận những trang cuối cùng, để qua đó chúng ta cùng nhau hiểu hơn về môi trường giáo dục, tâm lý giáo dục thời hiện đại trong giai đoạn hiện nay vốn nhiều người đang cho là “khủng hoảng".
Rất có thể, bạn sẽ đồng cảm với tác giả, vì ai trong mỗi chúng ta cũng từng là thành viên của câu lạc bộ "học trò"... đúng không???