Rào cản lớn
Trong một động thái mới nhất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã yêu cầu các địa phương hoàn thành việc thu hồi tất cả các thiết bị Movimar- thiết bị định vị vệ tinh, đã được lắp đặt trên các tàu cá có chiều dài nhỏ hơn 24 mét để chuyển sang lắp đặt cho các tàu cá có chiều dài 24 mét trở lên. Đây cũng là một trong việc đáp ứng điều kiện do phái đoàn kiểm tra của EU đưa ra.
Khái niệm “cá bất hợp pháp” không được vào EU là khá ngặt nghèo, trong khi đối với số đông người đánh bắt, tiêu thụ trong nước không quan tâm nhiều đến nguồn gốc của sản phẩm.
EC đưa ra nhiều quy định ràng buộc đối với “cá bất hợp pháp”, đáng chú ý trong đó có điều khoản hạn chế loài cá được đánh bắt: Nếu một tàu cá đánh bắt một loài cá trong danh mục nguy cấp quý hiếm thì cũng bị coi là nguồn cá bất hợp pháp. Đánh bắt cá quá nhỏ, đánh bắt vào thời gian cá sinh sản, tại khu vực sinh sản cũng là vi phạm.
Quy định còn nêu rõ, cho dù cá đánh bắt hợp pháp nhưng không có hồ sơ chứng nhận thì cũng bị coi là vi phạm. Tàu cá không gắn thiết bị giám sát hành trình thì toàn bộ cá do tàu đó đánh được cũng bị coi là vi phạm.
Về những quy định này, theo giới chuyên gia, nó mang tính “đơn phương”- có nghĩa là xuất phát từ EC mà không cần tham khảo, thương thảo với đối tác xuất khẩu. Ai muốn vào thị trường này thì đều phải chấp nhận sự “đơn phương” đó. Đây cũng được coi là một trong số những hàng rào bảo hộ sản xuất, chế biến trong khối, mà cụ thể là ngành đánh bắt hải sản của các quốc gia trong EU.
Vượt rào cản không bao giờ là đơn giản, khi mà châu Âu vốn là nơi có những quy định luật pháp rất kín kẽ.
Với yêu cầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lắp thiết bị Movimar cho tàu cá từ 24 mét trở lên, và phải mở thiết bị 24/24 giờ khi đi khai thác hải sản trên các vùng biển, được coi là động thái quyết liệt từ nội bộ.
Cùng đó, để khắc phục “thẻ vàng”, Bộ này còn yêu cầu các địa phương và sở, ngành liên quan trong những tháng cuối năm 2018 phải có những biện pháp cụ thể để thực hiện kiểm soát tàu cá xuất bến và tại các cảng; thực hiện tốt cơ chế phối hợp và xử lý giữa các lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên biển khi phát hiện tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; có biện pháp xử lý quyết liệt như rút giấy phép khai thác, không cấp mới đối với chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và bị bắt giữ hoặc phát hiện trên hệ thống giám sát hành trình.
Nỗ lực chưa đủ
Nhắc lại, từ ngày 16 đến 24/5 vừa qua, đoàn kiểm tra của Tổng vụ các vấn đề Biển và Thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC) đã làm việc tại Việt Nam về kiểm tra việc thực hiện 9 khuyến nghị của cơ quan này trong việc khắc phục chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU - hoạt động khai thác bất hợp pháp).
Đáng tiếc khi đoàn kiểm tra này cho rằng, việc khắc phục IUU chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt triển khai trên thực tế còn yếu. Do đó EU tiếp tục áp “thẻ vàng” đối với hải sản Việt Nam và sẽ tái kiểm tra để đưa ra quyết định có cấp “thẻ xanh” cho hải sản Việt Nam hay không, vào tháng 1/2019.
Về phía Việt Nam, cũng cần nhìn nhận “lỗ hổng” khi cả nước hiện có khoảng 110.000 tàu cá; trong đó có khoảng 33.000 tàu cá đánh bắt xa bờ (công suất 90 CV trở lên), nhưng chỉ có khoảng 3.000 tàu được lắp đặt thiết bị định vị vệ tinh Movimar.
Kể từ trung tuần tháng 11/2017, liên quan đến việc EU cảnh báo thẻ vàng đối với hoạt động khai thác hải sản tự nhiên của Việt Nam (cho tới ngày 23/4/2018 là tròn 6 tháng theo quy định do EU đưa ra), các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt là cam kết chỉ mua hải sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhưng, như vậy vẫn chưa đủ, đoạn đường chuyển “thẻ vàng” sang “thẻ xanh” không hề đơn giản.
Mở rộng thị trường
Một mặt đáp ứng đầy đủ những yêu cầu từ phía EU, nhưng mặt khác - theo giới chuyên gia, thì Việt Nam rất cần mở rộng thị trường xuất khẩu thủy sản ngoài EU.
Thực tế cho thấy đối với các mặt hàng khác, Việt Nam dần chiếm lĩnh thị trường thế giới với thị trường không nhỏ. Với thị trường khó tính bậc nhất là Nhật Bản và Hoa Kỳ, thì nhiều mặt hàng Việt Nam thâm nhập khá sâu. Với thị trường Hoa Kỳ, có thể nêu ví dụ về con tôm và cá tra. Dù cho Bộ Nông nghiệp nước này dựng lên nhiều hàng rào kĩ thuật, pháp lý để bảo hộ sản xuất trong nước, nhưng cá tra, tôm Việt Nam vẫn bán chạy. Quan hệ giao thương là điểm mấu chốt trong thị trường. Sản phẩm có tốt nhưng quan hệ tồi thì cũng không có cơ hội.
Một ví dụ khác, đó là thị trường Nhật Bản. Đây là quốc gia chất lượng hàng hóa được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng nhiều loại trái cây Việt Nam vẫn có cơ hội tại đây. Trong đó phải kể đến thanh long, nhãn, vải thiều. Nhiều người hẳn cũng chưa quên vào khoảng giữa năm 2014, phía Nhật cử người sang tận Phú Yên hướng dẫn ngư dân Việt Nam cách đánh bắt, bảo quản cá ngừ đại dương. Kể từ đó, cá ngừ của Việt Nam nổi tiếng toàn thế giới, vì rằng vào được Nhật Bản cũng có nghĩa là đã có “giấy chứng nhận toàn cầu”.
Hiện, cùng với thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, EU..., thì châu Phi và Trung Đông được coi là còn nhiều dư địa. Tuy nhiên, có cảm giác chiến lược xuất khẩu nông - thủy sản của ta vẫn loay hoay trong những bạn hàng truyền thống. Đã đến lúc cần mở rộng thị trường hơn nữa, để không bị động, không phụ thuộc vào những gì đã quá quen thuộc.
Jacob Lee - một chuyên gia tư vấn sừng sỏ về giao thương quốc tế (đến từ Đại học Yane) từng nói: Trong buôn bán, bạn bè cũ là tốt nhưng bạn bè mới rồi cũng sẽ thành bạn bè cũ. Đừng sợ có bạn mới sẽ mất bạn cũ, mà điều đó chỉ làm bạn cũ phải chiều chuộng ta hơn mà thôi.
Cuối cùng, có thể kể một câu chuyện vui về tìm hiểu để mở rộng thị trường (dẫn theo ví dụ của Jacob Lee): Một chính phủ nọ cử hai chuyên gia cao cấp sang châu Phi để tìm cơ hội xuất khẩu giày. Một tuần sau, vị chuyên gia thứ nhất điện về báo cáo: Xuất thật nhiều giày dép sang đây vì đa số người dân chưa có giày dép, chỉ đi chân trần. Nhưng vị chuyên gia thứ hai lại đề xuất: Đừng xuất giày dép sang đây vì người dân chỉ đi chân đất mà thôi!
Sau khi ví dụ, Lee nói rằng: Cái quan trọng là cân nhắc thông tin để đưa ra một quyết định đúng đắn và táo bạo!