Nghề giáo chứa đựng sự mới mẻ, bận rộn liên tục

GD&TĐ - Cô Hồ Thị Hương (GV Tiếng Anh, Trường THCS Quỳnh Thiện, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đến với nghề giáo với lý do đơn giản từ gia đình: Con gái nên học sư phạm. Nhưng 20 năm gắn bó với nghề, cô chưa bao giờ hối hận vì “quyết định ngẫu nhiên” đó. 

Cô Hương trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm chủ nhiệm với đồng nghiệp
Cô Hương trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm chủ nhiệm với đồng nghiệp

Nghề giáo không nhàm chán như nhiều người nghĩ, bởi mỗi năm có một thế hệ học sinh mới, và mỗi em là một phiên bản độc đáo không giống nhau.

Không sợ học trò cá biệt

Đầu năm học vừa qua, cô Hương tổ chức một cuộc họp phụ huynh không giống bình thường. Trước đó, cô cho tất cả học sinh trong lớp viết về suy nghĩ của mình, những mong muốn với bố mẹ. Những bài viết đó được cô đọc lên trong buổi họp phụ huynh. Ai nấy giật mình: Con cái suy nghĩ sâu sắc, nhạy cảm hơn so với những gì người lớn nghĩ. Có em dù học khá giỏi nhưng vẫn thấy áp lực từ bố mẹ và chỉ mong bố mẹ đừng so sánh và đừng mong con như “con nhà người ta”. Có em lại chỉ mong “bố đừng uống rượu, bố uống ít thôi và hãy luôn vui vẻ với con”.

“Tôi không nêu đích danh học sinh, nhưng các phụ huynh trong buổi họp đều nhận ra đâu là tâm tư của con mình. Sau đó, một số người đã gặp tôi để chia sẻ. Tôi cũng thấy rằng, lâu nay học sinh thường rất ngại khi tâm sự với chính người thân của mình. Vì thế, thầy cô cần là cầu nối để bố mẹ và con cái hiểu nhau hơn, để bố mẹ đồng hành con trong quá trình trưởng thành. Bản thân tôi cũng hiểu học sinh của mình hơn để làm tốt vai trò giáo viên chủ nhiệm” – Cô Hương bày tỏ.

Với cô Hương, là giáo viên điều quan trọng nhất cần phải có tâm, gần gũi, giúp đỡ để học sinh tiến bộ. Trong lớp học, cô không chỉ chú trọng đến những em khá, giỏi mà quan tâm đến tất cả đối tượng học sinh, để các em được phát triển toàn diện các kỹ năng. Nhiều năm làm chủ nhiệm, cô Hương cũng rút ra, bất cứ lớp học, trường học nào cũng có học sinh cá biệt. Nhưng độ tuổi trung học, các em chủ yếu thể hiện bằng việc bỏ học, trốn học, trong giờ học không tập trung hào hứng học tập.

“Tôi không sợ học trò cá biệt. Việc gì cũng có nguyên nhân, nữa là một đứa trẻ đang lớn. Phần lớn học sinh trở nên cá biệt là vì hoàn cảnh gia đình, thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm. Nhất là ở vùng nông thôn, bố mẹ đi làm ăn xa, không có người chăm sóc, nhiều học sinh trong suốt bốn năm học chưa bao giờ có bố mẹ đi họp phụ huynh”, cô giáo tâm sự.

Với những trường hợp như vậy, cô thường tìm hiểu hoàn cảnh, tiếp xúc từ gia đình và gần gũi với học sinh, cố gắng nói chuyện tìm hiểu về suy nghĩ, tình cảm, mong muốn của các em.

Cô Hồ Thị Hương (GV Tiếng Anh, Trường THCS Quỳnh Thiện, Hoàng Mai, Nghệ An)
Cô Hồ Thị Hương (GV Tiếng Anh, Trường THCS Quỳnh Thiện, Hoàng Mai, Nghệ An) 

Nỗ lực làm mới mình

Là giáo viên Tiếng Anh, ở môi trường không được thực hành nhiều, cô Hương luôn trăn trở làm sao để bù đắp thiếu hụt đó cho học sinh, và tự nâng cao chuyên môn cho mình. Ngoài dạy ở trường, về nhà cô đọc sách, tài liệu, thi lấy các chứng chỉ quốc tế. Dần dần, cô được nhà trường tin tưởng, giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhưng để có được kết quả tốt, cô cũng phải chấp nhận thất bại. Sau những cố gắng, năm học 2018 – 2019, đội tuyển Tiếng Anh của cô và đồng nghiệp có 5/5 học sinh đi thi đều đạt HSG tỉnh.

“Nhiều người nghĩ nghề giáo nhàm chán, mỗi năm đều dạy lại những kiến thức như nhau. Nhưng nếu quan tâm đến nghề nghiệp sẽ thấy mỗi năm có một đối tượng học sinh khác. Và giữa các học sinh cũng là những phiên bản khác nhau. Giáo viên phải trăn trở, suy nghĩ mới có một phương pháp tiếp xúc và truyền dạy hiệu quả. Đó chính là sự mới mẻ, bận rộn liên tục của nghề giáo” - cô Hương chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ