Phát hiện được thực hiện nhờ sứ mệnh tàu không người lái Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu ESA. Hồ nước có đường kính khoảng 20 km, nằm dưới độ sâu 1,5 km dưới bề mặt băng đá. “Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng đối với khoa học. Nó là yếu tố mấu chốt để hiểu về tiến hóa sao Hỏa” – nhà khoa học Dmitri Titov ở ESA cho biết.
Sự hiện diện của nước trong trạng thái lỏng được khẳng định dựa trên các dữ liệu thu thập từ tháng năm 2012 - 12/2015 nhờ thiết bị dò tìm nước dưới bề mặt sao Hỏa Marsis.
Việc phát hiện nước trên sao Hỏa trở nên bất ngờ hơn, khi mà nhiệt độ ở khu vực cực Nam thậm chí xuống tới - 68 độ C. Trong những điều kiện đó, nước phải đóng thành băng đá. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu gần như chắc chắn là hồ nước tồn tại được nhờ hai lí do: Điểm đóng băng của nước bị hạ thấp do áp suất sông băng với bề dày 1,5 km và do có các muối hòa tan trong nước.
Nhà khoa học Anida Diez ở Viện Đại cực Na Uy cho rằng các muối phát hiện trên sao Hỏa (muối của magie, natri và canxi) có thể hạ thấp điểm đóng băng của nước xuống đến - 74 độ C.
Các nhà khoa học cho rằng hiện giờ không còn nghi ngờ gì về sự tồn tại của nước trên sao Hỏa. Điều cần làm là xác định xem có sự sống dưới dạng vi khuẩn trong hồ nước đó hay không. Tuy nhiên, không thể nhanh chóng khẳng định điều đó vào thời điểm hiện nay hay trong những năm tháng tới đây.
Các nhà khoa học cho biết, phát hiện nói trên khiến người ta nhớ lại sự kiện tìm thấy hồ Vostok nằm sâu 4 km dưới bề mặt băng Nam Cực. Thật tiếc là việc phát hiện hồ Vostok không liên quan gì đến việc phát hiện những dạng sống mới.
Một số chuyên gia tỏ ra thận trọng đối với những thông tin kiểu như trên, bởi vì những nghiên cứu tương tự cũng đã được tàu quỹ đạo Mars Reconnaissance Orbiter thực hiện và khi đó người ta không phát hiện chứng cớ về hồ nước dưới bề mặt. Tuy nhiên, nếu trên sao Hỏa có nước, thì việc thuộc địa hóa sao Hỏa sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.