Tìm kiếm mô hình giáo dục đại học số phù hợp nhất với Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày 25/3, Bộ GD&ĐT, Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức Tọa đàm về "Xây dựng mô hình Giáo dục đại học số tại Việt Nam".

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn phát biểu tại tọa đàm.

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy và đại diện lãnh đạo các trường đại học.

Chuyển đổi số và xây dựng mô hình số vẫn nhỏ lẻ

Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn đánh giá: Các trường đại học đã rất nỗ lực và cố gắng thích ứng giảng dạy trong thời gian đại dịch. Sau đại dịch các trường tiếp tục nghiên cứu việc dạy và học trực tuyến thế nào cho hiệu quả.

Tuy vậy, hiện nay mỗi trường đại học chuyển đổi số (quản trị, giáo dục số) trong nội bộ nhà trường mới chỉ dừng trong phạm vi một trường đại học. Nếu chúng ta nghĩ và hành động ở tầm vóc lớn hơn, có độ phủ và sự phối hợp với các trường tốt hơn thì chúng ta sẽ khai thác tốt hơn rất nhiều nguồn học liệu chung, tiết kiệm cho người học.

“Để có mô hình hiệu quả, hướng tới tầm khu vực thì các trường cần phải làm sao để thu hút người học vào học. Bên cạnh việc công nhận tín chỉ giữa các trường, việc đảm bảo chất lượng, xã hội tin tưởng, người học mới lựa chọn. Chúng ta cần phải xây dựng được một nền tảng, một mạng lưới hiệu quả, dưới sự điều phối, vận hành của một đơn vị nào đó. Điều quan trọng hơn là các trường cần phải chứng minh được chất lượng, hành lang pháp lý… để hỗ trợ thúc đẩy và phát triển mô hình đại học số”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.

Báo cáo và thông tin tại tọa đàm, đại diện Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết: Ngân hàng thế giới (World Bank) dự toán 2023 doanh thu từ giáo dục số đạt mức 166 tỷ USD, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất là giáo dục đại học số với 103,8 tỷ USD (62,5%). Ước tính doanh thu sẽ tiếp tục tăng 9,4% mỗi năm cho tới năm 2027.

Phần lớn doanh thu tới từ các hoạt động giáo dục số tại Mỹ ước đạt 74,8 tỷ USD (45%), doanh thu trung bình trên một người học trực tuyến ước đạt 210 USD (~5 triệu đồng). Điều đó cho thấy giáo dục số là thị trường nhiều tiềm năng.

Từ thực tế phát triển của đại học số trên thế giới, nhóm nghiên cứu của ĐH Bách Khoa Hà Nội gợi mở mô hình giáo dục đại học số tại Việt Nam cần phải có các trụ cột chính. Thứ nhất là nhu cầu của người học. Người học cần một số kiến thức trong các môn học mà cơ sở đào tạo chưa sẵn sàng hỗ trợ giải pháp: cơ sở đào tạo sử dụng hệ thống cùng với học liệu có sẵn để cung cấp cho người học.

Thứ hai là nhu cầu của cơ sở đào tạo, đó là cơ sở có tiềm lực xây dựng học liệu tốt, có thể cung cấp miễn phí hoặc có phí, giải pháp là sử dụng nền tảng để quảng bá đến người học bên ngoài phạm vi cơ sở đào tạo

Kế đến là điều kiện hợp tác vận hành. Các cơ sở đào tạo xác định được các nội dung đào tạo (chương trình đào tạo) cần cung cấp cho người học nhưng không (hoặc chưa) đủ nguồn lực xây dựng nội dung học liệu cũng như giảng dạy. Giải pháp là tìm kiếm, phối hợp với cơ sở đào tạo khác trong mạng lưới để cùng phát triển học liệu phục vụ cung cấp tri thức cho người học.

Cuối cùng là dịch vụ thương mại giáo dục theo các hình thức/mức độ trên, nhưng có yếu tố chia sẻ tài chính giữa các bên tham gia.

PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nêu ý kiến tại tọa đàm.
PGS.TS Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Ngân hàng TPHCM nêu ý kiến tại tọa đàm.

Tiến sĩ Dương Tôn Thái Dương, Phó ban phụ trách Ban đào tạo ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ về đề án đào tạo nhân lực số phục vụ chuyển đổi số phát triển kinh tế số và thúc đẩy xã hội số. Theo đó, mục tiêu triển khai mô hình đại học số góp phần tăng quy mô trong điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực máy tính và công nghệ thông tin cùng các lĩnh vực có liên quan phục vụ chuyển đổi số.

Tuy vậy, theo TS Dương, ngoài các yêu cầu đảm bảo chất lượng, xây dựng hệ thống, chính sách vận hành, việc công nhận tín chỉ giữa các cơ sở tham gia hệ thống cũng như từ các khóa học trực tuyến mở của các trường nổi tiếng là cần thiết. Bên cạnh đó, khi xác định chỉ tiêu cần quy định tỷ lệ tăng thêm đối với năng lực giảng viên quy đổi bằng tỷ lệ phần trăm đào tạo trực tuyến trong chương trình đào tạo.

Chủ động thích ứng và tìm kiếm mô hình ưu việt

GS.TS Nguyễn Minh Hà, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TPHCM nhìn nhận giáo dục đại học số là xu hướng tất yếu hiện nay. Do đó, Trường ĐH Mở TPHCM đã và đang đầu tư để phát triển mạnh xu hướng này. Năm 2021, nhà trường cho ra mắt hệ thống các khóa học ngắn hạn online miễn phí là hệ thống VMOOCs. Hiện nay có khoảng 40 khóa học và khoảng 7.000 người đăng ký tham gia.

Ông Dương Thăng Long, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cho rằng, cái khó nhất là sự thay đổi, thích nghi và sự sẵn sàng của đội ngũ giảng viên có thâm niên.

Theo ông Long mong muốn, mô hình là mở, nhưng vẫn cần phải lựa chọn một phương thức, tiêu chuẩn nhất định về xây dựng chương trình, bài giảng, phương pháp giảng dạy… để làm sao các trường đều có thể kết nối, tham gia vào hệ thống hay mô hình.

Về chính sách và pháp lý, ông Long cho rằng cần có chính sách ghi nhận, đánh giá năng lực học tập của người học ở mọi lúc mọi nơi, cụ thể hóa các tiêu chuẩn về đảm bảo chất lượng ở các cơ sở đào tạo, để cho các nhà kiểm định chất lượng có điểm tựa dựa vào để đánh giá chất lượng khi một trường đại học chuyển đổi và thực hiện mô hình giáo dục đại học số.

Ông Nguyễn Xuân Huy, ĐHQG Hà Nội thì cho rằng hình thức các nhóm, hiệp hội… sẽ không thể có chương trình nào đào tạo trực tuyến hoàn toàn, nếu có thì cũng sẽ rất ít. Vì vậy, muốn làm chúng ta phải thiết lập luật chơi, quy chuẩn về chất lượng, đánh giá chất lượng khi các trường cùng tham gia.

Để đào tạo trực tuyến không có nghĩa chỉ là ngồi trên máy tính mà sinh viên vẫn đến phòng led, thư viện…Vì vậy, chúng ta cần phải thống nhất, chia sẻ nền tảng học liệu trực tuyến, thậm chí phải xây dựng chung nội dung học trực tuyến… thì việc công nhận kết quả mới được.

Đào tạo trực tuyến có 2 vấn đề rất quan trọng. Thứ nhất việc xây dựng nội dung dùng chung được với nhau là rất quan trọng. Thứ hai là phần cứng và nền tảng công nghệ, chúng ta cũng phải cân nhắc thật kỹ khi cho doanh nghiệp tham gia vào dự án… Vì nếu chỉ triển khai theo mục tiêu dự án, khi dự án hết thì lại khó, còn làm với doanh nghiệp thì mới bền vững được.

Quang cảnh tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhìn nhận: Chúng ta thống nhất làm rõ bản chất của đại học số, sự khác biệt giữa quản trị đại học bình thường và đại học số ra sao để có mô hình cho phù hợp.

"Đào tạo trực tuyến, đào tạo trên nền tảng số… là chuyện không mới, nhưng cái chúng ta ngồi bàn với nhau là cái cao hơn, tìm kiếm một mô hình giáo dục mới cho GDĐH, làm sao để cho thầy cô giáo, các trường thấy được lợi ích khi tham gia để cùng nhau góp ý, xây dựng cho mô hình mới, thí điểm mô hình này."- Thứ trưởng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ